Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tại sao Nam cực?

Giữa tháng 11.2009, một phóng viên của Sài Gòn Tiếp Thị sẽ cùng với bốn công dân Việt Nam khác tham gia một đoàn thám hiểm Nam cực do 2041, một tổ chức chuyên thám hiểm và môi trường, đứng ra tổ chức. Đây là chuyến thám hiểm đánh dấu 50 năm ngày hiệp ước Nam cực được ký kết. Chuyến thám hiểm này nhằm mục đích tìm ra những thông tin mới và lay động nhận thức về các vấn đề môi trường toàn cầu đang liên quan trực tiếp đến Việt Nam hiện nay.

Nam cực, châu lục trắng xoá tuyết quanh năm, với lớp băng dày tới 1,6km, cư dân chính là những chú chim cánh cụt và hải cẩu béo ục ịch, thì có gì liên quan đến Việt Nam?

Năm 2007, Sài Gòn Tiếp Thị đăng một bài báo về đánh giá tác động của việc nước biển dâng cao đối với môi trường sống ở Việt Nam. Nghiên cứu của ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam được tiên đoán là một trong hai nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Theo nghiên cứu này, nếu nước biển dâng lên một mét, khả năng tăng thấp nhất trong vòng 40 năm tới, thì tình trạng ngập mặn sẽ ăn sâu vào đất liền 180km. Ở phía Bắc, những vùng sâu trong đất liền như khu bảo tồn Vân Long, Ninh Bình. Một phần khá lớn TP.HCM cũng sẽ bị ngập. Bài báo đưa ra đúng vào những ngày mưa, ngập lụt triền miên ở TP.HCM. Nhiều người thở dài mà rằng: “Cần gì phải đợi 40 năm nữa. Thành phố đang ngập rồi”.

Một số dữ kiện

Đoàn Việt Nam tham gia chuyến thám hiểm quốc tế hiệp ước Nam cực năm nay có Nguyễn Lan Anh, phóng viên báo SGTT; Hoàng Thị Minh Hồng, người Việt Nam đầu tiên đến Nam cực và là chuyên viên môi trường; Nguyễn Phương Anh, thạc sĩ kinh tế; Nguyễn Thị Thu Thuỷ, giám đốc điều hành trường quốc tế Úc Sài Gòn AIS và Lê Tuấn, chủ tịch VC Invest. Đoàn được tài trợ của tập đoàn Kinh Bắc, công ty TNHH Ruby TP.HCM, hãng Nike và công ty VC Invest. Đoàn sẽ lên đường bay đi Ushuaia, Argentina vào ngày 14.11 để tham dự chuyến thám hiểm hai tuần.

Nhưng rồi ngay cả câu chuyện liệu băng có tan ở Nam cực và Bắc cực hay nước biển có dâng lên ở Việt Nam cũng rơi vào quên lãng. Không khí thành phố vẫn ô nhiễm, nước vẫn ngập và những dòng sông vẫn chết dần vì chất thải công nghiệp. Chúng ta quen dần với ô nhiễm và trở thành một phần của nó lúc nào không hay. Ai có thời gian quan tâm đến việc những gì mình đang làm ở phần này của trái đất có khiến vài tảng băng tan ở một châu lục xa xôi! Sự thờ ơ là một thái độ sống đã được “điều kiện hoá”. Đối với nhiều công ty, doanh nghiệp và thậm chí nhiều chính phủ, thì đôi khi nó là một sự thờ ơ có ý thức. Những người lên tiếng về sự xuống cấp của môi trường thường bị coi là những người theo chủ nghĩa “cảnh báo”. Ông Al Gore, cựu phó Tổng thống Mỹ, tuy đã được nhận giải Nobel Hoà bình vì những nỗ lực bảo vệ môi trường, vẫn bị giới doanh nghiệp ở Mỹ chê bai là thổi phồng tình hình. Không ít người hoài nghi cho rằng thực ra khí hậu không thay đổi gì cả, và trái đất nóng lên chỉ là một giả thuyết hão huyền chưa được chứng minh của các nhà khoa học. Cho dù một hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch) vào cuối năm này, thì biến đổi khí hậu vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Câu chuyện về môi trường không phải là một đề tài dễ viết. Người viết báo, khi viết về môi trường, cũng dễ bị chụp mũ là những người theo chủ nghĩa “cảnh báo”.

Cũng vì thế nên khi nghe đến một chuyến thám hiểm Nam cực đang mở ra cơ hội cho người Việt Nam tham gia, suy nghĩ đầu tiên của người viết là: đây là cơ hội để tìm hiểu thực tế về những gì đang diễn ra ở châu lục lạnh giá này. Nằm ở cực Nam của trái đất, Nam cực là châu lục duy nhất không có người ở (ngoại trừ một số nhóm nghiên cứu khoa học đóng trạm rải rác ở khắp châu lục). Đây là nơi có khí hậu lạnh nhất thế giới – thời tiết lạnh nhất trên trái đất đo được tại Nam cực, là âm 89oC. Thời tiết quá khắc nghiệt như vậy khiến cho rất ít động vật có thể tồn tại ở đây. Cư dân chủ yếu là chim cánh cụt và hải cẩu, sư tử biển. Năm 1959, một hiệp ước về Nam cực đã được ký kết giữa 12 nước, và sau này tiếp tục được các quốc gia khác tham gia, cam kết Nam cực không thuộc về chủ quyền một quốc gia cụ thể và ngăn cấm các hoạt động quân sự, khai khoáng, ủng hộ các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường sinh thái ở đây. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào năm 2041.

Nam cực có ấm dần lên không? Những loài động vật hoang dã sống ở vùng này, như chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi, cuộc sống của chúng ra sao? Một chuyến thám hiểm đến điểm cực Nam của trái đất sẽ giúp đem đến cho độc giả của báo một phần những câu trả lời này. Bản thân tôi cho rằng mình là người hết sức may mắn được tham gia vào cuộc hành trình này. Nam cực là một trong những nơi hoang dã cuối cùng của thế giới. Chỉ riêng thế giới của chim cánh cụt đã chứa đựng nhiều điều kỳ thú. Không nhiều người biết rằng chim cánh cụt là loài vật gần như duy nhất trên thế giới có quan hệ “một vợ một chồng”. Một số loài chim cánh cụt chỉ có một bạn đời trong suốt cuộc đời mình, và một số loài khác thì ít nhất sẽ chỉ ở với một bạn đời trong một mùa sinh sản. Đây là điều gần như không xảy ra với đa số các loại động vật khác. Ngay cả chuyện những chú chim cánh cụt thường đứng sát vào nhau như một đám đông người để giữ ấm và biết thay phiên nhau đứng bên ngoài cùng làm vai trò chắn gió rét cho cả đoàn, cũng là một điều kỳ thú mà tôi sẽ chứng kiến tận mắt.

( Theo Lan Anh // SGTT Online)

  • Anh: hướng nghiệp cho học sinh qua internet
  • Xứ sở của những câu chuyện thần tiên
  • Ý chí của toàn cầu
  • APEC khuyến khích mở cửa thị trường
  • Canada tăng cường bảo vệ gấu trắng Bắc Cực
  • Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng cho Trung Mỹ
  • Vật lộn kiếm sống trong một nền kinh tế đang hồi phục
  • Thông điệp của giải thưởng Nobel kinh tế năm 2009