Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kẻ khủng bố nguy hiểm nhất Đông Nam Á

Cuối tuần qua, cảnh sát In-đô-nê-xi-a thông báo đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng nhất Đông Nam Á, Nua-đin Mô-ha-mét Tốp trong một cuộc vây ráp của lực lượng an ninh Chính phủ tại thành phố Sô-lô trên đảo Gia-va từ chiều tối 16-9.

Ảnh truy nã tên trùm khủng bố Nua-đin M.Tốp.

Cảnh sát trưởng In-đô-nê-xi-a Bam-bang Hen-đác-xô Đa-nu-ri cho hay, việc kiểm tra dấu vân tay và xét nghiệm ADN khẳng định kẻ bị truy nã gắt gao nhất In-đô-nê-xi-a thực sự đã chết. Cái chết của N.Tốp chấm dứt cuộc truy tìm được ví như "mèo vờn chuột" của cảnh sát In-đô-nê-xi-a với kẻ đứng sau hàng loạt tội ác đẫm máu ở nước này trong nhiều năm nay.

Sinh ngày 11-8-1968 tại Giô-hô, Ma-lai-xi-a, N.Tốp đã bộc lộ tư tưởng cực đoan từ khi còn rất trẻ, đặc biệt khi y theo học ở trường nội trú do giáo sĩ Hồi giáo In-đô-nê-xi-a Áp-đu-la Sung-ka tổ chức tại Ma-lai-xi-a vào đầu những năm 1990. Giáo sĩ này chính là người sáng lập mạng lưới khủng bố khét tiếng liên quan đến Al-Qaeda tại Đông Nam Á, Giê-ma I-xla-mi-a (JI). N.Tốp đã gia nhập nhóm cực đoan vào năm 1998 sau một thời gian được huấn luyện ở miền Nam Phi-líp-pin. Tuy nhiên, trước khi đi vào con đường khủng bố, y đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ Ma-lai-xi-a, từng là thầy giáo dạy toán và làm kế toán viên.

Năm 2002, N.Tốp trốn sang In-đô-nê-xi-a khi Chính phủ Ma-lai-xi-a tiến hành chiến dịch truy quét các phần tử vũ trang cực đoan sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, bỏ lại sau lưng người vợ cùng 3 con. Kể từ thời điểm này, y bắt đầu nổi danh không chỉ trong vai trò một chuyên gia chất nổ của JI mà còn là kẻ tìm nguồn tài chính, tuyển mộ, huấn luyện thành viên cho tổ chức và nhanh chóng trở thành một trong những đầu não chiến lược, vạch ra các hoạt động bạo lực của mạng lưới khủng bố này. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng, nếu như trong vụ khủng bố Ba-li năm 2002, N.Tốp chỉ tham gia với với vai trò hỗ trợ thì cùng với tay chân thân tín, A-da-ha-ri bin Hu-xin, kẻ bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công vào tháng 11-2005, hắn đã là kẻ chủ mưu và chỉ đạo tiến hành các vụ khủng bố vào khách sạn J.W. Ma-ri-ốt tại Gia-các-ta năm 2003, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a năm 2004 và đánh bom Ba-li năm 2005.

Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Ba-li, chính quyền In-đô-nê-xi-a đã bắt giữ, thẩm vấn hàng trăm thành viên của JI, nhưng N.Tốp vẫn lọt lưới và ẩn náu dưới sự che chở của những kẻ ủng hộ trong khu vực hẻo lánh của đảo Gia-va, nơi được coi là căn cứ địa của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Nhiều lần sau đó, trùm khủng bố đã thoát khỏi các cuộc truy đuổi của cảnh sát trong gang tấc. Năm 2003, nhà chức trách suýt tóm được N.Tốp trong một cuộc đột kích bất ngờ vào nơi ẩn náu của hắn tại Tây Gia-va. Trong thời gian từ năm 2005 đến 2008, cảnh sát cũng ba lần phát hiện ra nơi trú ẩn của trùm khủng bố ở Đông Gia-va nhưng vẫn như những lần trước, kẻ bị săn đuổi lại lọt lưới lực lượng an ninh. Thông tin về kẻ được Chính phủ In-đô-nê-xi-a treo thưởng 100.000 USD càng được thêu dệt khi N.Tốp tuyên bố thành lập cánh vũ trang Tanzim Qaedat al-Jihad vào tháng 1-2006 với đường lối cứng rắn và hiếu chiến hơn, nhằm lập ra một đại quốc gia Hồi giáo chung tại In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin. Nhóm này đã đứng sau hai vụ đánh bom tự sát nhằm vào khách sạn hạng sang J.W.Ma-ri-ốt và Rít-ca-tơn ở trung tâm Gia-các-ta hôm 17-7 vừa qua. Sau sự kiện đẫm máu trên, chiến dịch tìm diệt N.Tốp trở thành ưu tiên hàng đầu của cảnh sát In-đô-nê-xi-a. Tuy nhiên, lại một lần nữa, bằng sự tinh ranh của một chuyên gia đào tẩu, hắn đã thoát chết trong cuộc đột kích của an ninh In-đô-nê-xi-a ở làng Be-di, huyện Tê-mang-gung, Gia-va hôm 7-8. Kết quả pháp y cho thấy, kẻ mà cảnh sát bắn hạ trong cuộc tấn công không phải là trùm khủng bố này như giới truyền thông tại chỗ đã đưa tin. Song qua chiến dịch này, nhà chức trách đã phát hiện N.Tốp có âm mưu ám sát Tổng thống Su-si-lô Bam-bang Út-hô-i-ô-nô để trả thù cho 3 đồng đảng đã bị tử hình.

Việc tiêu diệt N.Tốp trong tuần qua được xem như một chiến công lớn của lực lượng an ninh In-đô-nê-xi-a trong cuộc chiến chống khủng bố, cho dù nhiều chuyên gia nhận định nguy cơ xảy ra tấn công tại quốc gia Đông Nam Á này chưa hẳn vì thế đã giảm đi vì JI tạo dựng quyền lực trên cơ sở từng nhóm nhỏ. Tuy nhiên, hành động này đã thể hiện rõ quan điểm mà cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ: các phần tử khủng bố sẽ bị săn đuổi tới cùng.

(Theo Vân Khanh // Hanoimoi Online)