Nông gia lạc tạm dịch ra Việt ngữ là “vui nông gia”. Hiện nay tại Trung Hoa, có rất nhiều các ngoại ô thành phố đã và đang có phong trào xây dựng những cụm, khu nông thôn thành những điểm du lịch phục vụ cho cộng đồng.
![]() Bên trong trang trại trồng hoa của những nông gia lạc ở Đẩu Nam. Ảnh: Hữu Lực |
Giữa tháng bảy, thời tiết ở Bắc Kinh nóng ngùn ngụt ở ngoài trời lẫn trong người, nhiệt độ kế ở các nhà ga, bến xe đều hiện rõ mức 35 – 370C. Sau chặng hành trình Bắc Kinh – Vân Nam, bước xuống sân bay Côn Minh, chúng tôi đã dịu cả người khi đón nhận một bầu không khí mát dịu. Cô tiếp viên hãng hàng không Nam Trung Hoa giới thiệu: cao nguyên Vân Nam có độ cao 1.090m so với mặt nước biển, do vậy khí hậu ở Vân Nam rất dễ chịu, nhiệt độ bình quân quanh năm là 18 – 230C.
“Bốn thống nhất”
Dẫn chúng tôi đi thăm làng Đẩu Nam, huyện Thánh Cống – một vùng nông thôn điển hình cho sự “lột xác” kể từ khi các công xã nhân dân bị phá vỡ cách đây ba thập niên trước. Anh Dương Văn, chuyên viên nông nghiệp của sở Nông nghiệp Vân Nam nói, đây là mô hình nông thôn mới được coi là khá thành công của tỉnh Vân Nam về sự dồn ghép ruộng đất để có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Cách đây 15 năm, tỉnh Vân Nam đã có chính sách cho nông dân là được trao đổi, sang nhượng không hạn chế quyền sử dụng đất nông nghiệp, miễn là không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Nông dân cũng sẽ được thế chấp, cầm cố “quyền sử dụng đất” để vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn vào công ty nông nghiệp. Việc nông dân được phép bán đất sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời của các nông trại quy mô lớn với công nghệ canh tác hiện đại. Tỉnh có hẳn một cơ quan chuyên quản lý về đất nông nghiệp.
Nông dân Dương Hy Hùng chìa ra trước mặt tôi một tấm danh thiếp, ghi rõ trang trại của ông ở lô số mấy, rộng bao nhiêu thước và có trồng loại cây gì tuỳ vào mùa vụ. Đi dọc lối vào làng, một màu xanh rộng ngút tầm mắt trải dài. Nào nho, lê, táo, lựu… cây nào, cây ấy đều sai trĩu quả. Ngôi nhà của nông dân Dương cũng như các ngôi nhà của nông dân khác trong làng đều được thiết kế theo kiểu “nhà chữ điền” có bốn dãy phòng ở bao quanh đấu nối với nhau, ở giữa là một sân rộng, các lối đi đều có hàng rào cây tỉa xanh mướt. Khi đi giữa vườn cây rộng bạt ngàn, trĩu quả, khách phương xa có cảm giác như mình lạc vào vườn của Tây Vương Mẫu.
Ông Dương cho biết, sở dĩ gia đình ông và những hộ nông dân khác có những thửa đất vuông vắn để trồng cây thành khu du lịch sinh thái như hiện nay là do chính sách “dồn điền, đổi thửa”. Tiếp đó, các cán bộ nông nghiệp xuống hỗ trợ giống mới, cũng như hướng dẫn chăm sóc sâu bệnh cho các loại cây, con. Việc trồng cây hay tiêu thụ sản phẩm nơi đây phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt “bốn thống nhất”. Đó là: “mẫu vườn, giống cây, thao tác và tiêu thụ”. Do vậy, du khách thành phố về Đẩu Nam, các hộ nông dân không phải lo chèo kéo khách, khách về nhà nào cũng được và hưởng thụ một mức giá cả giống nhau.
Tới thăm các “nông gia lạc” ngoài việc thưởng thức vô tư các loại quả (do chủ nhà hái sẵn một sọt lớn để ngoài sân, du khách không được tự ý hái quả nếu không sẽ bị phạt 12 nhân dân tệ (tương đương với gần 35 ngàn đồng/quả). Ngoài ra, du khách còn có thể đặt cơm dùng trong bếp với chủ nhà. Nhà nào cũng nấu một nồi cơm to để khách thoải mái xúc về bàn ăn của mình. Ông Dương Hy Hùng cho hay, “nông gia lạc” làm như vậy để du khách có cảm giác thú vị như ăn cơm tập thể trong nông trang thời “công xã nhân dân” đã qua. Tôi có hỏi vui với ông rằng quy trình bốn thống nhất có giống như chuyện “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” một thời của nhân dân Trung Quốc không? Ông Hùng cười vui trả lời, đó là quan niệm của một thời ấu trĩ xa xôi, làm gì có chuyện đã nhanh mà nhiều được, đã nhiều mà tốt lại rẻ được.
![]() Người dân Đẩu Nam vẫn gìn giữ hai ngôi nhà cũ để nhắc nhở một thời kỳ nghèo khó. Ảnh: Hữu Lực |
Thương hiệu làng quê
Ông Lương Quý Hồng, người được huyện Thánh Công giao đặc trách về vấn đề nông nghiệp cho làng hoa Đẩu Nam dẫn chúng tôi đi thăm chợ hoa Đẩu Nam. Mặc dù đã gần bốn giờ chiều nhưng chợ hoa vẫn đông nghẹt người tham quan và mua hoa. Ở Đẩu Nam, hầu như có đầy đủ các loài hoa đẹp khắp thế giới. Ông Lương tự hào: “Đẩu Nam cung cấp hoa quả cho khắp Hoa lục”. Các xe đông lạnh chở hoa đến Đẩu Nam ăn hàng có đủ các tỉnh của đại lục.
Nhờ có “dồn điền đổi thửa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng” mà Đẩu Nam vốn từ một làng quê nghèo chuyên cung cấp rau cho thành phố Côn Minh hiện nay đã là một nơi “nông gia lạc” trù phú. Bên cạnh chợ hoa Đẩu Nam là những dãy nhà phố, siêu thị hoa rực rỡ do người nông dân Đẩu Nam sản xuất, kinh doanh. Chợ hoa Đẩu Nam họp suốt ngày đêm. Đi thăm chợ hoa Đẩu Nam, chúng tôi mới hiểu rằng thế nào là “tiêu thụ thống nhất”, chợ hoa quy định, loài hoa nào được bán vào giờ nào nhất định, hết giờ đó, phải nhường cho loài hoa khác. Giá cả cũng được ấn định, một bó layơn chừng mười nhánh có giá 8 nhân dân tệ thì giá đó là giá thống nhất chung cả chợ. Nông dân ở đây lãi rất ít, do vậy việc bán sỉ là nhiều nhất, và giá bán lẻ cũng như bán sỉ. Thương hiệu hoa Đẩu Nam nổi tiếng đến nỗi các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc đều đã đến thăm và biểu dương khen ngợi. “Đến bây giờ, ở đây người ta không gọi những người nông dân sản xuất, kinh doanh hoa quả là nông dân nữa, mà gọi họ là những cư dân – chữ để dùng phân biệt giữa nông dân và thị dân”. Họ đã và đang trở thành một tầng lớp mới, sống trong “nông gia lạc” đầy hấp dẫn”. Ông Lương vui vẻ nói.
(Theo Hữu Lực – Lam Phong // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com