Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những vụ bằng giả động trời

Trong khi vụ bê bối về bằng giả ở Pakistan cho thấy tham vọng đáng sợ của hàng trăm người sử dụng văn bằng giả để trở thành nghị sĩ, những vụ bê bối tương tự ở Hàn Quốc, Israel, hay Iran chỉ ra những lý do đa dạng khác khiến thiên hạ đi mua bằng giả.

Có người dùng bằng giả để kiếm được một chỗ làm, một sự kính trọng, hay một vị thế nào đó. Có người trưng ra những tấm bằng giả để thăng tiến, để được tăng lương…

Hàn Quốc: giảng viên, nhà sư cũng dùng bằng giả

Tháng 3.2008, đại học Dongguk của Hàn Quốc kiện đại học Yale danh tiếng của Mỹ và đòi bồi thường 50 triệu USD vì việc đã không xác nhận chính xác bằng tiến sĩ của cô Shin Jeong-ah, dẫn đến “tổn hại không thể bù đắp” cho uy tín của đại học Dongguk.

Sự việc bắt đầu vào năm 2005, khi nhận cô Shin làm giảng viên lịch sử nghệ thuật, đại học Dongguk yêu cầu đại học Yale cung cấp thông tin về bằng tiến sĩ của giảng viên mới. Trả lời yêu cầu này, đại học Yale xác nhận việc đã cấp bằng tiến sĩ cho cô Shin. Nhưng hai năm sau, trước các tin đồn cho rằng cô Shin đã giả mạo bằng cử nhân và thạc sĩ của đại học Kansas, cũng như bằng tiến sĩ Yale, đại học Dongguk phải tự xác minh lại để rồi phát hiện ra tất cả bằng cấp của cô Shin đều là giả. Shin Jeong-ah đã sao chép luận văn tiến sĩ của người khác và phát ngôn viên của trường Đại học Kansas cho biết: "Cô ấy từng học ở đây nhưng chưa tốt nghiệp". Đại học Yale lần này lại xác nhận rằng cô Shin chưa bao giờ học ở trường này và rằng xác nhận trước đây là có sự nhầm lẫn.

Vụ việc sau đó khiến cơ quan chức năng phải tham gia điều tra. Cuối cùng, tòa án Seoul tuyên bố Shin Jeong-Ah đã giả mạo bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Cựu cố vấn cấp cao của tổng thống Hàn Quốc và là bạn trai của Shin, ông Byeon Yang-Kyun cũng bị toà tuyên phạt một năm tù và 160 giờ lao động công ích vì lạm dụng chức vụ để giúp cô Shin thăng tiến.

Sau vụ việc trên, nhiều đại học và công ty ở Hàn Quốc đã rà soát lại bằng cấp của nhân viên. Ủy ban công tố Hàn Quốc điều tra bằng cấp của hàng nghìn giáo sư, công chức và đã buộc tội 215 người dùng bằng giả. Trong số này có ca sĩ - nhạc sĩ Young-hoon, với tấm bằng Đại học George Mason, kiến trúc sư Lee Chang-ha, giảng viên trường Cao đẳng Khoa học Kimcheon, diễn viên kịch Yoon Suk-hwa, và nhà sư nổi tiếng Ji-gwang. Trong giới quân sự, 13 sĩ quan quân đội đã bị sa thải và truy tố do không học ngày nào mà vẫn có bằng đại học của Philippines.

