Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tội ác dưới thời độc tài Pi-nô-chê

Đầu tháng 9 vừa qua, nhà chức trách Chi-lê đã bắt 25 tên trong danh sách 129 cựu sĩ quan quân đội và cảnh sát nước này bị truy nã do dính líu tới các vụ vi phạm quyền con người dưới chế độ quân sự độc tài Au-gu-xtô Pi-nô-chê (1973-1990).

Đây là vụ bắt giữ lớn nhất từ trước tới nay trong quá trình điều tra và đưa ra xét xử những đối tượng đã từng tham gia các vụ thủ tiêu chính trị khiến hàng nghìn người mất mạng trong thời kỳ trên. Theo lệnh của thẩm phán Chi-lê Vích-to Môn-ti-gli-ô, những đối tượng bị bắt giữ đều là thành viên của các đơn vị lục quân, không quân và cảnh sát làm việc cho Cơ quan mật vụ DINA. Dưới chế độ độc tài Pi-nô-chê, cơ quan này bị buộc tội tiến hành hàng loạt chiến dịch quân sự thủ tiêu các nhà chính trị đối lập trong nước và các quốc gia Nam Mỹ, như chiến dịch Kền kền, chiến dịch Cô-lôm-bô và chiến dịch Hội nghị đường phố.

Trong chiến dịch Cô-lôm-bô năm 1975, khoảng 119 chính trị gia đối lập bị thủ tiêu, trong khi 10 nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Chi-lê đã bị giết hại trong chiến dịch Hội nghị đường phố từ ngày 30-4 đến 6-5-1976. Năm 2007, cũng chính thẩm phán Môn-ti-gli-ô đã ra lệnh bắt giam 74 cựu nhân viên an ninh với tội danh tương tự. Tại lệnh bắt giữ lần này, ông Môn-ti-gli-ô nhấn mạnh: "Chúng tôi đang điều tra tất cả những ai từng tham gia việc tước mất quyền tự do của các nạn nhân".

Nhiều người vẫn nhớ về vụ đảo chính đẫm máu của giới quân sự do tướng Au-gu-xtô

Pi-nô-chê (khi đó đang là Tổng Tư lệnh quân đội Chi-lê) đứng đầu vào ngày 11-9-1973. Hậu quả là Tổng thống A-giên-đê được bầu hợp pháp và hàng chục quan chức Chính phủ của ông đã bị sát hại. Chế độ xã hội chủ nghĩa do A-giên-đê khởi xướng bị lật đổ, thay vào đó là chế độ độc tài quân sự gắn liền với bạo lực và giết chóc.

Ngay sau khi đảo chính, Pi-nô-chê đã ban hành lệnh giới nghiêm và tình trạng thiết quân luật trên cả nước. Hàng trăm người bị xử bắn mà không xét xử. Một năm sau, Pi-nô-chê tự xưng là Tổng thống Chi-lê vào ngày 27-6-1974. Viên Tổng thống độc tài này đã dẹp Quốc hội, giải tán các tổ chức đảng, nghiệp đoàn và bóp chết tự do ngôn luận. Pi-nô-chê đã mở chiến dịch khủng bố những phần tử chống đối một cách dã man, nhất là những người bị cho là cộng sản hay thiên tả. Những màn bạo lực đẫm máu diễn ra nhắm vào thành viên các đảng cánh tả có liên hệ với liên minh cầm quyền của Tổng thống A-giên-đê.

Trong những ngày đen tối đó, ít nhất 70 nhân vật cấp cao của Đảng Xã hội đã bị lữ đoàn Tử thần (Caravan of Death) - biệt đội ám sát của Pi-nô-chê sát hại. Lữ đoàn này bao gồm nhiều sĩ quan quân đội, di chuyển bằng trực thăng từ hết nhà tù này đến nhà tù khác để hành quyết các tù nhân chính trị. Xác các nạn nhân sau đó bị vùi lấp trong những nấm mồ vô danh. Sân vận động quốc gia Chi-lê bị biến thành một nhà tù ngoài trời với 40.000 tù nhân.

Theo tờ The Christian Science Monitor (Mỹ), trong 17 năm cầm quyền của Pi-nô-chê (1973-1990), có ít nhất 27.000 người bị bắt cóc và tra tấn tàn độc. Số người bị Pi-nô-chê ám sát và thủ tiêu trong và ngoài nước ước tính là 3.200 người. Hơn 500.000 người Chi-lê phải trốn ra nước ngoài để tránh sự đàn áp của chế độ độc tài quân phiệt Pi-nô-chê.

Dưới chế độ vi phạm nhân quyền thô bạo của Pi-nô-chê, Chi-lê luôn bất ổn với những vụ biểu tình phản đối và nổi dậy. Dư luận quốc tế chỉ bừng tỉnh khi Óc-lan-đô Lết-ê-li, cựu Đại sứ Chi-lê tại Mỹ và một người khác bị tay chân của Pi-nô-chê ám sát bằng một quả bom gài trong xe hơi tại thủ đô Oa-sinh-tơn vào tháng 9-1976. Chế độ độc tài Pi-nô-chê chấm dứt khi một cuộc trưng cầu ý dân tháng 10-1988 nói không với Pi-nô-chê. Viên tướng này buộc phải tổ chức bầu cử Tổng thống sớm vào năm 1989 và đã thất bại. Tuy nhiên, sau này Pi-nô-chê được bầu làm thượng nghị sĩ "suốt đời" theo tinh thần hiến pháp được soạn thảo theo chỉ đạo của Pi-nô-chê nhằm tránh bị truy tố trước pháp luật.

Năm 2004, các đồng minh đã quay lưng với Pi-nô-chê sau khi Ủy ban Điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện Pi-nô-chê sở hữu hàng triệu USD trong các tài khoản bí mật tại ngân hàng Riggs ở Oa-sinh-tơn. Các nhà điều tra cho biết, Pi-nô-chê có tới 17 triệu USD trong các tài khoản nước ngoài và nợ 9,8 triệu tiền thuế. Cả gia đình của viên tướng này đã bị buộc tội trốn thuế.

Trong nhiều năm liền, Pi-nô-chê phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan đến các hành động vi phạm nhân quyền và luôn đổ lỗi cho cấp dưới về các vụ giết hại và tra tấn dã man. Mãi đến lần sinh nhật thứ 91, Pi-nô-chê mới chịu thừa nhận toàn bộ trách nhiệm với những gì đã xảy ra trong suốt 17 năm cầm quyền.

Vòng xoáy pháp lý liên quan đến Pi-nô-chê cuối cùng đã đến hồi kết với cái chết của viên tướng độc tài này sau một cơn đột quỵ tại Bệnh viện quân sự Xan-ti-a-gô năm 2006. Và giờ đây, những kẻ gây tội ác dưới quyền Pi-nô-chê mới bị đưa ra ánh sáng sau hơn 3 thập kỷ bị lấp chìm trong bóng tối.

(Theo Kim Phượng // Hanoimoi Online)