Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng lòng tin

Trong thời gian gần đây thế giới chứng kiến những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế dù nhỏ nhoi nhưng là điều đáng mừng. Nhưng mới đây vụ ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ là Goldman Sachs bị tố cáo gian lận đã một lần nữa làm sống lại nỗi lo sợ của nhà đầu tư vốn đã khủng hoảng lòng tin bởi một danh sách dài những hậu quả mà các ngân hàng tinh túy nhất thế giới mang lại.

Theo những cáo buộc của SEC, thời điểm năm 2007-2008 Goldman Sachs đã tiếp thị một gói đầu tư phức tạp liên quan đến số chứng khoán địa ốc được phát hành dựa trên gói nợ thế chấp nhà. Thế nhưng Goldman Sachs “cố ý giấu nhẹm” thông tin nhóm sản phẩm này đã được đánh giá có độ rủi ro cao trước nguy cơ bong bóng nhà đất Mỹ nổ tung. Sau đó, phần lớn những khoản cho vay thế chấp này đã bị mất giá do thị trường nhà đất sụp đổ.

Theo SEC, các nhà đầu tư rót vốn vào số chứng khoán này đã bị thua lỗ hơn 1 tỷ USD. Báo cáo của SEC cho thấy Chính phủ Anh và Đức đã phải chi hàng trăm triệu USD cứu trợ cho những ngân hàng tham gia gói đầu tư mà Goldman Sachs tiếp thị.

Vụ gian lận của Goldman Sachs đã làm “tổn thương nặng nề” lòng tin nhà đầu tư chứng khoán từ bên kia bờ đại Tây Dương tới cựu lục địa và lan sang tận châu Á.

Thông tin này ngay lập tức khiến cổ phiếu của Goldman Sachs giảm mạnh và chốt phiên đã giảm 12,79%, xuống 160,7 USD/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của Goldman Sachs “bốc hơi” hơn 10 tỷ USD, xuống còn 84,57 tỷ USD trong ngày cuối tuần qua. Thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động. Nhiều cổ phiếu ngành tài chính như JPMorgan, Bank of America và Morgan Stanley cũng mất giá theo và giảm ít nhất 4,7%, riêng cổ phiếu của Google giảm tới 7,6%.

Tại châu Âu, cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất của Đức Deutsche Bank giảm 3,6%. Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán chính trong khu vực như Shanghai Composite của Trung Quốc, Hang Seng của Hồng Công, Nikkei 225 của Nhật, Kospi của Hàn Quốc đều giảm từ 0,5%-1,5%.

Vấn đề nằm ở chỗ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, các chuyên gia chỉ cho rằng đó là do cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất ở Mỹ sụp đổ. Giờ đây khi những gian lận của Goldman Sachs bị phơi bày ra ánh sáng thì các nhà đầu tư mới biết rõ mười mươi mình bị lừa chứ không phải đơn giản là không may. Nếu như Goldman Sachs công khai hết với các nhà đầu tư về mức độ rủi ro của dự án thì chắc không có nhiều người phải phá sản, các ngân hàng không sụp đổ kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính này.

Các cơn dư chấn của khủng hoảng tài chính vẫn kéo dài âm ỉ, từ khủng hoảng Dubai, Hy Lạp rồi đến các vụ bê bối của Goldman Sachs đều ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, gây ra lo ngại dư chấn này đang tích tụ để tạo thành cơn địa chấn mới đối với kinh tế toàn cầu.

Nhận thấy rằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế rất mong manh, chỉ một dư chấn nhỏ cũng làm đổ vỡ, chính quyền ông Obama đã đề nghị Thượng viện Mỹ nhanh chóng xem xét và thông qua dự luật cải cách tài chính, trong đó có việc thắt chặt quy định tài chính đối với các tập đoàn tài chính ở Wall Street.

Các nhà kinh tế Mỹ còn cho rằng không chỉ Goldman Sachs mà nhiều ngân hàng ở Wall Street cũng đang có dấu hiệu gian lận. Báo USA Today kêu gọi Chính phủ Mỹ phải mở rộng điều tra sang các ngân hàng và các công ty tài chính khác. Thế nhưng cũng có ý kiến chính vì Goldman Sachs mà chính phủ mạnh tay với ngành ngân hàng thì có thể ngăn cản sự phục hồi kinh tế do các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng.

Nhưng dù thế nào nhà đầu tư cũng mất niềm tin vào các ngân hàng được mệnh danh là xuất sắc nhất, khi họ chỉ chú ý đến những khoản lợi nhuận khổng lồ của mình mà quên đi lợi ích của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp và của cả cộng đồng. 


(Theo VIỆT ANH/SGGP)

  • Âm thầm, hiệu quả
  • Trí thức trẻ Trung Quốc dạt về quê
  • 40% diễn viên Hàn Quốc nghĩ đến việc tự vẫn
  • Campuchia bỏ lệnh cấm kết hôn với người Hàn Quốc
  • Xu hướng quên dùng bút ở giới trẻ Trung Quốc
  • Malaysia gấp rút giáo dục giới tính học đường
  • Đảo Hải Nam đau đầu chuyện mai táng vật nuôi
  • 10 thành phố hấp dẫn nhất với đàn ông