Ánh đèn pha trên mặt biển vịnh Xca-pa (Đông bắc Xcốt-len) về đêm liên tục quét đi quét lại, xé toang lớp áo ngụy trang - bóng tối - của bất cứ kẻ nào có ý định thâm nhập tấn công hạm đội Anh.
Thuyền trưởng, Đại úy Gun-tơ Pri-en, chỉ huy tàu ngầm U47 của Hải quân Đức lặng lẽ cho tàu men theo tuyến đường bờ biển khúc khuỷu ở eo biển Măng-sơ và lựa lúc thủy triều lên đã êm thấm lọt vào vịnh Xca-pa. Mục tiêu của hành động mạo hiểm mà Pri-en cùng các chiến hữu hướng tới là chiến hạm "Cây sồi Hoàng gia - HSM) của Anh. Lúc đó là 12h đêm 13-12-1939, Anh và Đức đã khai chiến được 6 tuần.
Vịnh Xca-pa được đánh giá là nơi mà tàu ngầm đối phương không thể mò vào được, nên Hải quân Anh khá lơ là trong phòng bị cho những chiến hạm của họ đậu ở đây. Trên "Cây sồi Hoàng gia" lúc đó, quá nửa trong số 1.146 thủy thủ đang ngon giấc. Trong mơ họ cũng không thể tưởng tượng ra rằng "thần chết" đã kề bên.
Sự tĩnh lặng của vịnh Xca-pa đột nhiên bị phá tan bởi 3 tiếng nổ cực lớn. Pri-en ra lệnh phóng 3 quả ngư lôi và tất cả đều trúng đích. Những lá thép bảo vệ "Cây sồi Hoàng gia" dính đòn nặng, vỡ toang. 15 phút sau, nó chìm hẳn xuống đáy vịnh và mang theo 832 sinh mạng, trong đó 1 thiếu tướng Hải quân Anh. Khi về tới Béc-lin, Pri-en đã được tung hô như một anh hùng. Đích thân Đức Quốc trưởng A-đôn Hít-le đã tới dự lễ mừng công và trao Huân chương Chữ thập võ sĩ cho Pri-en.
Trong khi đó, việc bị quân Đức vào tận "nhà" để tấn công khiến Hải quân Anh rất mất mặt. Họ ngờ rằng tàu ngầm Đức được gián điệp Đức cài cắm ở đảo Oóc-nây bên bờ vịnh dẫn dắt hướng đi. Hệ quả là Cơ quan phản gián Anh (MI5) cũng phải chịu búa rìu dư luận. Khó có thể chịu nuốt quả đắng, MI5 lập tức tung những điệp viên giỏi nhất tới Oóc-nây điều tra nhằm tóm cổ tên gián điệp Đức giảo hoạt kia. Nhưng không tìm thấy bất cứ manh mối nào. Cuộc truy lùng gián điệp bị rò rỉ thông tin khiến cư dân trên đảo tin rằng có một điệp viên Đức vô cùng nguy hiểm đang ở ngay đảo. Bầu không khí ngờ vực bao trùm Oóc-nây. Đi đâu cũng thấy trẻ em chơi trò "công an bắt gián điệp". 16 tháng sau, tờ "Tin tức tối thứ bảy" nổi tiếng lúc đó ở Mỹ đăng bài cho biết, gián điệp Đức ở Oóc-nây là cựu sĩ quan Hải quân Đức, Trung úy An-phrét. Sự thật được hé lộ.
Năm 1928, sau khi được tuyển dụng vào tình báo quân đội Đức, An-phrét được đưa đi "nằm ổ" luôn ở Xca-pa. Bởi quân Đức sớm nhận ra vịnh Xca-pa sẽ trở thành căn cứ chiến lược nếu bùng nổ chiến tranh Đức - Anh. Nhờ bàn tay nhào nặn của tình báo Đức, An-phrét trở thành một thợ sửa chữa đồng hồ người Thụy Sĩ dưới cái tên mới Ốt-tơ.
Đúng với vỏ bọc nguỵ trang, An-phrét mở một tiệm sửa chữa đồng hồ trên đảo Oóc-nây. Chờ đợi ngót 12 năm, cuối cùng cơ hội cũng đến với An-phrét. Những thông tin về con nước, độ nông, sâu, chướng ngại vật ngầm ở vịnh Xca-pa... đã được An-phrét thuộc như lòng bàn tay. Khi được yêu cầu hỗ trợ cho chiến dịch mang mật danh Vịnh Xca-pa, An-phrét đã gửi một báo cáo tường tận trong vịnh đến chỉ huy lực lượng tàu ngầm kiểu U của Đức, Nguyên soái Các Đô-nít.
Theo lệnh của Đô-nít, Pri-en cho chiếc U47 tới điểm hẹn là cửa vịnh Xca-pa vào một đêm tối trời để đón An-phrét. Được An-phrét dẫn đường, Pri-en đã không mấy khó khăn đưa chiếc U47 tiếp cận "Cây sồi Hoàng gia" ở vị trí thuận lợi nhất. Hoàn thành nhiệm vụ, An-phrét đã trở về Đức cùng chiếc U47 và bí mật "nằm vùng" cả chục năm của An-phrét đã được phía Đức coi là một ví dụ điển hình về sự hợp tác hoàn hảo giữa công tác điệp báo và hành động quân sự.
6 năm sau khi "Cây sồi Hoàng gia" bị đánh đắm, hòa bình đã về với nước Anh. Tuy nhiên, những tranh cãi về sự kiện này vẫn tiếp tục. Hải quân Anh tin rằng Ốt-tơ là kẻ tình nghi số 1. Rất nhiều nhà nghiên cứu Anh đã đến Oóc-nây để tìm hiểu. Thế nhưng, không ai tìm thấy Ốt-tơ, ông thợ sửa chữa đồng hồ người Thụy Sĩ từng sống ở Oóc-nây. Có lẽ chỉ còn Pri-en là người có thể cung cấp những thông tin chính xác nhất về Ốt-tơ. Nhưng năm 1941, một chiếc tàu ngầm do Pri-en chỉ huy đã bị hải quân đối phương đánh chìm ở Đại Tây Dương. Và thế là, sự thật "Ốt-tơ là ai" tới nay vẫn còn bỏ ngỏ.
(Theo Khánh Linh // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com