Chiếc máy bay NB-36H mang lò phản ứng hạt nhân đang thực hiện một chuyến bay thử nghiệm.
Ý tưởng về một chiếc máy bay nguyên tử xuất hiện từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX khi quân đội Mỹ muốn có những chiếc máy bay ném bom hoặc tuần tra có thể hoạt động liên tục nhiều ngày, nhiều tháng trên không.
Năm 1946, lực lượng không quân Mỹ đã ký hợp đồng với Công ty máy bay và cơ khí Fairchild nhằm nghiên cứu, hiện thực hóa ý tưởng này. Công trình nghiên cứu này được biết đến dưới tên gọi dự án Năng lượng nguyên tử dành cho động lực máy bay (NEPA).
Từ nghiên cứu, thử nghiệm
Năm 1948, Học viện Công nghệ Ma-da-chu-sét (MIT) đã tiến hành một nghiên cứu mang tên "Nhiệm vụ năng lượng hạt nhân" và chỉ ra rằng, một chiếc máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là khả thi và quá trình nghiên cứu, phát triển đòi hỏi thời gian ít nhất là 15 năm.
Đến đầu năm 1951, lực lượng không quân Mỹ kết luận rằng, dự án NEPA rất hứa hẹn và bắt đầu thiết kế động cơ cho chiếc máy bay chạy bằng năng lượng nguyên tử này. Hãng General Electric (GE) được chọn là nhà thầu chính chế tạo động cơ và hãng Pratt&Whitney ký hợp đồng phát triển động cơ theo một hướng khác.
Năm 1954, lực lượng không quân Mỹ bắt tay vào chế tạo một chiếc máy bay nguyên tử thực sự, dưới tên gọi là kế hoạch WS-125A. Hãng Pratt&Whitney (Mỹ) và GE là nhà thầu chế tạo động cơ. Còn hãng chế tạo máy bay Lockheed và Convair nhận chế tạo phần khung vỏ cùng các thiết bị khác. Kế hoạch WS-125A bắt đầu với việc chế tạo một chiếc máy bay ném bom có tốc độ dưới âm thanh nhưng để ngỏ khả năng sẽ phát triển các thế hệ máy bay siêu âm.
Một máy bay ném bom hạng nặng
B-36H đã được hoán cải để thực hiện các thí nghiệm. Chiếc B-36H thử nghiệm được gọi là máy bay nguyên tử nhưng thực chất không sử dụng năng lượng nguyên tử để hoạt động. Một lò phản ứng nhỏ có công suất 1MW, nặng khoảng 16 tấn đã được thiết kế riêng để lắp đặt trên khoang chứa bom đằng sau máy bay. Một tấm chắn làm từ 4 tấn chì che giữa lò phản ứng và buồng lái. Ngoài ra, buồng lái được bọc trong chì và cao su, với những tấm kính chắn gió làm bằng kính acrylic dày 15cm. Tổ lái có thể theo dõi lò phản ứng thông qua các thiết bị điện tử chế tạo riêng. Sau khi được lắp đặt xong, chiếc máy bay được gọi là bằng mật danh XB-36H.
Chiếc XB-36H thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 17-9-1955 do phi công thử nghiệm Uýt-sen Giô cầm lái. Tất cả các chuyến bay của XB-36H đều được tiến hành trên không phận các khu vực hoang vu nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra. Lò phản ứng hạt nhân chỉ được bật lên khi máy bay đã đạt độ cao an toàn. Một chiếc máy bay vận tải C-97 luôn hộ tống chiếc XB-36H trong thời gian ở trên không. Chiếc C-97 chở theo một trung đội lính thủy đánh bộ vũ trang, sẵn sàng nhảy dù xuống phong tỏa khu vực trong trường hợp chiếc XB-36H gặp tai nạn.
Đến chương trình bị hủy bỏ
Đến mùa thu năm 1956, chiếc XB-36H được đổi tên thành NB-36H. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lực lượng không quân đã cân nhắc đến việc hủy bỏ kế hoạch chế tạo máy bay nguyên tử WS-125A. Chiếc NB-36H thực hiện chuyến bay cuối cùng vào ngày 28-3-1957. Cho đến thời điểm đó, chiếc máy bay đã thực hiện 47 lần cất cánh với lò phản ứng hạt nhân trên khoang. Tới cuối năm 1957, NB-36H bị loại khỏi "biên chế" tại căn cứ Pót Uốt và bị tháo dỡ ít tháng sau đó. Tất cả những bộ phận bị nhiễm xạ được đem đi chôn sâu dưới lòng đất. Dự án chế tạo máy bay nguyên tử của Mỹ chính thức chấm dứt.
Cuối cùng dự án bị hủy bỏ do gặp nhiều vấn đề trở ngại không lường trước được. Một trong số đó là việc các thành viên phi hành đoàn trên máy bay thử nghiệm đều bị nhiễm một lượng phóng xạ nguy hiểm. Đã có lúc không quân Mỹ tính đến việc sử dụng các phi công lớn tuổi để tiếp tục dự án. Nhưng bởi tính chất quá nguy hiểm đối với tính mạng con người mà cuối cùng những chiếc máy bay chạy bằng năng lượng nguyên tử đã không thành hiện thực.
(Theo Minh Huy - tổng hợp)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com