Đang lục lọi trong chồng giấy tờ cũ, ông Doromang bỗng giơ ra một tấm ảnh, có lẽ cũng cả chục năm rồi. Trong ảnh là nhóm gần chục các bô lão đang ôm bộ trống baranưng của xóm người Chăm Châu Giang. Vẻ mặt chùng lại, ông Doromang nói chậm: “Đã lâu không còn nghe tiếng baranưng nữa!”.
Thời oanh liệt
Ông Doromang nay đã ngoài 50 tuổi, cùng lứa với thầy giáo Ahmath. Thế hệ ông, khi chừng 10 tuổi, mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi, đã quen nghe tiếng trống baranưng dập dìu bay bổng khắp xóm. Ông Doromang nhớ lại xa xôi, ba bốn mươi năm trước, ở vùng An Giang chỉ hai xóm có hội trống baranưng là Lama và xóm ông – Châu Giang. Nó là niềm tự hào với xóm khác vì mỗi khi trỗi lên, tiếng trống lấn lướt tất cả các âm thanh khác. Ngày ấy, đội trống baranưng đông đúc, đến 25 ông, toàn những người cứng tuổi. Mỗi khi có đám cưới, đặt tên, cắt da bì… chủ nhà lại đến hội trống, dâng khay trầu lễ tổ và ngỏ lời mời. Dù bận gì, các thành viên đều gác lại, đi tìm nhau đến chơi cho đám. Ngày lễ, cả làng góp tiền làm tiệc, hội trống tụ lại thánh đường Mubarak, vừa đánh vừa hát suốt ngày đêm.
![]() Trống baranưng luôn được để trong thánh đường. Ảnh: Trần Việt Đức |
Nhạc của người Chăm có đủ bộ cho đám tiệc, cưới, hỏi, cầu chúc phúc… Đám cưới, có khi chủ nhà mời được cả hai hội trống Châu Giang và Lama cùng biểu diễn, lúc đó mọi người thực sự được xem một cuộc “đấu xảo” tài nghệ gõ trống và hát. Đội nào cũng muốn phô diễn để chiếm phần hơn. Trên căn nhà sàn gỗ, các đội luân phiên vừa gõ vừa hát vừa nhún nhảy, hàng chục bài ca dài thâu đêm. Trong tiếng trống, tiếng hát, điệu nhún và lời cầu chúc, người chơi lẫn người xem cứ say dần, say dần.
Không như bây giờ, đội trống Chăm ngày trước đủ người, đủ trống và lớp lang đâu ra đó. Tối thiểu để đội trống chơi được ít nhất phải 12 người, mỗi người một trống, trong đó có một người đánh tum. Tum là trống nhỏ, thân dài, làm bằng thốt nốt, mặt trống bịt da dê, tiếng đánh thanh. Đánh tum khó vì để giữ nhịp cho đội. Còn lại là 11 trống, chỉ bịt da (bò, dê) một đầu, kích thước to nhỏ, âm thanh trầm bổng khác nhau. Khi dàn trống là 25 chiếc, sẽ có hai tum giữ nhịp. Điều đặc biệt, tất cả những người chơi baranưng đều hát và thuộc bài hát. Dù đông hay vắng, trong đội trống luôn có một nhạc trưởng giữ hơi, giữ nhịp. Nhạc trưởng là người giọng cao khoẻ và hơi thật dài để khi các thành viên khác đuối hơi, nhạc trưởng nối vào.
Rơi rụng
Phải mãi đến cuối buổi gặp, ông Doromang mới ngậm ngùi, xóm Châu Giang mất hội trống có lẽ do thế hệ ông. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, họ đã bị tân nhạc hớp hồn mà quên đi baranưng. Nhiều người bây giờ là bô lão của làng, không còn biết chơi baranưng nữa. Có một vài người biết chơi, cũng chỉ gõ lõm bõm. Người biết hát chỉ được một vài đoạn, trong khi một bài ca dài hàng tiếng đồng hồ. Từ lâu, đội trống thiếu, mỗi khi tập hợp lại diễn chủ yếu phục vụ đoàn này quay phim, tốp kia chụp hình như tấm ảnh ông Doromang đưa xem. Cũng từ lâu, đám vui của xóm đã thay baranưng bằng nhạc sống, người thuê dàn nhạc khác người Việt là không chơi ghi ta, chỉ có bộ trống và organ. Người hát nhạc cổ truyền bập bẹ, không ăn nhập với nhạc.
