Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai cuộc chiến

Cựu Ngoại trưởng Afghanistan, Abdullah Abdullah, đối thủ của Tổng thống Hamid Karzai đã tuyên bố rút lui khỏi kỳ bầu cử lần 2 diễn ra vào ngày 7-11 tại nước này sau khi xuất hiện những dự báo cho biết ông sẽ “tẩy chay” bầu cử. Lý giải cho nguyên nhân rút lui, ông Abdullah cho biết vòng bầu cử lần 2 rồi cũng sẽ không minh bạch, gây bất lợi cho ứng viên tham gia.

Nhưng lý do chính được nhắc đến nhiều nhất là do ông Abdullah và ông Karzai không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong kỳ bầu cử này. Bất kể vì lý do gì, quyết định của ông Abdullah nhiều khả năng sẽ đẩy Afghanistan, vốn đã không yên bình, vào tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa kể từ cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên hôm 20-8 đầy rẫy gian lận.

Việc ông Abdullah rút khỏi cuộc đua ít nhiều sẽ tác động mạnh đến cuộc bầu cử vốn được xem là sẽ xác nhận lòng tin của dân chúng vào chính quyền Kabul. Kể từ đây, ông Karzai sẽ trở thành ứng viên duy nhất trong kỳ bầu cử lần 2 và lẽ dĩ nhiên chiến thắng sẽ thuộc về đương kim Tổng thống. Nhưng cho dù giành chiến thắng trong bầu cử, chính quyền của ông Karzai sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến giành lại niềm tin của người dân vốn đã sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian ông cầm quyền. Taliban vẫn trỗi dậy bất chấp sự hiện diện của quân đội chính phủ và lực lượng liên quân.

Mỹ và các nước phương Tây cũng đang bày tỏ sự thất vọng vì Chính phủ Kabul không giải quyết được nạn tham nhũng, đói nghèo vẫn đe dọa đến cuộc sống của người dân hàng ngày.

Nếu tái đắc cử, vị Tổng thống này sẽ đưa ra những kế hoạch gì cho tương lai của Afghanistan?

Trước sự ra đi của ứng viên Abudllah, Mỹ và các nước phương Tây tỏ ra khá bình thản vì nếu ông Karzai đắc cử sẽ thuận lợi hơn cho kế hoạch tăng quân của Mỹ tại chiến trường Afghanistan. Nhưng trước hết, vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là làm thế nào để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử. Người ta vẫn chưa thể quên vào ngày diễn ra cuộc bầu cử vòng 1 vừa qua, lực lượng Taliban đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công chết người, cử tri nhiều nơi đã không dám đi bỏ phiếu.

Tình hình bất ổn gia tăng tại Afghanistan khiến giới quân sự sốt ruột, đề xuất tăng quân lại tiếp tục được đưa ra bất chấp những cảnh báo về số thương vong của quân đội Mỹ và NATO tại đây.

Cũng trong thời điểm này, chính trường Mỹ đang xảy ra một “cuộc chiến” khác. Quyết định tăng quân đến Afghanistan đã gây nhiều sóng gió, chia rẽ nội bộ chính trường Mỹ, tăng phức tạp cho một quyết định vốn đã khó khăn đối với tổng thống Mỹ. Xem xét yêu cầu gửi thêm 40.000 quân sang Afghanistan của tướng McChrystal, ngày 30-10, lần đầu tiên Bộ Tham mưu quân đội Mỹ đã có một cuộc họp riêng với ông Obama tại Nhà Trắng để bàn về vấn đề này. Ông Obama đang cân nhắc việc chọn giải pháp gửi ít quân hơn, từ 10.000 - 15.000 quân tăng viện, để bảo vệ dân chúng các thành phố, đồng thời huấn luyện cho quân đội Afghanistan để chuyển trách nhiệm cho họ nhiều hơn.

Việc chống lại lực lượng Taliban ở vùng nông thôn và ở biên giới với Pakistan có thể sử dụng máy bay không người lái và lực lượng đặc biệt. Nhưng trước khi muốn tăng quân tại Afghanistan, Tổng thống Obama phải thuyết phục được với người dân Mỹ rằng việc tăng quân sẽ có hiệu quả rõ rệt. Các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy người dân Mỹ đang quay lưng lại với cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan sau 8 năm chống khủng bố.

(Theo THANH HẰNG // SGGP online)

  • Nối giáo cho giặc
  • Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Đông: Dự định nối lại hòa đàm bất thành
  • Xoay hướng
  • Chưa tích cực đối phó biến đổi khí hậu vì… hiểu nhầm
  • Pháp: sẽ cấm điện thoại di động trong trường học
  • Anh: hướng nghiệp cho học sinh qua internet
  • Tại sao Nam cực?
  • Xứ sở của những câu chuyện thần tiên