Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỳ 3: Phát triển mọi thứ trừ nước – Charles Fishman

 Năm 2008, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 9%. Trong ba năm 2006, 2007 và 2008 cộng lại, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 8,4%. Ngay giữa đợt đại suy thoái 2009, kinh tế Mỹ cũng ráng nhúc nhích được 1,1%. Trong cùng giai đoạn đó, kinh tế Ấn Độ phóng vèo vèo 7,4%.

Mù chữ vì nước

Một cậu bé lặn tìm phế liệu dưới sông Yamura chảy qua Delhi trồi lên mặt nước lấy hơi. Dòng sông này ô nhiễm trầm trọng vì chất thải công nghiệp.Ảnh: TL

Những chuyển hoá từ tốc độ tăng trưởng ấy thật đáng kinh ngạc. Từ 1985 đến 2005, theo một phân tích của McKinsey & Co., Ấn Độ đã giảm số lượng người nghèo thật sự xuống còn phân nửa – ngay cả khi dân số tăng mạnh. Và những chuyển hoá kinh tế – xã hội này chỉ mới khởi đầu. McKinsey ước tính rằng từ 2005 đến 2025, nếu Ấn Độ duy trì được mức tăng trưởng này thì mỗi ngày sẽ có 70.000 người Ấn từ tầng lớp nghèo sẽ trở thành giai cấp trung lưu – đều đều như thế trong suốt 20 năm.

Bằng chứng thì hiển nhiên. Ở Bangalore, ở một địa điểm bán ôtô, mỗi ngày bán được 900 chiếc. Ấn Độ có 636 triệu người dùng điện thoại di động – số người này đã đông gấp đôi toàn bộ dân số nước Mỹ.

Ấn Độ không chỉ tạo ra những người tiêu dùng muốn có ôtô, điện thoại di động và việc làm tốt mà còn sản sinh ra nhiều triệu phú và tỉ phú. Trong danh sách Forbes 2010, hai trong số năm người giàu nhất thế giới là người Ấn. Và ngoại trừ Mỹ ra, không có nước nào có nhiều tỉ phú trong Top 50 của Forbes hơn là Ấn Độ.

Nhưng với 1,2 tỉ dân, Ấn Độ vẫn còn nghèo đến mức 20 năm phát triển và tăng trưởng vượt bậc vẫn khiến 44% hộ gia đình không có điện và 20% hộ gia đình vẫn dùng rơm rạ hay phân bò làm nguồn nhiên liệu chính để nấu bếp. Và điều sửng sốt nhất là 39% người Ấn trưởng thành không biết đọc biết viết và gánh nặng này chủ yếu đặt trên đầu phụ nữ. Hiện nay 200 triệu phụ nữ Ấn mù chữ.

Đó là cái giá phải trả cho những thùng nước sinh hoạt hàng ngày. Trong 600.000 thôn làng Ấn Độ, thường là những bé gái, hai lần mỗi ngày, đi lấy nước về cho cả gia đình dùng. Điều đó có nghĩa là các em này sẽ không được đến trường.

Đòi hỏi lố bịch!

Tháng 3.2010, NASA công bố một khám phá lớn. Các thiết bị dò quét 40 miệng hố ở bắc cực của mặt trăng đã phát hiện ra băng, rất nhiều. Chỉ riêng những miệng hố đã khảo sát, mỗi miệng hố có khoảng 660 triệu tấn băng. Việc phát hiện ra nước trên mặt trăng thực tế có công đóng góp rất lớn của Ấn Độ. Các thiết bị phát hiện ra nước của NASA bay lên mặt trăng bằng tàu không gian Chandrayaan-1 – phi thuyền lên trăng đầu tiên do Ấn Độ thiết kế, chế tạo và phóng đi bởi cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO).

Không có gì thâu tóm được sự đối nghịch của xã hội hiện đại Ấn thế kỷ 21 cho bằng những phát hiện này của NASA. Ấn Độ tham gia phát hiện ra nước trên mặt trăng trong khi bản thân các khoa học gia và kỹ sư chế tạo ra tàu Chandrayaan-1 ở tổng hành dinh ISRO tại Bangalore lại không hề có nước tại tư gia. Trên lý thuyết, dịch vụ cấp nước đô thị đang cung cấp cho Bangalore mỗi ngày 4,5 giờ có nước.

Những thành phố khác có thương hiệu của Ấn Độ cũng chẳng khá gì hơn, nếu không tệ hơn. Ở thủ đô Delhi, hầu hết các hộ gia đình chỉ có nước được một giờ hay 90 phút mỗi ngày. Ở Mumbai, mục tiêu phấn đấu là có nước bằng Delhi. Nhiều người hai ngày mới có nước một lần được vài chục phút. Ở Hyderabad, một số khu vực có nước bốn giờ mỗi ngày, một số nơi chỉ được ba giờ, những nơi khác phải hai ngày mới có nước chừng 90 phút.

Người Ấn đã thích ứng với nạn khan hiếm nước nhân tạo này, nhưng không có nghĩa là họ không còn quan tâm đến những nỗi tuyệt vọng hay những chuyện tiếu lâm về nước. Ngay cả Tối cao Pháp viện Ấn Độ trong một chỉ thị ban hành tháng 4.2009 cũng đòi hỏi chính phủ trung ương xử trí vấn đề nước. Tuyệt vọng trước cảnh “những bà nội trợ kiệt sức xếp hàng rồng rắn hàng giờ để lấy nước đầy thùng”, các pháp quan này đòi lập ngay một hội đồng khoa học để trong vòng vài tháng giải quyết toàn bộ vấn đề nước mà Ấn Độ đã mất cả nửa thế kỷ để tạo ra. Nội dung chỉ thị có đoạn: “Đáng buồn thay một quốc gia như Ấn Độ, nơi đã giải quyết một cách khoa học vấn đề quy hoạch đô thị từ 4.000 năm trước, nơi đã phát minh ra hệ thập phân trong số học và giải phẫu thẩm mỹ trong y học từ thời cổ đại, và là nơi đang quản lý phần lớn hoạt động của Thung lũng Silicon ở Mỹ, cho tới bây giờ lại không thể giải quyết vấn đề thiếu nước”.

Ashok Jaitly, giám đốc viện Tài nguyên và năng lượng Ấn Độ (TERI), tham gia vào hội đồng tư vấn cho nỗ lực cải tổ dịch vụ cấp nước của Tối cao Pháp viện. Ông kể lại: “Pháp viện ra lệnh cho chúng tôi tìm cách giải quyết vấn đề cung cấp nước uống sạch cho mọi người dân Ấn trong vòng ba tháng. Ba tháng! Còn đòi hỏi nào lố bịch hơn không? Bảo chúng tôi giải quyết trong vòng 300 năm thì còn nghe được. Ước gì chúng tôi có thể làm được trong 30 năm!”

( Theo TRẦN NGỌC ĐĂNG (DỊCH) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )

  • Kỳ 2: Thiếu nước? Chuyện nhỏ!
  • Đĩa bay vô hiệu hóa tên lửa Mỹ?
  • 10 thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử vì xô đẩy
  • Chuyên cơ chở các nguyên thủ đến hội nghị G20 như thế nào?
  • Vịt 3 chân siêu hạng: dự báo được động đất!
  • Vấn đề pháp lý và đạo đức
  • Nạn nhân là dân thường
  • Chống bạo lực bằng bất bạo lực