Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bi kịch Somalia: Địa ngục Mogadishu

Tỉnh Darfur của Sudan từng chứng kiến một thảm họa nhân đạo làm cả thế giới xúc động. Nhưng so với Mogadishu, Darfur là một thiên đàng

Người đưa ra nhận định nói trên là Mohammed Yusuf Hassan, bác sĩ trưởng Bệnh viện Madina ở Mogadishu. Madina là một công trình kiến trúc đẹp bao gồm những tòa nhà mái bằng giống như doanh trại quân đội nằm trong một công viên có những cây thật to cho nhiều bóng mát. Nhiệt độ trong bóng râm ở đây thường là 35°C.

Quá nhiều bệnh nhân

Dưới các tán cây, bệnh nhân trên mình đầy bông băng nằm la liệt vì trong các khoa, bệnh nhân đã nằm chật kín các lối đi.

Bác sĩ Hassan mới 51 tuổi nhưng trông như ông già 65 tuổi. Ông quá mệt mỏi với tình trạng quá tải bệnh nhân. Lúc nào ông cũng cầm trên tay tấm phim X-quang của bệnh nhân đưa lên bảng soi tìm kiếm viên đạn lạc ở đâu đó.

Phần việc chủ yếu của ông là vậy. Đa số bệnh nhân của Hassan vào đây từ một chiến trường hay đơn giản từ một ngôi nhà nằm giữa hai lằn đạn. Họ có thể là lính của chính phủ liên bang chuyển tiếp (TFG) của Tổng thống Sheikh Ahmed hoặc của phiến quân al-Shabaab hoặc là thành viên của Al-Qaeda.

Lính của ai, bác sĩ Hassan không quan tâm. Ông nhận tất cả. Đó là điểm độc đáo của bệnh viện Madina. Đã có một thỏa hiệp ngầm, không văn tự giữa các phe phái ở Somalia, theo đó Bệnh viện Madina là của chung, không ai được đụng đến, duy nhất ở Mogadishu.

Bệnh viện chỉ có 9 bác sĩ phẫu thuật, kể cả bác sĩ Hassan. Họ làm quần quật suốt ngày đêm để giành sự sống của từng bệnh nhân bất kể là thường dân hay binh lính. Mọi người đều được đối xử như nhau.



Tiếp nhận bệnh nhân ở Bệnh viện Madina, Mogadishu. Ảnh: REUTERS

Đến Madina, người ta có thể thấy một tay súng của phiến quân al-Shabaab nằm rên rỉ bên cạnh một người lính của chính phủ đang hấp hối. Bác sĩ Hassan tâm sự: “Chúng tôi không bao giờ hỏi họ đang chiến đấu cho ai”.

Ở Mogadishu, mọi người đều cần bác sĩ Hassan và bệnh viện của ông. Đó cũng là lý do khi lâm trận, tất cả các phe phái đều tránh né Bệnh viện Madina.

Sống trong nỗi đau

Tình thế đặc biệt sinh ra người đặc biệt. Phát biểu trên tuần báo Đức Der Spiegel, bác sĩ Hassan, người được đào tạo tại thành phố Milan của Ý, tự nhận xét: “Tôi không phải là người bình thường. Tôi không thể là người bình thường nếu không, tôi đã không có mặt ở đây. Tất cả mọi thứ ở đây đều tồi tệ.

Tất cả những người Somalia chúng tôi đều bị chấn thương về tinh thần hoặc thể xác. Chúng tôi có thể bị giết bất cứ lúc nào. Chúng tôi giống như bầy kiến bị giẫm đạp, một dân tộc bị lãng quên. Darfur là thiên đàng so với Mogadishu. Dân tộc chúng tôi đau khổ từ lâu lắm rồi. Ở đây, trẻ con thường chết yểu. Đó là lý do tại sao người ta ít thấy trẻ con ở Somalia nói chung và ở Mogadishu nói riêng”.

