Tàu ngầm lớp Typhoon (nghĩa là cuồng phong) là tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo được Hải quân Liên Xô (cũ) phát triển và đưa vào sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ XX. Với trọng tải 48.000 tấn, cho đến nay đây vẫn là phương tiện ngầm lớn nhất thế giới.
![]() |
Tên gọi Typhoon lần đầu tiên được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Lê-ô-nít Brê-giơ-nép sử dụng trong một bài phát biểu năm 1974, khi miêu tả một thế hệ tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo, được quân đội Liên Xô thiết kế. Những chiếc Typhoon được chế tạo theo dự án tuyệt mật mang bí số 941. Sau đó, tên Typhoon đã trở nên phổ biến với những chiếc tàu ngầm lớn nhất trên thế giới.
Tàu ngầm lớp Typhoon dài 175m, chỗ rộng nhất 23m, được thiết kế đa thân, với 5 thân nằm bên trong thân chính. Tàu có tất cả 19 khoang, trong đó có một khoang được gia cố chắc chắn nhất là nơi bố trí phòng điều khiển chính và các thiết bị điện tử quan trọng. Các tàu ngầm này được thiết kế có thể hoạt động dưới băng hoặc phá băng. Tàu có một bộ phận thăng bằng hiện đại ở phía đuôi, đặt sau các chân vịt. Tàu ngầm Typhoon có thể lặn sâu tối đa 400m, tốc độ đạt 12 hải lý/giờ khi nổi và 25 hải lý/giờ khi lặn. Tàu ngầm có thể hoạt động liên tục 180 ngày dưới lòng biển trong điều kiện bình thường và lâu hơn nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Mặc dù to lớn nhưng khi hoạt động, những chiếc Typhoon có độ ồn vào loại thấp nhất trong các tàu ngầm trên thế giới.
Mỗi chiếc Typhoon được trang bị được 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa RSM-52. Mỗi tên lửa RSM-52 nặng 84 tấn và có 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 100 kiloton. Các tên lửa này sử dụng hệ thống phân phối mục tiêu độc lập (MIRV's), khi được phóng đi, một tên lửa RSM-52 có khả năng tấn công 10 mục tiêu khác nhau. Các tên lửa có ba tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn rất an toàn, với tầm bắn lên tới 8.300km, sai số trong khoảng 500m. Tên lửa này được phương Tây biết đến với tên gọi "Cá tầm" hay SS-N-20.
Ngoài ra, tàu ngầm lớp Typhoon còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 630mm và 2 ống phóng ngư lôi 533mm với tổng số 22 tên lửa chống ngầm và ngư lôi các loại. Các khoang chứa ngư lôi nằm ở phần trên mũi tàu giữa các thân tàu. Các ống phóng ngư lôi còn có thể được sử dụng để rải thủy lôi. Để dẫn đường cho các loại vũ khí trên, các tàu ngầm Typhoon được trang bị hệ thống định vị âm thanh chủ động và bị động, các loại ra-đa phát hiện mục tiêu nổi, hệ thống cảnh báo ra-đa và các thiết bị hỗ trợ điện tử hiện đại khác. Bên cạnh đó, trang bị của tàu còn có hệ thống liên lạc vô tuyến và vệ tinh, 2 phao ăng-ten nổi để thu tín hiệu vô tuyến, dữ liệu chỉ thị mục tiêu và tín hiệu định vị vệ tinh. Những thiết bị hiện đại này hoạt động hiệu quả ngay cả khi tàu ngầm hoạt động sâu dưới đáy biển hay những lớp băng dày.
Tàu ngầm Typhoon có hai lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò có công suất 190MW cùng hai động cơ đi-ê-zen 800kW dự trữ. Hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho 2 tua-bin hơi nước 50.000 mã lực và 4 tua-bin phát điện 3.200 kW. Các chuyên gia quân sự đánh giá, hai lò phản ứng hạt nhân của Typhoon có thể cung cấp nhu cầu điện cho cả một thành phố cỡ vừa.
Quân đội Liên Xô đã chế tạo 6 chiếc tàu ngầm lớp Typhoon và biên chế vào hạm đội phương Bắc. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn chiếc mang tên "Dmitry Donskoi" hoạt động, phục vụ cho việc thử nghiệm tên lửa hạt nhân chiến lược Bu-la-va đang được phát triển. Hai tàu ngầm lớp Typhoon khác vẫn ở tình trạng sẵn sàng hoạt động nhưng không còn được biên chế vào các hạm đội của Hải quân Nga. Ba chiếc còn lại đang chờ được hiện đại hóa. Tuy nhiên, Hải quân Nga sẽ dần thay thế các tàu ngầm lớp Typhoon bằng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới lớp Borei.
(Theo HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com