Dự án Dòng chảy Phương Nam với tổng chi phí xây dựng lên tới 15 tỷ USD do Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hợp tác với Tập đoàn năng lượng ENI của I-ta-li-a xây dựng, là một phần trong kế hoạch "gọng kìm" của Nga nhằm tăng cường kiểm soát thị trường khí đốt châu Âu.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự ra đời của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Nam có tầm quan trọng chiến lược trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho toàn bộ bán đảo Ban-căng nói riêng cũng như toàn bộ châu Âu nói chung, đồng thời khẳng định vị trí cường quốc của Nga đối với thị trường khí đốt châu Âu.
Dự án Dòng chảy Phương Nam với 900 - 1.200 km đường ống được xây dựng để dẫn khí đốt từ cảng Nô-vô-xi-bi-rơ-xcơ của Nga tới châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp và giảm lệ thuộc vào các đối tác trung chuyển khí đốt. Hệ thống đường ống dẫn khí này sẽ vượt qua Biển Ðen vào lãnh thổ Bun-ga-ri, rồi chia thành hai nhánh, một nhánh hướng về phía tây - bắc tới Áo, nhánh còn lại hướng về phía nam tới Hy Lạp và sau đó quay sang phía tây tới miền nam I-ta-li-a. Theo dự kiến, vào năm 2015, lượng khí đốt xuất khẩu được Nga vận chuyển qua Dòng chảy Phương Nam sẽ lên tới 63 tỷ m3/năm, chiếm gần 35% tổng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Hiện nay, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và khoảng 30% lượng dầu mỏ nhập khẩu ở châu lục này. Nga xuất khẩu hằng năm khoảng 216 tỷ m3 khí đốt và phần lớn dành cho thị trường châu Âu, trong đó 46% lượng khí đốt của Ðức phụ thuộc vào Nga và Pháp nhập 21% lượng khí đốt từ Nga. I-ta-li-a hiện là nước nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn thứ hai ở châu Âu với 32% lượng khí đốt nhập khẩu của Mát-xcơ-va. Năm 2006, Gazprom đã ký hiệp định đối tác chiến lược với ENI về cung cấp khí đốt trực tiếp đến năm 2035, với khối lượng tăng dần hằng năm và tăng tới ba tỷ m3 vào năm 2010.
Hiện Nga đang nỗ lực thu hút các đối tác tham gia dự án Dòng chảy Phương Nam. Ðến nay, Nga đã ký hiệp định xúc tiến dự án này với các nước Bun-ga-ri, Xéc-bi-a, Hung-ga-ri, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và đang thỏa thuận về dự án này với Xlô-vê-ni-a và Áo. Ðoạn đường ống chạy qua Hung-ga-ri có vốn đầu tư gần hai tỷ USD do liên doanh giữa Gazprom và một công ty quốc doanh Hung-ga-ri với tỷ lệ góp vốn 50/50 thực hiện và có công suất vận chuyển khoảng 10 tỷ m3 khí đốt/năm. Phần dự án thuộc Hung-ga-ri còn bao gồm một kho dự trữ khí đốt ngầm dưới đất có dung lượng một tỷ m3. Việc thuyết phục các nước này cùng hợp tác xây dựng Dòng chảy Phương Nam được coi là thắng lợi của Nga nhằm khẳng định vị thế là nhà cung cấp năng lượng số một cho châu Âu.
Theo các chuyên gia kinh tế, Dòng chảy Phương Nam khi đi vào hoạt động năm 2013 sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco dài 3.300 km do Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ. Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, dự án Nabucco sẽ đưa khí đốt từ Trung Ðông và Trung Á qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Nam Âu tới châu Âu mà không qua lãnh thổ Nga. Nabucco được đánh giá là "lá chắn năng lượng" của Mỹ và châu Âu, với mục đích chủ yếu là hạn chế sức mạnh của Mát-xcơ-va trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, vốn gặp nhiều trở ngại do tranh cãi giữa các quốc gia và đối tác tham gia dự án, nay dự án Nabucco sẽ còn gặp khó gấp bội bởi sự xuất hiện của đối thủ đáng gờm Gazprom-ENI. Các nhà phân tích cho rằng, trên bàn cờ địa - chính trị - năng lượng thế giới, Nabucco không có lợi thế trong cuộc đọ sức với Dòng chảy Phương Nam vì nhiều lý do. Ðó là, liên minh chiến lược giữa công ty dầu mỏ và khí đốt đa quốc gia ENI của I-ta-li-a và Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã tồn tại khăng khít từ lâu với phạm vi hoạt động không chỉ giới hạn ở châu Âu mà còn vươn tới Bắc Phi và Mỹ la-tinh. Ngoài ra, Dòng chảy Phương Nam là một hệ thống đường ống khá thẳng và ngắn hơn nhiều so với Nabucco, trong khi công suất chuyên chở lại gấp đôi Nabucco. Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp dầu khí Nga G.Sơ-man khẳng định, Nabucco khó có thể cạnh tranh với Dòng chảy Phương Nam do công suất dự kiến của hệ thống đường ống dẫn này là 30 - 31 tỷ m3 khí, trong khi Nga xuất khẩu sang châu Âu hơn 150 tỷ m3, không kể lượng cung cấp cho các nước SNG. Hiện tại Nabucco vẫn chưa có cơ sở nhiên liệu ổn định, do nước cung cấp khí đốt là A-déc-bai-gian chưa đủ khả năng đáp ứng hết công suất ống dẫn. Việc Nga mua hầu hết khí đốt của Tuốc-mê-ni-xtan và Ca-dắc-xtan khiến công suất của Nabucco luôn đứng sau Dòng chảy Phương Nam. Trong khi đó, Nabucco hiện mới đang trong giai đoạn thỏa thuận, nhưng Nga đã củng cố các hệ thống đường ống và hiệp định liên chính phủ mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký đã đưa An-ca-ra vào cuộc, tăng thêm sức mạnh cho Dòng chảy Phương Nam.
Cùng với dự án Dòng chảy Phương Nam, Nga đang xúc tiến xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khác chạy qua biển Ban-tích tới khu vực Bắc Âu để củng cố ảnh hưởng với thị trường năng lượng châu Âu. Nga khẳng định, dự án Dòng chảy Phương Nam và dự án đường ống dẫn dầu Bua-gát - A-lếch-xan-đrô-pô-lít dài 280 km từ Biển Ðen tới biển Ê-giê sẽ bảo đảm an ninh năng lượng cho toàn lục địa châu Âu trong tương lai.
(Theo BÍCH HẠNH // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com