Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhóm G20 sẽ lèo lái kinh tế thế giới

Thành phố Pittsburg, Mỹ chào đón các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh Reuters

Nhóm G20 sẽ trở thành diễn đàn về quản lý kinh tế thế giới, gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc đang nổi lên như Trung Quốc và ban hành những quy định cứng rắn hơn về vốn của ngân hàng vào cuối năm 2012.

Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 cho biết như vậy sau ngày họp đầu tiên vào hôm nay thứ Sáu 25-9. Hội nghị, kéo dài 2 ngày sẽ kết thúc vào tối thứ Sáu, giờ Mỹ, tức sáng thứ Bảy 26-9 giờ Việt Nam.

Cải cách tài chính, thương mại

Bảo đảm và duy trì đà phục hồi kinh tế là chủ đề hàng đầu trong nghị trình của hội nghị diễn ra tại Pittsburgh, Mỹ, quy tụ các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp và đang phát triển lớn nhất thế giới, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Các nước G20 – làm ra 90% tổng sản lượng của thế giới – cam kết sẽ duy trì sự hỗ trợ khẩn cấp về kinh tế cho đến khi sự phục hồi được bảo đảm.

Nhóm G20 đồng ý kiềm chế những sự quá đáng trong ngành tài chính đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tín dụng hai năm về trước. Những quy định chặt chẽ hơn về lượng vốn mà các ngân hàng phải có để đối phó với thua lỗ sẽ được đưa ra vào cuối năm 2010 và sẽ được thực hiện từng bước trong suốt hai năm sau đó.

Bản tuyên bố cũng đề cập tới vấn đề gây nhiều tranh cãi chung quanh việc trả lương thưởng cho các nhà quản trị ngân hàng, một trong những yếu tố nuôi dưỡng loại văn hóa doanh nghiệp chuộng rủi ro cao đã dẫn tới những khoản thất thoát lớn và buộc người đóng thuế phải chi ra những gói cứu nguy khổng lồ. Bản tuyên bố đề xuất rằng, tiền lương-thưởng phải nối kết với “việc tạo ra giá trị lâu dài chứ không phải với thái độ chấp nhận rủi ro quá đáng”.

Bản tuyên bố không đề cập tới mức trần lương-thưởng như đề nghị của một số nhà lãnh đạo châu Âu. Các quan chức Pháp nói rằng, hội nghị thượng đỉnh đã không đạt được sự đồng thuận cuối cùng về mức lương của các nhà quản trị ngành tài chính.

Bản tuyên bố nói rằng G20 sẽ cố gắng đạt được trong năm tới một thỏa thuận cho những cuộc đàm phán thương mại thế giới kéo dài đã lâu. Những cam kết tương tự cũng đã được đưa ra trong một số hội nghị quốc tế nhưng cho đến nay chưa có kết quả gì cả.

Trong một động thái khích lệ các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, G20 bất ngờ tiến gần tới một thỏa thuận chuyển giao nhiều hơn quyền bỏ phiếu tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho các nước đang phát triển, công nhận vị thế đang gia tăng của họ. Đổi lại, G20 giành được cam kết của các nước này sẽ thực hiện phần việc của họ trong công cuộc tái cân bằng nền kinh tế thế giới.

Cân bằng kinh tế toàn cầu

Công cuộc tái cân bằng đòi hỏi các nước nợ nần chồng chất như Mỹ phải tiết kiệm nhiều hơn và các nước xuất khẩu mạnh như Trung Quốc phải tiêu dùng nhiều hơn. Bản tuyên bố chung nói rằng các nước thành viên G20 có quỹ dự trữ ngoại tệ lớn và bền vững – có lẽ ám chỉ Trung Quốc – đã cam kết “củng cố các nguồn tăng trưởng nội địa”. Tương tự, các nước bị thâm hụt lớn – chẳng hạn như Mỹ - đã cam kết hỗ trợ việc tiết kiệm của tư nhân.

Tuy nhiên gần như không có quốc gia nào tán thành các luật lệ do G20 áp đặt về cách thức điều hành nền kinh tế nội địa của họ. Một số hiện tượng như vậy đang xảy ra do sự suy thoái kinh tế. Người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu thắt lưng buộc bụng khi tài sản gia đình teo lại, trong khi Trung Quốc đã ban hành gói kích cầu gần 600 tỉ đô la Mỹ để kích thích nền kinh tế và làm cho nó bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.

Kinh tế toàn cầu có vẻ như phục hồi nhanh hơn dự đoán của nhiều nhà kinh tế, nhờ chủ yếu vào việc cắt giảm lãi suất mạnh tay, các ngân hàng trung ương cho vay khẩn cấp và gần 5.000 tỉ đô la Mỹ tiền kích cầu mà các chính phủ bỏ ra.

Nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức cao, các ngân hàng vẫn đang chật vật khắc phục các khoản thất thoát khổng lồ, chủ yếu do các việc cho vay thế chấp bằng nhà đất bị sụp đổ ở Mỹ. Trong hoàn cảnh đó G20 chịu áp lực phải duy trì sự hỗ trợ kinh tế và hợp tác trong việc xác định cách thức và thời điểm loại bỏ dần các gói kích cầu.

“Chúng tôi xác định G20 sẽ là diễn đàn hàng đầu cho sự hợp tác kinh tế quốc tế”, bản tuyên bố viết. Điều đó có nghĩa là G20 sẽ vượt lên trên nhóm G7 và G8 – các định chế do các nước giàu ở phương Tây thống trị mà giờ đây sẽ biến thành diễn đàn thảo luận các vấn đề địa chính trị, các nhà ngoại giao cho biết như vậy.

Bản dự thảo tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo đã phê chuẩn một thỏa thuận loại bỏ dần các khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch nhằm chống lại xu thế ấm lên toàn cầu, nhưng không đưa ra thời hạn cố định cho sự thay đổi này. Nhiều chính phủ G20, kể cả các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã miễn giảm thuế và tài trợ trực tiếp cho các công ty để giúp họ khai thác than, dầu mỏ và các loại nhiên liệu hóa thạch khác vốn là thứ phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới tình trạng nóng lên của trái đất.  

(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Reuters)

  • “Cuồng phong” - Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới
  • Kêu gọi hành động để giải quyết tình trạng thất nghiệp
  • Nghề nuôi ốc sên thành "thời thượng" ở Bulgaria
  • Kê khai các chất thải gây ô nhiễm môi trường
  • Người và voi tranh giành không gian sống
  • Phát động chiến dịch bưu điện "xanh" vì môi trường
  • Bảo vệ các loài động vật có vú của châu Phi
  • Kêu gọi chống biến đổi khí hậu vì lợi ích chung