Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Biến đổi khí hậu đánh mạnh vào nước nghèo

Chi phí để giảm nhẹ và thích nghi với sự biến đổi khí hậu có thể đến 300 tỉ USD/năm vào năm 2030
 
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 4-10 cảnh báo rằng các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất do sự biến đổi khí hậu gây ra.Phát biểu tại một cuộc họp báo nhân dịp WB công bố báo cáo phát triển thế giới năm 2010 với tựa đề “Sự phát triển và biến đổi khí hậu” tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Justin Lin, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, cho biết: “Các nước đang phát triển sẽ gánh chịu từ 75% đến 80% thiệt hại của sự biến đổi khí hậu dù chỉ đóng góp 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.

Theo ông Lin, biến đổi khí hậu là một vấn đề khẩn cấp và thế giới đang chờ đợi trong hy vọng về một thỏa thuận quốc tế đạt được tại Copenhagen. Ông Lin có ý nhắc đến hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ nhằm đối phó với tình trạng toàn cầu ấm dần lên dự kiến diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới.


Một ngôi nhà sắp sập bởi lũ lụt do bão Ketsana gây ra ở thị trấn Tanay Rizal, Philippines hôm 28-9. Ảnh: Reuters

Hãng tin DPA (Đức) dẫn lời WB cho biết chỉ cần nhiệt độ trái đất tăng lên thêm 20C cũng có thể khiến 400 triệu người có nguy cơ bị đói và 2 tỉ người thiếu nước dùng. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu có thể khiến sản lượng kinh tế của thế giới giảm 1% mỗi năm. Riêng ở châu Phi và Nam Á, tỉ lệ này có thể tăng lên 5%.

Trong khi đó, tác động này đối với các nền kinh tế phát triển là thấp nhất. Theo ông Lin, điều này có nghĩa là các nước giàu phải giúp các nước đang phát triển thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Bà Marianne Fay, chuyên gia kinh tế trưởng về sự phát triển bền vững của WB, ước tính rằng chi phí của việc giảm nhẹ và thích nghi với sự biến đổi khí hậu trên thế giới có thể tăng lên khoảng 300 tỉ USD/năm kể từ năm 2030.

Theo hãng tin AFP, ngay khi WB công bố báo cáo nói trên, bà Caroline Pearce, cố vấn về chính sách cho Cơ quan Cứu trợ quốc tế Oxfam, cho rằng các nước phát triển “đang đưa thế giới vào một tương lai thảm họa”. Bà nói: “Họ có thể ngồi đó, chứng kiến tình trạng nghèo khó và nhiệt độ toàn cầu vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc họ có thể giảm bớt lượng khí thải và hỗ trợ tài chính để giúp người nghèo thích ứng với sự biến đổi khí hậu”.

(Theo Hoàng Phương // Người lao động online)

  • Tại sao quốc tế ủng hộ Zelaya?
  • Các nước châu Á – Thái Bình Dương: Chung tay đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu
  • Động đất gây sóng thần Thái Bình Dương, hơn 100 người chết
  • 16 tuổi đã trở thành hiệu trưởng
  • Cướp biển tấn công nhầm tàu của Hải quân Pháp
  • Con tàu mang sứ mệnh tuyệt mật
  • Động đất liên tiếp ở Indonesia, 467 người chết
  • Tegucigalpa không yên tĩnh