Gian phòng nhỏ bên cạnh thánh đường Mubarak, nơi treo dàn trống, có lẽ đã lâu không mở cửa. Đếm dàn trống baranưng bây giờ chỉ còn 10 chiếc, mạng nhện và bụi bám đầy. Cầm chiếc tum đã nứt, thầy Ahmath kể, năm ngoái, một đoàn biểu diễn ở Bình Phước xuống đây giao lưu, có mượn chiếc tum đem về biểu diễn. Chiếc tum bị lấy cắp mất, họ mô phỏng làm lại chiếc khác để trả, nhưng đánh không được vì làm tum không dễ, thân phải bằng thốt nốt, mặt phải bằng da dê tơ, thật mỏng, viền phải bằng mây chứ không cột kẽm như giờ. Lặng đi một chút, thầy Ahmath nói tiếp, mấy năm trước trống vẫn còn đủ bộ, sau người này, nhóm kia mượn rồi mất dần. Tập bài hát, không có ký âm, bây giờ nằm nguyên ở nhà ông cả, độ chừng 20 bài, nhưng lâu rồi không giở ra xem vì chẳng ai hát được. Kể chuyện ngày xưa, đã hai chục năm, thánh đường tổ chức buổi lễ trao bằng di tích, có một nhạc sĩ về dự, lúc đó đội trống baranưng cũng tập hợp nhưng người chơi không đủ nên nghe không còn say nữa. “Trống còn, nhạc còn, người chơi mất”, ông Doromang buông câu kết ngậm ngùi.
Thất truyền
Thầy Ahmath còn nhớ rõ, khi ông được chừng 10 tuổi, hội người đánh baranưng lúc đó đã ngoài 50. Nay đã qua gần 40 năm, nhưng nhiều tên tuổi của hội trống ông vẫn nhớ như in. Ông Dusap đánh được cả tum lẫn trống, rất hay làm nhạc trưởng. Ông Apdorofo là người thay thế khi ông Dusap mất. Ông Apdogany nổi tiếng với giọng opera và hơi dài, chuyên hát nối. Trong hội trống ở Châu Giang ngày trước có mấy thành viên từ Campuchia về nhập hội khi lánh nạn Khmer đỏ, trong đó có ông Apdogany. Nhiều cuộc đấu xảo với hội trống Lama, hội trống Châu Giang phải lặn lội sang tận phum KamPong, làng Jul (vùng đất Campuchia giáp biên) rủ thêm bạn đánh trống cho hùng hậu. Ông Apdogany, sau khi trở về quê hương, cũng nuôi ý định một ngày nào đó trở lại Châu Giang, truyền nghề trống cho xóm, nhưng khi bên này sang đón, người đã không còn nữa. Về sau, những người trong hội trống mất dần, nay chỉ còn một ông tên Karim, cũng đã gần 70 nhưng không còn sống ở Châu Giang. Nhiều năm trước, ông lên Sài Gòn, sống với con ở quận 8.
Một lần đi tìm ông, gặp vài người Chăm trẻ, khi hỏi tên ông Karim, tất cả đều lắc đầu ngơ ngác. Thầy Ahmath cũng dự định một ngày gần đây sẽ lặn lội lên Sài Gòn tìm lại ông, để nghe ông gõ trống và hát, dù baranưng nếu chơi dưới 12 trống sẽ chẳng thể hay. Nếu được, thầy Ahmath sẽ tìm cách đưa ông về lại quê, tìm người học gõ trống, đọc nhạc. Chỉ sợ một điều, nếu chậm chân, người cuối cùng của hội trống baranưng Châu Giang cũng sẽ không dừng lại để chờ.
(Theo Nguyễn Trọng Tín – Doãn Khởi // SGTT Online)
Bài 5: Đạo học và người thầy
Bài 4: Giáo luật ở xóm Chăm
Bài 3: Xứ sở “digan”
Bài 2: Ông cả - người của mỗi người
Bài 1: Bí ẩn những “thế giới” bé nhỏ
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com