Tỉnh Darfur của Sudan cũng rơi vào nội chiến từ năm 2003 khi hai tổ chức Phong trào Giải phóng Sudan (SLM) cùng Phong trào Công lý và Bình đẳng (JEM) nổi dậy chống Chính phủ Sudan vì họ cho rằng chính phủ bênh người Ả Rập, đàn áp người châu Phi da đen.

Nội chiến ở Darfur trở thành chiến tranh diệt chủng với một bên là Janjaweed, một tổ chức vũ trang của các bộ tộc châu Phi gốc Ả Rập Abbala được chính phủ hậu thuẫn ngầm và một bên là SLM và JEM bao gồm các bộ tộc Hồi giáo Fur, Zaghawa và Masalit.

Có rất nhiều con số về nạn nhân cuộc chiến ở Darfur được công bố nhưng tất cả đều gây tranh cãi. Ví dụ, tổ chức phi chính phủ Liên minh vì Công lý quốc tế nói có hơn 400.000 người thiệt mạng trong khi chính phủ Sudan nói chỉ có 19.500 người chết.

Có một điều chắc chắn là do bị bỏ rơi, hầu hết người dân Darfur chết vì bị hãm hiếp, bệnh tật và thiếu lương thực. Liên Hiệp Quốc gọi đây là một thảm họa nhân đạo, một cuộc chiến diệt chủng. Một địa ngục trần gian.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hassan, tình cảnh của người dân Darfur còn khá hơn Mogadishu bội phần. Vấn đề của Somalia là cả một thế hệ sinh ra và lớn lên cùng chiến tranh. Somalia có nhiều thế hệ như thế, sống mà trong đầu luôn nghĩ tới chiến tranh, ám ảnh bởi những vụ giết chóc man rợ. Họ sống trong nỗi đau thể xác và tinh thần triền miên không biết bao giờ mới kết thúc.

Tệ hơn Baghdad

Bác sĩ Hassan có hai phòng mổ, một phòng dành riêng cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng và một phòng dành cho những bệnh nhân sạch sẽ. Nếu không có sự ngăn cách đó sẽ có nhiều người chết vì nhiễm trùng máu.

Mổ xẻ hằng ngày, bác sĩ Hassan nhiều khi cảm thấy mình đang làm một chuyện vô nghĩa. Người bệnh hôm nay được ông mổ có thể sẽ bắn chết một em bé vào ngày hôm sau.

Sau những trận đánh lớn, Madina thường tiếp nhận đến 300 bệnh nhân. Bệnh viện này có khá nhiều thuốc men và một máy X-quang nhờ Hội Hồng thập tự quốc tế và Hội Lưỡi liềm đỏ.

Nhưng bệnh viện thiếu rất nhiều bác sĩ phẫu thuật. Tháng 12-2009, một tên đánh bom liều chết đã giết 18 bác sĩ mới tốt nghiệp. Vụ tấn công khủng bố xảy ra tại buổi lễ tốt nghiệp khóa bác sĩ đào tạo trong nước. Bốn vị bộ trưởng của chính phủ ông Sheikh Ahmed đến dự buổi lễ này đều thiệt mạng.

Một em bé 10 tháng tuổi mang một viên đạn nằm trong não. Bệnh viện không có bác sĩ biết mổ não. Hai bác sĩ nước ngoài sau khi hội chẩn nói: “Phải đưa em bé ra nước ngoài mổ”. Nhưng nói xong họ chợt nghĩ làm sao đưa em ra nước ngoài đây? Chiến tranh ở Somalia không cho phép làm điều đó.

Hai bác sĩ ngoại là người Iraq. Họ được chính phủ Qatar mướn và đưa về Madina cách đây 10 tháng. Họ có nhiều kinh nghiệm vì Iraq cũng là một đất nước chìm đắm trong nội chiến. Họ đến và ở mãi trong bệnh viện vì luôn luôn có ca mổ đang chờ họ và cũng vì họ không dám ra khỏi bệnh viện do sợ bị bắn chết.

Họ nói với bác sĩ Hassan: “Ở đây còn tồi tệ hơn Baghdad”.

Kỳ tới: Những kiểu chết ở Mogadishu

NGUYỄN CAO