Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trưởng đoàn G20 đã có buổi làm việc với chủ đề “Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức”
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Toronto (Canada) trong 2 ngày 26 và 27-6 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa việc thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế còn mong manh và cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Hội nghị cũng bàn về vấn đề đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn về hoạt động ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự trong tương lai.
Theo hãng tin AP, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng việc kích thích chi tiêu là cần thiết để thúc đẩy sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của một số nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, ngày càng có nhiều nước muốn cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế để tránh một cuộc khủng hoảng nợ kiểu Hy Lạp.
Một vấn đề gây tranh cãi khác chính là kế hoạch đánh thuế lĩnh vực ngân hàng để giúp đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào trong tương lai. Kế hoạch này do Đức, Pháp và Anh đưa ra nhưng gặp phải sự phản đối của Canada và một số nền kinh tế mới nổi trong G20.
Theo hãng tin Reuters, một bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị cho biết các nhà lãnh đạo G20 dự kiến công bố một chương trình phối hợp nhằm giảm phân nửa thâm hụt của lĩnh vực công trong vòng 3 năm và ổn định nợ của chính phủ.
Ngoài ra, tuyên bố chung cũng nhìn nhận rằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế, sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các nước và khu vực khác nhau. Vì thế, cần có sự cân bằng giữa việc ổn định ngân sách và duy trì tăng trưởng.
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trưởng đoàn G20 đã có buổi làm việc với chủ đề “ Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức” hôm 26-6.
Theo TTXVN, quan điểm của Việt Nam với tư cách đại diện các nước ASEAN là cơ bản chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực của G20 đối phó với những thách thức trước mắt (thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát...) nhằm bảo đảm kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tránh nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước lan rộng thành khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, song song với quá trình này, các nước cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề mang tính dài hạn và cốt lõi như bảo đảm sự phát triển bền vững, cân bằng và đều khắp của kinh tế thế giới và các khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: TTXVN
Bên lề Hội nghị Cấp cao G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm 26-6, đã có các cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng Úc Wayne Swan, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Thủ tướng Hà Lan Gian Jan Peter Balkenende.
Bên ngoài phòng họp, bạo lực đã xuất hiện tại các cuộc biểu tình phản đối Hội nghị Thượng đỉnh G20 sau khi vài trăm người bịt mặt đốt xe cảnh sát và đập vỡ nhiều cửa kính ở trung tâm thành phố Toronto hôm 26-6.
Ông Bill Blair, cảnh sát trưởng Toronto, thừa nhận rằng cảnh sát đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát các đám đông và buộc phải dùng hơi cay để giải tán họ. Theo hãng tin AP, hơn 400 người bị bắt trong các vụ bạo động nói trên.
Tuyên bố chung của G8 về an ninh Kết thúc hội nghị 2 ngày, các nhà lãnh đạo G8 đã ra tuyên bố chung hôm 26-6 lên án Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran và yêu cầu Israel phải thay đổi lệnh phong tỏa Dải Gaza. Theo hãng tin AFP, tuyên bố mạnh mẽ này đã lên án Bình Nhưỡng về vụ tình nghi bí mật tấn công tàu Cheonan của Hàn Quốc: “Chúng tôi yêu cầu CHDCND Triều Tiên cam kết không tấn công hoặc đe dọa đối với Hàn Quốc”. G8 đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng “từ bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân; các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân đang tồn tại cũng như từ bỏ hoạt động phổ biến vũ khí này theo cách có thể kiểm tra và không thể đảo ngược”. Đối với Iran, các nhà lãnh đạo G8 tuyên bố: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc về hành động tiếp tục thiếu minh bạch của Iran về hoạt động hạt nhân, tiếp tục phát triển việc làm giàu uranium. Mục đích của chúng tôi là thuyết phục các nhà lãnh đạo Iran xúc tiến cuộc đối thoại rõ ràng để Iran đáp ứng nghĩa vụ quốc tế”. Đối với Afghanistan, tuyên bố thể hiện sự hậu thuẫn cho chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai nhưng khuyến cáo Kabul cần tăng cường xây dựng lực lượng an ninh quốc gia để tự đảm đương trách nhiệm trong vòng 5 năm tới. Về Trung Đông, các nhà lãnh đạo G8 bày tỏ lo ngại về lệnh phong tỏa của Israel tại Dải Gaza, cảnh báo Israel rằng cần phải thay đổi hình thức phong tỏa hiện tại để người Palestine có thể nhận được sự trợ giúp quốc tế. Các nhà lãnh đạo G8 cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố, cho rằng nó đe dọa con người khắp nơi, làm xói mòn hòa bình, ổn định và an ninh. L. Nguyễn |
(Theo Hoàng Phương // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com