Si-na-nô - Chiến hạm giữ nhiều kỷ lục buồn của hải quân Nhật Bản.
Được giới tướng lĩnh kỳ vọng là sẽ góp phần làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, mà ở đó phe Trục đang thất bại rõ ràng, nhưng đúng 10 ngày sau khi đưa vào hoạt động, Si-na-nô - chiếc tàu sân bay hiện đại nhất của đất nước Mặt trời mọc vào lúc đó đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.
Si-na-nô bắt đầu được chế tạo tại Nhà máy Đóng tàu hải quân
Y-ô-cô-xu-ca tháng 6-1940. Hơn 1 năm sau, công việc phải dừng lại do người Nhật cần tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Oái ăm thay, những nguyên vật liệu dự định sử dụng để chế tạo con tàu lại phải mang ra thay thế và tu sửa những tàu chiến của Nhật Bản bị hư hại trong chiến tranh. Tuy nhiên, những tổn thất nặng nề trong trận hải chiến Mít-uây với hải quân Mỹ đã buộc Tô-ki-ô tái khởi động chương trình chế tạo Si-na-nô. Thậm chí, người ta còn quyết định biến nó thành một chiếc tàu sân bay hiện đại nhất.
Tháng 9-1942, việc biến Si-na-nô thành tàu sân bay được khởi động. Để bảo đảm yếu tố bất ngờ, tất cả những người tham gia đóng tàu Si-na-nô đều được lệnh phải giữ bí mật, nếu không sẽ chịu những hình phạt nghiêm khắc, kể cả xử tử. Bên cạnh đó, người Nhật cũng cho xây dựng một âu tàu với bờ thành cao đủ để che giấu các hoạt động bên trong trước các con mắt dò tìm của đối phương. Chính vì vậy, Si-na-nô trở thành chiếc tàu sân bay duy nhất trên thế giới trong thế kỷ XX không chụp ảnh khi đang được chế tạo.
Dự kiến, tháng 2-1945, Si-na-nô sẽ hoàn thành, nhưng do thúc ép của chiến trường, người Nhật phải đẩy nhanh tiến độ. Ngày 5-10-1944, Si-na-nô được hạ thủy, rời xưởng chạy thử vào ngày 11-11-1944 và đưa vào hoạt động ngày 19-11-1944.
18h ngày 28-11-1944, với sự hộ tống của ba tàu khu trục, Si-na-nô rời Y-ô-cô-xu-ca đi Lu-rê để hoàn thiện. Bởi lúc này, Si-na-nô mới được lắp đặt 8/12 chiếc nồi hơi, chưa có hỏa lực phòng không và tiếng là tàu sân bay, nhưng trên boong không có lấy một chiếc máy bay nào. Có lẽ vì thế mà Thuyền trưởng, Đại tá Tô-si-ô A-bê không muốn để Si-na-nô di chuyển vào ban ngày. Trên con tàu giữ kỷ lục thế giới về độ giãn nước khi đó có hơn 2.500 người, trong đó 2.176 là sĩ quan và thủy thủ, 300 là công nhân nhà máy đóng tàu Y-ô-cô-xu-ca và 40 là nhân viên dân sự. Điều đáng lo ngại là 1/3 trong số đó chưa từng bước chân lên boong tàu chiến.
0h30 sáng 29-11-1944, nhân viên đài quan sát phát hiện có bóng đen trên mặt nước ở phía xa, bên trái mũi tàu, nhưng sĩ quan trực ban kết luận: "Đó là bóng mây". Quá tin tưởng vào bộ giáp có thể chịu được sức công phá của bom 500kg, Si-na-nô thậm chí chẳng thèm di chuyển theo hình chữ chi để đối phó với tàu ngầm mà vẫn thẳng tiến về phía Nam.
3h12 sáng, nhân viên đài quan sát phát hiện có vệt nước trắng lao về phía Si-na-nô. Nhưng đã quá muộn, vì khi đó những quả ngư lôi chỉ còn cách Si-na-nô khoảng 100m. Một phút sau, 4 quả ngư lôi gần như lao vào cùng một điểm bên sườn trái của con tàu, nổ tung và tạo ra một lỗ hổng lớn.
Về danh nghĩa, Si-na-nô đã được đưa vào sử dụng, nhưng trên thực tế nó vẫn còn hạn chế rất nhiều, ngay cả việc thử độ kín nước vẫn chưa được thực hiện. A-bê ra lệnh cho tàu chạy về hướng vịnh I-xê cách đó khoảng 100 hải lý với hy vọng không cứu được tàu thì cứu hàng nghìn mạng người. Tới 6h, tàu bắt đầu nghiêng, việc cấp nước cho nồi hơi không thể thực hiện. Si-na-nô khựng lại. Con tàu nặng hơn 70.000 tấn, giờ đã "uống" thêm một bụng no nước cứ thế chìm dần, tới 11h thì biến mất hẳn khỏi mặt biển. Hơn 1.400 người đã chịu chung số phận với Si-na-nô. Thuyền trưởng A-bê đã không rời tàu.
A-sơ Phít, chiếc tàu ngầm của hải quân Mỹ lúc đó đang làm nhiệm vụ săn tàu của phe Trục trên đại dương đã phóng một lúc 6 quả ngư lôi, trong đó 4 quả trúng đích, vẫn chưa biết rằng nó vừa lập một kỷ lục trong chiến tranh. Ban đầu, A-sơ Phít được ghi công đã đánh chìm một tàu sân bay tải trọng 28.000 tấn. Mãi đến sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, người Mỹ mới khám phá ra rằng A-sơ Phít đã hạ được một con "thủy quái" có trọng tải tới 72.000 tấn. Với đòn giáng của A-sơ Phít, Si-na-nô trở thành chiếc tàu sân bay có tuổi thọ ngắn nhất thế giới và tới nay vẫn giữ chức "quán quân" về tải trọng của một chiến hạm bị đánh chìm.
(Theo Khánh Linh - tổng hợp)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com