Một báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 15-9 cho biết đã có bằng chứng về việc cả quân đội Israel lẫn các tay súng Palestine đã phạm tội ác chiến tranh và có thể là tội ác chống lại con người, trong cuộc chiến ở Gaza bắt đầu từ ngày 27-12-2008 và kết thúc vào ngày 18-1-2009.
Nhà cửa của người Palestine tại Beit Lahia bị phá hủy trong cuộc tấn công
vào Gaza của Israel. Ảnh: Getty Images
Hai bên đều vi phạm
Theo hãng tin Reuters, báo cáo dài 557 trang nói trên - kết quả của một sứ mệnh tìm hiểu sự thật được Hội đồng Nhân quyền của LHQ tiến hành – đề nghị Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ kêu gọi Chính phủ Israel và các nhà chức trách Palestine điều tra thấu đáo những hành vi có dấu hiệu phạm tội nói trên.
Những cuộc điều tra này nên được tiến hành “độc lập và tuân theo những tiêu chuẩn của quốc tế”. Ngoài ra, một ủy ban gồm các chuyên gia nhân quyền nên được thành lập để giám sát tiến trình điều tra ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine. Nếu lời kêu gọi trên không được nghe theo, báo cáo đề nghị HĐBA đưa tình hình ở Gaza ra Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC).
Tại một cuộc họp báo hôm 15-9, cựu thẩm phán người Nam Phi Richard Goldstone, người đứng đầu sứ mệnh nói trên, cho biết: “Lực lượng Phòng vệ Israel đã có những hành động phạm tội ác chiến tranh và, về một số khía cạnh nào đó, có thể đã phạm tội ác chống lại con người”.
Ngoài ra, báo cáo cũng cáo buộc rằng những rốc két do các tay súng Palestine bắn vào những nơi không có mục tiêu quân sự ở Israel cũng là tội ác chiến tranh”. Báo cáo nêu rõ: “Những vụ tấn công bằng rốc két và súng cối đã gây ra nỗi kinh hoàng ở những cộng đồng bị ảnh hưởng ở miền Nam Israel, gây tổn thất về nhân mạng, chấn thương về thể chất và tinh thần cho người dân, đồng thời gây thiệt hại tài sản”.
Israeltìm cách khống chế thiệt hại
Đáp lại báo cáo trên, phái bộ ngoại giao của Israel tại LHQ đã ra tuyên bố chỉ trích sứ mệnh của ông Goldstone và lý giải tại sao nước này không chịu hợp tác với cuộc điều tra. Tuyên bố này nêu rõ: “Sự ghi nhận của sứ mệnh này rõ ràng là một chiều và làm ngơ hàng ngàn vụ tấn công tên lửa của Hamas nhằm vào thường dân ở miền Nam Israel”.
Ngoài ra, Chính phủ Israel hôm 16-9 cho biết sẽ không mở cuộc điều tra độc lập đối với hành động của lực lượng mình trong cuộc chiến ở Gaza theo yêu cầu của báo cáo nói trên. Mặt khác, nước này cũng bắt đầu tiến hành một cuộc “tấn công” trên mặt trận ngoại giao để tìm cách giảm nhẹ tổn thất được đề cập trong báo cáo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor cho hãng tin AFP biết nước này sẽ có những nỗ lực về ngoại giao và chính trị trên trường quốc tế để ngăn chặn những tác động tiêu cực của báo cáo.
Một đề nghị khiến Israel đặc biệt lo ngại là việc đưa báo cáo ra ICC, một động thái có thể dẫn đến những cáo buộc nhằm vào các quan chức cấp cao nước này có liên quan đến cuộc chiến. Nhật báo Haaretz dẫn lời một quan chức cấp cao Israel nói một mục tiêu quan trọng là tránh để Israel bị đưa ra ICC.
Trong khi đó, đài BBC (Anh) nhận định rằngbất chấp những kết luận mạnh mẽ nói trên, đang xuất hiện những hoài nghi rằng các đề nghị được đưa ra trong báo cáo sẽ đi đến đâu – cụ thể hơn là liệu vấn đề này có được đưa vào chương trình nghị sự của HĐBA hay không.
Bước đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền là yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa vấn đề này ra HĐBA. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc này, ông Ban Ki-moon đã tránh trả lời trực tiếp mà chỉ nói ông ủng hộ báo cáo của ông Goldstone.
(Theo Hoàng Phương // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com