Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỳ 2: Thiếu nước? Chuyện nhỏ!

 Trong 35 thành phố lớn nhất Ấn Độ, chỉ có một thành phố có dịch vụ cấp nước 24/24. Giống như thủ đô Delhi, hầu hết các thành phố Ấn cung cấp nước chỉ vài giờ mỗi ngày. Nhưng người dân Ấn nào hưởng được nước từ dịch vụ cấp nước, dù là dịch vụ không liên tục, cũng là may mắn.

 Bệnh tiêu chảy và phát triển kinh tế

 
Dân nghèo ngoại thành Mandu, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ đứng quanh miệng giếng trơn trượt, nguy hiểm, để lấy nước mang về nhà. Đây là cảnh tượng hàng ngày ở khắp Ấn Độ.Ảnh: TL

Khoảng 540 triệu dân Ấn hàng ngày không có phương tiện tiếp cận nguồn nước an toàn. “Rõ ràng, nước đang làm cản trở phát triển kinh tế ở Ấn Độ”, nhà vật lý lý thuyết Vikram Soni ở Delhi nói, “Nước đang cản trở phát triển nhân văn. Nước thực sự đang tác động tới sự sinh tồn của mọi người. Tệ hại thế đấy!”

Ở Ấn Độ, cứ mỗi giờ lại có 40 trẻ em dưới năm tuổi chết vì nước ô nhiễm. Mỗi ngày, cứ 90 giây lại có một trẻ sơ sinh chết vì nước bẩn. Một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín nhất nước này – viện Tài nguyên và năng lượng (TERI) – đã phân tích tình trạng môi trường, kinh tế và chất lượng sống của Ấn Độ sau 50 năm độc lập (kể từ năm 1947). Công bố tháng 11.2009, báo cáo của TERI nói thẳng thừng rằng, nước “là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà đất nước này ngày nay phải đương đầu”.

Nước bẩn là một vấn đề nghiêm trọng đến mức báo cáo của TERI phải bỏ công tính toán tác động của bệnh tiêu chảy đến nền kinh tế Ấn Độ. Kết luận: tổng phí tổn vì bệnh tiêu chảy của Ấn Độ là 900 triệu rupi (khoảng 20 tỉ USD) mỗi năm.

Ấn Độ đã tiêu mất 2% GDP mỗi năm cho bệnh tiêu chảy chỉ vì nguồn nước bẩn.

Xứ này dường như mắc kẹt trong những vấn đề nước nan giải: hệ thống cấp nước đô thị không theo kịp mức tăng trưởng. Các thôn làng không có hạ tầng cấp nước cơ bản. Nước mà mọi người có được – dù ở thành thị hay nông thôn – đều không sạch. Nước không được xử lý. Các dòng sông của Ấn Độ đã ô nhiễm ngoài sức tưởng tượng. Và các nông dân Ấn làm thuỷ lợi yếu kém đến mức phí phạm gần phân nửa nguồn nước quốc gia.

Nhưng thực tế, hầu như mọi vấn đề của Ấn Độ chỉ là một vấn đề. “Đó không phải là tiền”, lời Ashok Jaitly – một trong những chuyên gia về nước của Ấn Độ, giám đốc viện TERI, “Chúng tôi thừa tiền, vấn đề cũng không phải là công nghệ. Chúng tôi có đủ loại công nghệ, từ hệ thống lọc bằng cát cho tới các nhà máy lọc bằng công nghệ thẩm thấu ngược. Ai cũng biết vấn đề nằm ở đâu. Chúng tôi cũng biết giải pháp là gì. Nhưng chúng tôi không thật sự bắt tay vào giải quyết. Đó mới là vấn đề đích thực”.

Cuộc tấn công vào nhân phẩm

Rất đơn giản, Ấn Độ đã quản lý kém nguồn nước của mình. Xứ này có đủ nguồn nước, có đủ những con người thông tuệ, và có thừa tài nguyên. Cái Ấn Độ thiếu chính là một văn hoá coi trọng nước, dịch vụ cấp nước và quản lý nguồn nước.

Vào năm 1947, khi Ấn Độ không còn là thuộc địa của đế quốc Anh, đại đa số các thành phố Ấn (chí ít là các trung tâm đô thị) đều được cấp nước 24/24 hàng ngày. Và nhiều thành phố vẫn cung cấp nước 24/24 cho một số khu vực cho đến những năm 1970 và 1980. Mức độ dịch vụ ấy, và quan trọng hơn, sự kỳ vọng vào mức độ dịch vụ ấy, đã tan biến – cả trong cộng đồng chuyên gia về nước lẫn trong giới thường dân.

Người ta chờ đợi một cuộc chiến đấu vì nước, người ta đã biết xoay xở tạm thời, và họ không tin là dịch vụ cấp nước sẽ được cải thiện. Kết quả người Ấn dù nghèo hay giàu đều xem việc bảo toàn tiêu chuẩn nước sinh hoạt là việc ưu tiên hàng đầu phải làm mỗi ngày.

Người nghèo xếp hàng mấy giờ liền ở các máy nước công cộng khi nước được mở cho chảy mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Trong những khu vực không có giếng hay máy nước, người nghèo sang làng bên cạnh lấy nước về. Tầng lớp có nghề chuyên môn ở đô thị thì có nước dùng liên tục. Nhưng đó là nguồn nước liên tục giả tạo. Giống như nhà vật lý thiên văn Vikram Soni, nhà họ được trang bị những máy bơm đắt tiền, tốn điện và các hệ thống bồn chứa cùng máy lọc tinh vi. Cho nên khi mở vòi ra là nước chảy.

Nhưng đó là nguồn nước họ đã tích trữ để sử dụng dần. Đó là ảo ảnh của nguồn nước thường trực 24 giờ hàng ngày, 7 ngày hàng tuần. Và ngay với những người có tiền, việc quản lý hệ thống cấp nước tại gia này chính là một mối lo thường trực trong cuộc sống hàng ngày. Họ phải ngẫm nghĩ, cân nhắc mỗi lần nấu ăn, rửa chén, hay thậm chí trước khi đánh răng.

Cuộc chiến bảo toàn nguồn nước sinh hoạt hàng ngày không những phá hoại sự phát triển kinh tế và sức khoẻ mà còn ăn sâu vào tinh thần dân Ấn. Những vấn đề nước dần trở thành một cuộc tấn công lén lút vào nhân phẩm, một hình thức bào mòn nhuệ khí.

( Theo CHARLES FISHMAN TRẦN NGỌC ĐĂNG (DỊCH) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )

  • Đĩa bay vô hiệu hóa tên lửa Mỹ?
  • 10 thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử vì xô đẩy
  • Chuyên cơ chở các nguyên thủ đến hội nghị G20 như thế nào?
  • Vịt 3 chân siêu hạng: dự báo được động đất!
  • Vấn đề pháp lý và đạo đức
  • Nạn nhân là dân thường
  • Chống bạo lực bằng bất bạo lực
  • “Lang thang” ký sự qua đất Phật