Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các vùng châu thổ trên thế giới đang chìm dần

Theo những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, các vùng châu thổ nhiều con sông trên thế giới đang bị chìm dần do hậu quả của biến đổi khí hậu Trái đất, nhất là nước biển dâng và tác động trực tiếp của con người.

 

Dự báo, từ nay đến năm 2070, mực nước biển có thể dâng cao thêm từ 21 đến 71 cm. Do đó, hầu hết mực nước các dòng sông lớn ở vùng châu thổ trên thế giới ngày càng dâng cao, làm tăng nguy cơ gây lụt, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người. Chính con người là "thủ phạm" của việc ngập lụt này bởi công nghiệp, giao thông phát triển làm lượng khí thải tăng, gây hiệu ứng nhà kính khiến khí hậu Trái đất ấm lên. Từ nay đến giữa thế kỷ, các nhà khoa học dự báo nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng thêm vài độ C. Việc xây đập nước ở các dòng sông làm giảm lượng phù sa bồi đắp, trong khi việc khai thác khí đốt và nguồn nước ngầm cũng góp phần làm sụt lún đất. Thông thường, các con sông mang theo các loại trầm tích xuống đáy sông, hình thành bờ sông, châu thổ... Các con đập ngăn chặn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu sông. Mất đi nguồn trầm tích, dòng nước sẽ ăn vào bờ và lòng sông, khiến hệ thống bờ sông suy yếu và đáy sông tụt xuống.

 

Những con sông như Cô-lô-ra-đô (Mê-hi-cô), Nin (Ai Cập), Rôn (Pháp), Dương Tử (Trung Quốc) bị ảnh hưởng bởi sự sụt lún vì ngập lụt. Ước tính khoảng nửa tỷ người đang sống ở những khu vực này. Khoảng 85% vùng châu thổ lớn trên thế giới bị lụt nghiêm trọng trong những năm gần đây và những vùng đất có nguy cơ bị chìm sẽ tăng khoảng 50% trong 40 năm tới do mực nước biển dâng cao. Ðiều đó còn dẫn tới hệ sinh thái những vùng này biến đổi, nhiều loại động, thực vật bị suy giảm, cạn kiệt, đất đai màu mỡ trước đây bị xói mòn khiến nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Nguy cơ hàng triệu người mất nhà cửa, thiếu đói là không tránh khỏi. Những vùng đồng bằng châu thổ nằm ở các khu vực trũng của thế giới như Băng-la-đét, Ấn Ðộ, Trung Quốc và cả Việt Nam đang có nguy cơ bị ngập úng và nước biển xâm thực. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Cô-lô-ra-đô (Mỹ) chỉ ra rằng yếu tố con người như đốt phá rừng, thay đổi mục đích sử dụng đất không khoa học, xả chất thải, khai thác cạn kiệt các nguồn lợi... sẽ gây ngập úng các vùng châu thổ nhanh hơn cả yếu tố nước biển dâng. Hầu hết các dòng sông có nguy cơ gây lụt cao là thuộc các nước đang phát triển ở châu Á, song ở một số nước phát triển cũng xảy ra tình trạng này như sông Rôn ở Pháp và sông Po ở I-ta-li-a. Mực nước sông Po dâng cao khiến vùng đồng bằng ở đây đã chìm xuống thêm khoảng 3,7m  trong thế kỷ 20.

 

Từ các dữ liệu vệ tinh và tàu vũ trụ, trong đó có sứ mệnh 11 ngày quan trắc địa hình Trái đất từ tàu con thoi En-đi-vơ của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) năm 2000, kết hợp các dữ liệu đo mực nước biển dâng cao trong lịch sử, các nhà khoa học đã xác định nhiều vùng đất bị ngập với tốc độ nhanh ở các vùng châu thổ cũng như tìm ra các yếu tố gây ra tình trạng này. Trong số 33 vùng châu thổ lớn được tìm hiểu, có 24 vùng bị lụt, trong đó nghiêm trọng nhất là sông Chao Phra-y-a chảy qua Thủ đô Băng-cốc của Thái-lan. Chỉ trong vài năm, một số nơi  vùng châu thổ con sông này đã bị ngập khoảng 15 cm. Mức độ nước dâng ở con sông này còn nhanh hơn cả tỷ lệ mực nước biển toàn cầu dâng lên do biến đổi khí hậu (khoảng 1,8 đến 3 mm/năm). Một số vùng châu thổ của Ấn Ðộ như Bra-ma-ni, Go-đa-va-ri, Ma-ha-na-đi, An-đra Pra-đét... cũng xảy ra hiện tượng hằng năm bị ngập thêm từ 1 đến 3 mm.

 

Những dòng chảy mang theo phù sa bồi đắp cho đồng bằng bị giảm vì những công trình thủy lợi. Khi diện tích đất giảm và mực nước biển dâng, người dân sống tại những khu vực trên càng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau những cơn bão. Mỗi năm, khoảng mười triệu người bị ảnh hưởng của bão. Cơn bão Ca-tơ-ri-na là thí dụ điển hình ở Mỹ. Còn tại châu Á, lũ lụt ở vùng châu thổ sông I-ra-oa-đi ở Mi-an-ma và sông Hằng ở Ấn Ðộ và Băng-la-đét làm hàng nghìn người chết mỗi năm. Các nhà khoa học cũng dự đoán những thảm họa tương tự có thể xảy ra ở châu thổ sông Châu Giang (Trung Quốc) hay sông Cửu Long (Việt Nam), khi đó, hàng nghìn km2 đất canh tác nguy cơ bị chìm dưới mực nước biển, chưa kể bị ảnh hưởng bởi những trận bão ngày càng nhiều và khốc liệt hơn.

 

Trước thực trạng trên, từ nhiều năm qua, LHQ đã tích cực phối hợp các quốc gia liên quan đề ra những chiến lược và chương trình hành động cụ thể nhằm đối phó biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng. Nhiều nước đang phát triển đã được tài trợ các chương trình nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu nhằm cảnh báo, giúp chính phủ các nước này đề ra những biện pháp cụ thể hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, các nhà môi trường trên thế giới cảnh báo, nếu thế giới không tích cực hành động hơn nữa, đặc biệt là nỗ lực cắt giảm lượng khí thải, nghiên cứu sử dụng những năng lượng sạch, thân thiện với môi trường thì nguy cơ nhiều khu vực trên thế giới lâm vào cảnh thiếu lương thực vì ngập lụt, thiếu đất canh tác, an sinh xã hội bị đe dọa là không tránh khỏi. Tháng 12-2009 này, dự kiến hội nghị quốc tế quy mô lớn về môi trường và biến đổi khí hậu Trái đất sẽ được tổ chức tại Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch). Nhiều chuyên gia hy vọng đây sẽ là cơ hội để  LHQ cùng các chính phủ, các bên liên quan tăng cường phối hợp hành động ngăn chặn các nguy cơ nói trên.

(Theo HÀ LÂM // Báo Nhân dân điện tử)

  • Thế giới đa cực
  • Phản ứng trước vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn
  • Báo chí Mỹ: Một giải thưởng 'quá sớm' cho ông Obama
  • Tegucigalpa không yên tĩnh
  • Tại sao quốc tế ủng hộ Zelaya?
  • Biến đổi khí hậu đánh mạnh vào nước nghèo
  • Các nước châu Á – Thái Bình Dương: Chung tay đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu
  • Động đất gây sóng thần Thái Bình Dương, hơn 100 người chết