Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Quái vật” dưới biển



Trước khi tàu ngầm hạt nhân xuất hiện vào năm 1965, tàu ngầm lớp I-400 của Hải quân Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai là loại tàu ngầm lớn nhất thế giới. Chúng còn là những "hàng không mẫu hạm ngầm" thực thụ, có thể chở theo 3 máy bay ném bom. 

 

Tàu ngầm I-400 được thiết kế với mục tiêu tấn công hủy diệt kênh đào Pa-na-ma - con đường huyết mạch vươn tới Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, các chỉ huy quân đội Nhật Bản khi đó muốn tấn công các thành phố lớn của Mỹ - thực hiện ý đồ mang chiến tranh đến nước Mỹ.

 

Những con quái vật dưới biển khơi

Để thực hiện ý định đó, năm 1942, Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn đề nghị của quân đội đóng 18 chiếc tàu loại này. Công việc đóng tàu được bắt đầu ngay vào tháng 1-1943 tại các xưởng đóng tàu Ku-rê và Sa-sê-bô của Hải quân Nhật Bản. Đến cuối năm 1943, yêu cầu đã giảm xuống còn 5 chiếc. Nhưng cuối cùng, khi Thế chiến thứ hai kết thúc, chỉ có 3 chiếc được hoàn thành, 2 chiếc đang đóng dang dở.

 

Với chiều dài 120m, tải trọng khoảng 6.500 tấn, lớn hơn 3 lần so với tàu ngầm thông thường lúc đó, những chiếc I-400 được trang bị 4 động cơ đi-ê-den, mang lượng nhiên liệu đủ để đi hơn một vòng quanh thế giới. Đây thực sự là những "quái vật" khổng lồ dưới biển khơi.

 

Không chỉ mang được máy bay, tàu ngầm I-400 còn được trang bị 8 ống phóng ngư lôi như tàu ngầm thông thường cùng nhiều loại vũ khí khác. "Đường băng" phóng máy bay trên tàu dài 37m. Đến tháng 6-1945, chiếc I-400 đầu tiên đã sẵn sàng hoạt động. Ba chiếc máy bay ném bom hạng nhẹ M6A đã được chuyển vào vị trí trong khoang tàu.

 

Máy bay Aichi M6A Seiran có thể mang một quả bom nặng 800kg hoặc 3 quả bom nặng 250kg, với tầm hoạt động 1.000km. Những  máy bay ném bom này có cánh và đuôi được gấp lại để thích hợp triển khai bên trong tàu ngầm I-400. Sau khi được phóng đi và hoàn thành nhiệm vụ, phi công của M6A sẽ nhảy dù và được tàu cứu hộ vớt lên hoặc chấp nhận hy sinh.

 

Kế hoạch hành động

Theo dự kiến, mục tiêu của những chiếc I-400 là kênh đào Pa-na-ma. Ngoài ra, các thành phố lớn ven biển của nước Mỹ như Niu Yoóc, Xan Phran-xít-cô và thủ đô Oa-sinh-tơn cũng nằm trong tầm đánh phá của I-400. Lịch trình của những chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới này là băng qua Ấn Độ Dương, vòng qua cực Nam châu Phi, sau đó tấn công vào Pa-na-ma và nước Mỹ. Tuy nhiên, khi đó, quân đồng minh đã chuẩn bị tấn công vào những mục tiêu trên đất Nhật nên kế hoạch đã được thay đổi. Bộ Chỉ huy quân đội Nhật Bản đã chọn mục tiêu có tính thực tế hơn - đó là căn cứ hải quân U-li-thi của Mỹ, phía Tây Thái Bình Dương, nhằm làm suy yếu sức mạnh của kẻ thù.

 

Một đội tác chiến bao gồm 2 tàu ngầm lớp I-400 (số hiệu I-400 và I-401, mỗi chiếc chở 3 máy bay) và 2 tàu ngầm lớp AM (mỗi chiếc mang theo 2 máy bay) đã được thành lập để thực hiện nhiệm vụ đánh phá U-li-thi.

 

Đầu hàng

Đội tác chiến tàu ngầm Nhật Bản ra khơi chưa được bao lâu thì nhiệm vụ bị hủy bỏ do nước này đã đầu hàng quân đồng minh. Cả 4 chiếc tàu ngầm đã phải quay lại cảng của Nhật Bản. Theo những tài liệu công bố sau đó, tất cả các cơ quan tình báo của quân đồng minh hầu như không hề biết gì về sự tồn tại của những chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới lớp I-400 cho đến khi chiến tranh kết thúc.

 

Sau chiến tranh, 2 chiếc tàu mang số hiệu I-400 và I-401 đã được đưa tới căn cứ của Mỹ tại đảo Ha-oai để nghiên cứu. Chiếc tàu ngầm lớp I-400 thứ 3 mang số hiệu I-402 đã bị đánh chìm ngoài khơi Na-ga-sa-ki, Nhật Bản nhằm không để hải quân Liên Xô có thể tìm hiểu về bí mật công nghệ tàu ngầm Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, sau đó, phía Liên Xô vẫn thông báo sẽ cử đội chuyên gia tới nghiên cứu những tàu ngầm của Nhật Bản bị bắt giữ sau chiến tranh. Sau khi hoàn thành tương đối việc nghiên cứu 2 tàu ngầm I-400 và I-401, Mỹ đã quyết định đánh đắm 2 chiếc tàu này ngoài khơi Ka-la-ê-loa, gần Ô-a-hu, Ha-oai vào ngày 31-5-1946 nhằm không để bí mật lọt vào tay Liên Xô. Hiện nay, xác 2 chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới một thời vẫn nằm ngoài khơi Ha-oai ở độ sâu khoảng 200m.

(Theo Minh Huy // Hanoimoi Online)

  • Bí mật chưa được giải mã
  • Vũ khí cực độc
  • Hai tỷ người có thể nhiễm cúm A/H1N1
  • Indonesia: Cựu Tổng thống Megawati phản đối kết quả bầu cử
  • Hỏa hoạn ở miền nam Châu Âu
  • Triều Tiên không từ chối đàm phán với Mỹ
  • CHDCND Triều Tiên khẳng định quyền tiếp cận hạt nhân
  • WHO: Không thể thống kê ca nhiễm cúm A (H1N1) hằng ngày