Là một trong bốn chiếc tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, được trang bị 16 quả tên lửa chiến lược "Đinh ba" (Trident), mỗi quả có thể mang theo 12 đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên tới 7.500 km, ngoài nhiệm vụ tuần tra, răn đe, Tiền vệ (Vanguard - S28) còn gánh vác một sứ mệnh trọng đại khác.
Tàu ngầm hạt nhân Tiền vệ của Anh. |
Đó là việc nó được trao lưu giữ bức thư tuyệt mật chứa đựng mệnh lệnh cuối cùng trong trường hợp nước Anh bị tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo cùng quân đội Anh đều đã hi sinh. Bức thư này của Thủ tướng đương nhiệm Go-đân Brao, được bảo quản trong một chiếc két nhỏ nằm trong một chiếc két lớn và đặt trong phòng chỉ huy trên tàu ngầm hạt nhân Tiền vệ.
Nội dung cụ thể của bức thư ra sao, không ai được biết ngoài người đứng đầu chính phủ Anh. Theo tờ "Thư tín hàng ngày" (Anh), bức thư tuyệt mật ấy chứa đựng quyết định kinh sợ nhất trong đời của ông G. Brao, là câu trả lời cho vấn đề tàn khốc: nước Anh sẽ phản ứng như thế nào nếu bị tấn công hạt nhân. Và đã thành quy định, trong trường hợp thủ tướng gặp nạn, quyền quyết định sẽ thuộc về người mà ông Brao chỉ định trước đó (thông thường là một quan chức cấp cao trong chính phủ). Tuy nhiên, nếu cả thủ tướng và người được thủ tướng chỉ định đều không còn, thuyền trưởng tàu Tiền vệ sẽ phụng mệnh chấp hành lệnh của thủ tướng ghi trong bức thư tuyệt mật trên. Bắt đầu từ lúc này, mọi công đoạn tiến hành hoạt động trên tàu Tiền vệ đều có sự tham gia của hai người để bảo đảm giám sát lẫn nhau.
Sự kiện về bức mật thư khiến ta có thể hình dung, khi nhận được mật lệnh phát đi từ Tổng bộ vũ trang ở Nót-út (Tây bắc thủ đô Luân Đôn), dưới sự hộ tống của một thủy thủ, nhân viên báo vụ tàu Tiền vệ sẽ chuyển bức điện tới thuyền trưởng. Thuyền trưởng mở khóa phòng chỉ huy, sau đó, thuyền phó mở khóa két lớn và cuối cùng, thuyền trưởng sẽ mở khóa két nhỏ lấy bức thư mật ra. Sau khi so sánh, thấy trùng hợp với bức điện vừa nhận được, thuyền trưởng sẽ ra lệnh cho thuyền phó dùng loa thông báo cho toàn bộ thủy thủ trên tàu vào vị trí chiến đấu, chuẩn bị phóng tên lửa chiến lược. Việc kiểm tra hoàn tất, thuyền trưởng (lúc này đang ở phòng chỉ huy) sẽ ra lệnh phóng tên lửa. Sĩ quan phụ trách vũ khí trang bị trên tàu Tiền vệ (lúc này đang ở phòng điều khiển tên lửa) sẽ nhấn nút. Tính từ thời điểm này, nhiều điểm trên trái đất chỉ còn cách mốc tận thế chưa đầy 30 phút.
Do phải nhận sứ mệnh nặng nề và nhạy cảm, nên một khi rời khỏi căn cứ hải quân Pha-xlan ở Xcốt-len, tàu ngầm hạt nhân Tiền vệ luôn phải giữ bí mật về hành tung của mình. Nhằm tránh bị lộ, Tiền vệ chỉ nhận mà không được phát đi bất cứ tín hiệu gì. Tuyệt đại đa số thủy thủ trên Tiền vệ và thậm chí là các quan chức chỉ huy lực lượng Hải quân Anh đều không biết chính xác vị trí của con tàu. Theo thuyền trưởng Ri-xác Lin-xây, trong quân đội Anh có 160 người tuyệt đối không được phép liên lạc với người thân khi làm nhiệm vụ và 160 người ấy đều phục vụ trên tàu Tiền vệ. Trong khi đó, mỗi lần ra biển, Tiền vệ chìm liền một mạch tới 3 tháng dưới đáy biển, chủ yếu là để luyện tập thành thục trình tự tác chiến trong trường hợp nước Anh phải ra đòn trả đũa hạt nhân.
(Theo HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com