Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Báo chí Mỹ: Một giải thưởng 'quá sớm' cho ông Obama

Báo chí thế giới đều xem quyết định của Ủy ban Nobel khi trao giải Nobel hòa bình 2009 cho Tổng thống Barack Obama là “quá sớm” với nhiều cung bậc khác nhau.

Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama thừa nhận mình chưa bằng những người từng được giải Nobel hòa bình vinh danh - Ảnh: NY Times

Tờ Economist viết: “Đây là giải thưởng an ủi cho nước Mỹ sau khi Chicago đã thất bại trước Rio de Janeiro trong cuộc chạy đua đăng cai Thế vận hội 2016”.

Tờ Los Angeles Times từng tự nhận là “người ủng hộ tổng thống”, bình luận “ông thua khi giành giải thưởng” và gọi giải thưởng này là “kỳ cục”.

Tờ Wall Street Journal đánh giá quyết định của Ủy ban Nobel là gây tranh cãi và cho rằng quá trình chọn lựa thiếu minh bạch.

Báo Washington Post nhân nhượng hơn khi giải thích giải thưởng được dành cho khát vọng hơn là thành tích và lấy ví dụ Yasser Arafat, Shimon Peres và Yitzhak Rabin đoạt giải thưởng hồi năm 1994 là sau khi đạt được thỏa thuận Oslo về hòa bình cho Trung Đông.

Tờ New York Times gọi giải thưởng là “trách nhiệm chính trị - có lẽ là gánh nặng hơn là vinh quang - cho ông Obama”.

Tại Oslo, trong họp báo, đại diện Ủy ban Nobel đã lúng túng khi phóng viên hỏi nếu ông Obama sa lầy tại Afghanistan như Johnson thời chiến tranh VN thì sao.

Thorbjorn Jagland, chủ tịch ủy ban, sau đó trả lời: “Chúng tôi trao giải cho khát vọng” và “chúng tôi không đoán định tương lai”.

Thăm dò tại các kênh truyền hình của Mỹ cũng cho thấy phần lớn người dân đều nói “không” với giải Nobel cho ông Obama. Giới phân tích cho rằng Ủy ban Nobel hoàn toàn có thể để ông Obama trong danh sách chờ cho tới năm 2011 (khi đã có những thành quả cụ thể của chính sách).

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã tuyên bố: “Tôi không cảm thấy mình xứng đáng đứng trong hàng ngũ của rất nhiều những nhân vật tạo thay đổi từng được giải thưởng vinh danh...”.

Trong khi đó, trả  lời phỏng vấn báo Le Monde, ông Bernard Badie - nhà chính trị học và là giáo sư Đại học Khoa học chính trị Paris, Pháp - lại cho rằng quyết định của Ủy ban Nobel là “một sự đặt cược chính trị hơn là đạo đức” (hiểu theo nghĩa là công bằng vì ông Obama chưa có nhiều thành tựu cho hòa bình).

Ông giải thích: ông Obama đã tỏ rõ cố gắng khi đưa ra một tầm nhìn và một sự đoạn tuyệt với đường lối ngoại giao của Mỹ trước đó. Hiện ông đang ở vào một giai đoạn tế nhị.

Ông còn có quá ít sự tiếp sức trong không gian quốc tế (do các tác nhân của nền chính trị quốc tế, đặc biệt là châu Âu, vẫn còn bám víu vào những cách thức ngoại giao cũ na ná với “chủ nghĩa Bush lập lờ”) và đang phải trả giá cho sự đơn độc của mình.

Vào thời điểm này, thế giới đang chứng kiến một sự định nghĩa lại về đường lối ngoại giao của nước Mỹ. Nhiều vấn đề sâu xa đang bị đặt lại: phải đặt lại chủ nghĩa đơn phương do những người tân bảo thủ cổ xúy, phải đặt lại niềm tin vào việc sử dụng sức mạnh trong quan hệ quốc tế, phải đặt lại vị trí độc tôn của phương Tây và khái niệm dân chủ mà phương Tây áp đặt cho phần còn lại của thế giới.

Theo Bernard Badie, quan điểm của ông Obama thật sự đã có được chút cái mới, đó là bớt cao giọng với thế giới và không xem những giải pháp được đưa ra trong những năm 1990 là điều hiển nhiên. Ông Obama đang hé cho thấy phần nào con đường tái định nghĩa này mà theo Ủy ban Nobel, con đường này là đúng và chính vì thế, khi ông Obama đang cần một sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cộng đồng xã hội dân sự quốc tế, Ủy ban Nobel muốn cùng tiếp sức cho ông.

Vị giáo sư này nhấn mạnh: quyết định của Ủy ban Nobel là một chọn lựa chính trị mà người ta có thể đồng tình hay không đồng tình, nhưng rõ ràng là có ý hướng.

(Theo Tienphong Online)

  • Tegucigalpa không yên tĩnh
  • Tại sao quốc tế ủng hộ Zelaya?
  • Biến đổi khí hậu đánh mạnh vào nước nghèo
  • Các nước châu Á – Thái Bình Dương: Chung tay đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu
  • Động đất gây sóng thần Thái Bình Dương, hơn 100 người chết
  • 16 tuổi đã trở thành hiệu trưởng
  • Cướp biển tấn công nhầm tàu của Hải quân Pháp
  • Con tàu mang sứ mệnh tuyệt mật