Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bình luận: Bước chuyển có tính đột phá

Ngày 18-9, Mát-xcơ-va đã quyết định từ bỏ kế hoạch đặt các tổ hợp tên lửa "Iskander" tại tỉnh Ca-li-nin-grát. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma thông báo từ bỏ kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Đông Âu. Dư luận Bắc Mỹ, châu Âu và các nước quan tâm, xem như một hành động quyết đoán và táo bạo nhất thời gian qua trong chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ.

Hành động của người đứng đầu nước Mỹ sau 8 tháng cầm quyền được thực hiện trong thời điểm hai cường quốc hạt nhân Nga - Mỹ chuẩn bị vòng đàm phán tiếp theo về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 1 (START-1) vào ngày 21-9 tới. Như một lựa chọn quan trọng, tín hiệu của người đứng đầu Nhà Trắng được phát đi ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của HĐBA LHQ (ngày 24-9) với chủ đề "Không phổ biến vũ khí hạt nhân và Giải trừ vũ khí hạt nhân" do chính Tổng thống B.Ô-ba-ma chủ trì. Như vậy, về thời điểm, đây là một thông điệp tích cực tiến tới một thế giới an toàn hơn mà vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ từng hơn một lần tuyên bố khi nói về "sức mạnh Mỹ" trong quá trình tranh cử cách đây hơn 1 năm.

Việc Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Séc ngay lập tức được thế giới cho là một bước thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này; đồng thời thể hiện một phần cam kết của Tổng thống B.Ô-ba-ma tại Pra-ha tháng 4 vừa qua, khi ông tuyên bố, nước Mỹ mong muốn một thế giới hòa bình, an toàn và không có vũ khí hạt nhân. Bước đi được cho là táo bạo này sẽ đánh dấu sự thay đổi mang tính đột phá trong chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Âu, trong đó có Nga. Cùng với đó sẽ là đòn bẩy cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran cũng như tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Năm 2008, Oa-sinh-tơn và Vác-xa-va đã đạt được thỏa thuận triển khai trên lãnh thổ Ba Lan 10 tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo vào năm 2013. Thứ vũ khí hủy diệt này sẽ phối hợp với trạm ra đa đặt trên lãnh thổ Séc để bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm xa của đối phương. "Lá chắn" này của Mỹ được cho là sẽ bảo đảm an ninh cho các đồng minh ở châu Âu và chính nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công của I-ran và các nước thù địch khác. Tuy nhiên, dự án này đã không nhận được sự ủng hộ ở ngay chính châu Âu. Thêm vào đó, người dân lục địa này lo ngại sự hiện diện một "lá chắn" như vậy sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ngay tại Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng đã dấy lên dư luận rằng, khi lá chắn tên lửa Mỹ được triển khai sẽ kích thích Nga nâng cấp, tái tổ chức các căn cứ quân sự và hệ thống tên lửa chiến lược để đáp lại.

Trên thực tế, kế hoạch mà người tiền nhiệm Bu-sơ rất tâm đắc lại không mấy mặn mà với Tổng thống đương nhiệm Mỹ. Ngay từ khi còn tranh cử, dù không trực tiếp phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa mà Mỹ lúc đó đang ráo riết triển khai ở Đông Âu, song ông B.Ô-ba-ma luôn giữ quan điểm chỉ thực hiện chừng nào công nghệ của hệ thống phù hợp và bảo đảm rằng nó hoạt động hiệu quả mà không tạo cảm giác nhằm vào Nga. Trong khi đó, Mát-xcơ-va luôn cho rằng, lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu là mối đe dọa an ninh quốc gia của Nga. Vì thế, kế hoạch lá chắn này đã thổi bùng mối bất đồng gay gắt nhất giữa Nga và Mỹ kể từ sau chiến tranh lạnh. Như vậy, ngoài những lợi ích kinh tế với các bên liên quan, việc triển khai và từ bỏ NMD tại Ba Lan và Séc là một quyết định chính trị khó khăn của Mỹ. Và hành động của Tổng thống B.Ô-ba-ma đang được xem là hiệu quả nhất trong nỗ lực giảm thiểu căng thẳng với Mát-xcơ-va để giành sự ủng hộ của Nga trong một loạt vấn đề hóc búa mà Mỹ không thể đơn độc giải quyết. Đó là, cuộc chiến mà Mỹ đang đổ rất nhiều tiền của ở Áp-ga-ni-xtan, cũng như cuộc tìm kiếm hòa bình tại I-rắc hay chiến dịch do Mỹ đứng đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với I-ran... Về tài chính, các báo cáo tình báo mới cho thấy, I-ran đang theo đuổi phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung, thay vì tầm xa. Vì thế, Mỹ cần một hệ thống hiệu quả, ít tốn kém hơn và có thể sử dụng các lá chắn từ đất liền và trên biển để chống lại. Trong khi đó, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, chi phí xây dựng lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc có thể tăng từ 837 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD. Nhưng, nếu gộp các chi phí khác, tổng chi phí tới năm 2015 cho lá chắn tên lửa tại Đông Âu có thể ngốn của Mỹ khoản ngân sách tới hơn 4 tỷ USD. Dù không thuần túy về kinh tế, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, quyết định của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã giúp ngân sách Mỹ giảm chi tiêu một ngân khoản đáng kể.

Quyết định từ bỏ NMD của Mỹ đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Nga, Đức và Pháp. Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken cho đây "là một dấu hiệu đáng khích lệ, giúp giải quyết những trở ngại với Nga trong một chiến lược chung nhằm đối phó với mối đe dọa xuất phát từ I-ran". Tuy nhiên, việc kết liễu số phận NMD tại Đông Âu hiển nhiên không làm những người vốn ủng hộ thứ lá chắn chết người này hài lòng vì những lợi ích chính trị và kinh tế mang tính cục bộ.

Quyết định từ bỏ NMD tại Đông Âu đang được xem là một bước chuyển có tính đột phá của Tổng thống B.Ô-ba-ma. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một khởi đầu và thế giới còn cả một chặng dài không ít khó khăn ở phía trước để tiến tới một trái đất không vũ khí hạt nhân.

(Theo Thùy Dương // Hanoimoi Online)

  • Kẻ khủng bố nguy hiểm nhất Đông Nam Á
  • Tội ác dưới thời độc tài Pi-nô-chê
  • Ngày tàn của trùm khủng bố Noordin top: Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
  • Hé lộ bí mật nhà tù CIA
  • Hé lộ cuộc đời Công nương Diana trước khi về nhà chồng
  • “Em gái Nữ hoàng Anh đốt thư của Diana”
  • Chính phủ Honduras muốn đàm phán với ông Zelaya
  • Dự thảo xây dựng một thế giới không có hạt nhân