Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Trung Quốc

Nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc và nước ngoài gần đây đưa ra đánh giá chung về sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc, nhất là hiệu quả của gói kích cầu kinh tế bốn nghìn tỷ nhân dân tệ.  Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, mức tăng GDP trong quý II - 2009 là 7,9% và  các ngành kinh tế trong tháng 7 tiếp tục có sự cải thiện mạnh hơn, có nhiều khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 8%.

Kinh tế hồi phục

 

Sau khi triển khai gói kích cầu kinh tế bốn nghìn tỷ nhân dân tệ (584,8 tỷ USD) từ tháng 11-2008, nền kinh tế Trung Quốc có sự gia tăng khá. Theo Tân Hoa xã, mức tăng GDP trong quý I- 2009 ở mức 6,1%, quý II là 7,9% và hy vọng đạt 8% trong quý III và 10% trong quý IV. Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo cho biết, tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7-2009 là 10,8%, trong đó tăng mạnh nhất là ngành công nghiệp nặng (11,3%).  Nguồn thu ngân sách tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái do tăng thu thuế và tăng thuế thuốc lá. Tổng chi cũng tăng 9,3%. Giá trị xuất khẩu  đã tăng trở lại từ tháng 3. Doanh thu xuất khẩu trong tháng 6 có mức tăng  ngoài  dự kiến, tăng thêm 17,5 tỷ USD và đạt 105,4 tỷ USD trong tháng 7. Nếu trước đây, xuất khẩu là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì trong thời kỳ chống khủng hoảng kinh tế, đầu tư và tiêu dùng là hai động lực chính. Gói kích cầu kinh tế của Chính phủ được tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường và giao thông vận tải. Mặt khác, Trung Quốc tung tiền ra nhập khẩu khoáng sản và nguyên liệu khác cho công nghiệp, chuẩn bị cho thời kỳ hậu suy thoái  kinh tế.

 

Sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc còn được thể hiện ở những chỉ số: thị trường bất động sản sôi động, đầu tư nước ngoài tăng, ngân hàng cho vay nhiều và hoạt động bán lẻ cũng tăng. Doanh thu bán lẻ tăng ở mức 15,2%/năm. Ðiều này cho thấy, tiêu thụ trong nước đã giúp bù lại nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài bị suy giảm mạnh. Li Xiao Chao, người phát ngôn của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc nói: "Nền kinh tế Trung Quốc đã thể hiện một số thay đổi tích cực". Tuy nhiên, ông cũng nêu lên một số khó khăn, như lãi tại một số doanh nghiệp vẫn bị giảm mạnh và rằng, thực trạng giảm nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài ảnh hưởng rất nhiều tới Trung Quốc.

 

Nguyên nhân của những thành tựu mới về kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới đang được các nhà kinh tế, các nhà chính trị và doanh nghiệp quốc tế phân tích thận trọng. Song, người ta thấy rõ rằng, Chính phủ Trung Quốc đã có những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, đưa ra những biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.  Tại Diễn đàn khu vực châu Á Bác Ngao mới đây, một trong những trọng tâm  bàn thảo của hội nghị là sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với khu vực và thế giới. Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, gói kích cầu kinh tế của Trung Quốc đã mang lại kết quả và  tình hình nay đã khá hơn dự kiến. Mức tăng đầu tư đã nhanh hơn, tiêu thụ tăng rất nhanh và nhu cầu nội địa tiếp tục tăng. Trung Quốc đang cân bằng lại nền kinh tế để tập trung tiêu thụ nội địa hơn là xuất khẩu để đạt mục tiêu tăng trưởng. Trung Quốc đã cố gắng kích thích sự tự tin của các nước láng giềng bị ảnh hưởng nặng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời công bố khoản chi 10 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ðông-Nam Á.  Nhưng Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo rằng vẫn còn những thử thách, như "nhu cầu từ bên ngoài tiếp tục giảm, xuất khẩu giảm đáng kể... một số ngành công nghiệp đang dư thừa công suất, tăng trưởng công nghiệp vẫn chậm và hiệu quả kinh tế tiếp tục giảm".

 

Các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc đang có những phản ứng.  Mỹ và EU đã khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc  Trung Quốc giới hạn xuất khẩu nguyên liệu thô.  Hoa Kỳ và EU cho rằng, Trung Quốc đã để cho ngành công nghiệp nội địa mua được nguyên liệu giá rẻ là  "một sự bất công". Ðây có thể là vụ đầu tiên trong số các vụ kiện giữa các quốc gia lớn trong lúc các nước tìm cách bảo vệ công nghiệp nội địa trong cơn suy thoái kinh tế  toàn cầu.Vụ kiện hiện nay liên quan  việc xuất khẩu các nguyên liệu như than cốc để luyện cán thép và bô-xít để chế  biến nhôm. Ðại diện Thương mại Mỹ Ron Cớt tố cáo, những hành động nêu trên của Trung Quốc "đang làm ảnh hưởng tới ngành thép, nhôm, hóa chất và các ngành khác vốn rất cần những nguyên liệu này để sản xuất" và khẳng định, Mỹ quyết định theo đuổi vụ kiện này ở WTO.

 

Trung Quốc phản bác lại vụ kiện của Mỹ và EU và nói rằng, mục tiêu của họ là ''bảo vệ môi trường và tài nguyên, và phía Trung Quốc coi chính sách này phù hợp  quy định của WTO". Ðáp lại, Trung Quốc cũng khiếu kiện việc Hoa Kỳ cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc, lệnh cấm có hiệu lực từ vụ cúm gia cầm hồi năm 2004.

 

Tăng dự trữ ngoại tệ và vàng

 

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, nguồn dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng và đến  tháng 7-2009 đạt mức 2.130  tỷ USD, tăng 17,8 % so với con số hồi tháng 6-2008, nhiều  gấp hai lần  nguồn dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản, nước đứng thứ hai thế giới. Dự trữ ngoại tệ tăng trong bối cảnh đầu tư nước ngoài lại được đổ vào Trung Quốc.  Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục  mua  USD và các loại ngoại tệ mạnh khác  nhằm giữ vững tỷ giá của đồng nội tệ. Các nhà phân tích cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài "đổ tiền" vào Trung Quốc vì xem Trung Quốc là nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc chủ yếu  bằng USD và  Trung Quốc đã trở thành chủ nợ  lớn của Chính phủ Mỹ.

 

Trước bối cảnh giá trị đồng USD suy giảm và bấp bênh, Bắc Kinh một mặt tăng dự trữ bằng đồng ơ-rô, mặt khác tăng tích trữ vàng. Có tin,  Trung Quốc  đứng hàng thứ tư trong số các quốc gia có nguồn  vàng dự trữ nhiều nhất thế giới. Việc Trung Quốc đang tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế, buôn bán và đầu tư vào các nước châu Á khác và cùng ASEAN đã hoàn tất bản Hiệp định thương mại tự do song phương là một triển vọng để Bắc Kinh thực hiện chủ trương mở rộng việc lưu thông thanh toán bằng đồng nhân dân tệ tại châu Á.

(Theo Trịnh Minh Phương // Báo Nhân dân điện tử)

  • Khoan dung
  • Tránh điều tiếng
  • Hồi phục mong manh
  • Nhật Bản: Đổi ngôi trên chính trường?
  • Tín hiệu lạc quan của kinh tế thế giới
  • Nghỉ hè cùng gia đình Tổng thống Obama
  • ABAC đưa ra các khuyến nghị phục hồi kinh tế khu vực
  • Nhật Bản đi tìm mô hình mới