Israel: Dùng bằng giả để được tăng lương

Cuối những năm 1990, sau khi chính phủ Israel ban hành chính sách tăng lương và phụ cấp từ 10-20% cho công chức căn cứ vào trình độ học vấn, nạn dùng bằng giả đã bắt đầu nở rộ trong giới chức nước này. Tình hình khiến chính phủ tiến hành tổng điều tra vào tháng 12.2001. Hàng trăm người từ công chức, giáo viên, hiệu trưởng, đến nhân viên cảnh sát… bị đưa vào danh sách kiểm tra bằng cấp. Cơ quan điều tra cuối cùng phát hiện nhiều bằng giả được phân phối qua công ty Modum ISE, một cơ sở tự nhận là chi nhánh của hai trường uy tín là Đại học Latvia, đóng ở thủ đô Riga của Latvia, và Đại học Burlington có trụ sở tại bang Vermont của Mỹ. Theo cơ quan đánh giá bằng cấp nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục Israel, có đến 2.957 người dùng bằng giả mạo các văn bằng của hai trường trên từ năm 1998 đến 2001.

Trong số những người bị bắt liên quan đến vụ bằng giả này có các giám đốc của chi nhánh trên, và cả thiếu tướng Yonatan Stricks, người làm việc trong lực lượng quân dự bị Israel, nhưng cũng lại là tổng giám đốc của công ty Modum ISE ….. Khoảng 100 người có liên quan cũng đã bị xét hỏi. Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Histadrut, ông Avraham Ben-Shabbat và cấp phó của ông bị giam giữ vì các nghi ngờ liên quan đến sử dụng bằng giả. Cả hai còn phạm tội nhận hối lộ, và cho phép cơ sở làm bằng giả sử dụng danh nghĩa của mình để quảng bá.

Iran: Bộ trưởng nội vụ và tấm bằng có lỗi chính tả

Ngày 4.11.2008, Nghị viện Iran đã bỏ phiếu nhất trí sa thải Bộ trưởng Nội vụ Ali Kordan sau khi ông này thú nhận việc sử dụng văn bằng giả mạo bằng tiến sỹ danh dự chuyên ngành Luật của trường Đại học Oxford. Có đến 188 trên tổng số 247 nghị sỹ quốc hội đã bỏ phiếu nhất trí việc luận tội ông Kordan. Trong cuộc bỏ phiếu, nghị sĩ Ebrahim Nekunam phát biểu gay gắt: “Một người được giao trách nhiệm đảm bảo an ninh quốc gia đã nhạo báng lòng tin cả Quốc hội”.

Trong khi ông Kordan khai rằng đại diện tại Tehran của trường Đại học Oxford - London đã cấp bằng tiến sỹ luật danh dự cho ông, việc xác minh bằng này là giả mạo đã được tiến hành không mấy khó khăn khi các lỗi sai chính tả trên bằng bị phát hiện. Đại học Oxford cũng đã lên tiếng phủ nhận việc cấp bất kỳ văn bằng nào cho ông Kordan. Một cuộc điều tra của Quốc hội sau đó cũng đã phát hiện ông Kordan không chỉ làm giả bằng tiếng sĩ của Oxford mà cả bằng thạc sỹ và đại học của trường Đại học Iran.

Dù đã hết sức để bảo vệ thân cận của mình, nhưng trước sức ép từ Quốc hội, tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng đành chấp nhận để ông Kordan ra đi. Mặc dù nói tấm bằng này là “một tờ giấy rách”, nhưng ông Ahmadinejad lại cho rằng bộ trưởng Kordan chỉ là một “nạn nhân”.

(Theo Thanh Hùng // SGTT Online)

  • Cứu tinh của đồng hồ Thuỵ Sĩ
  • Tại sao "vụ gián điệp Nga" bị làm rùm beng?
  • Thảm họa nhân đạo ở Kyrgyzstan- Ai gây ra xung đột sắc tộc?
  • Thảm họa nhân đạo ở Kyrgyzstan - Thảm cảnh người Uzbek ở Kyrgyzstan
  • Thảm họa nhân đạo ở Kyrgyzstan - Câu chuyện 20 năm trước
  • Bạo lực gia tăng, thế giới lo lắng
  • Hội nghị Thượng đỉnh G20: Cần cân bằng giữa nợ và tăng trưởng
  • Hội nghị Thượng đỉnh G20: Các nhà lãnh đạo còn bất đồng