Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vũ khí cực độc

Chiến tranh luôn tàn khốc và hai phía sẵn sàng sử dụng mọi khả năng để giành phần thắng. Chiến tranh thế giới lần thứ II dù đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng nó luôn là "bài học" cho mọi thời đại về điều đó.

 Những hồ sơ mật vừa được Anh công bố cho thấy, vào thời kỳ cuối của Chiến tranh thế giới lần thứ II, người Anh đã bắt tay với người Ca-na-đa nghiên cứu phát triển một loại vũ khí cực độc dưới dạng những chiếc phi tiêu lắp trong những quả bom.

 Theo quy định của Luật Tự do thông tin, mới đây, Cục Lưu trữ quốc gia Anh đã công bố một số hồ sơ thời Chiến tranh thế giới lần thứ II. Hồ sơ này đề ngày 25-1-1945 và được đóng dấu tuyệt mật. Hồ sơ cho thấy, khi đó các nhà khoa học Anh và Ca-na-đa đang nghiên cứu phát triển một loại vũ khí gọi là "Phi tiêu độc". Loại vũ khí nhỏ này được phủ bên ngoài một chất kịch độc. Nó có thể nổ cùng bom, mìn hay lựu đạn hoặc sử dụng máy bay thả xuống những nơi có quân địch. Bất cứ binh sĩ đối phương nào bị dính phi tiêu độc đều mất mạng trong vòng 30 phút. Kẻ bị thương dù khỏe nhất cũng chỉ sống thêm không quá 24 giờ.

 Hồ sơ mật còn cho thấy trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ II, cơ quan Tình báo Anh còn vạch kế hoạch "Khỉ cụt đuôi" để tiêu diệt trùm an ninh Đức quốc xã Rên-hát Hây-đrích bằng vũ khí có chất độc. Nhằm bảo đảm sự thành công của kế hoạch "Khỉ cụt đuôi", Tình báo Anh quyết định sử dụng loại vũ khí bí mật mà họ gọi là BTX. Đây thực chất là loại lựu đạn cải tiến, chứa thuốc nổ sức công phá lớn, đặc biệt bên trong còn có độc tố trực khuẩn - chất độc thiên nhiên mạnh nhất lúc bấy giờ. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ cần dùng 15-24 gam độc tố trực khuẩn gây ô nhiễm nguồn nước là có thể  khiến hàng vạn cư dân thành phố trúng độc và dẫn đến tử vong trong vài giờ.

 Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, 10 giờ 30 phút ngày 27-5-1942, các điệp viên thực thi kế hoạch "Khỉ cụt đuôi" phục sẵn ở một đoạn đường cua thuộc vùng ngoại ô Pra-ha (Tiệp Khắc, nay là Cộng hòa Séc), nơi đoàn xe Hây-đrích dự kiến sẽ đi qua. Mục tiêu xuất hiện, quả lựu đạn BTX tuy không ném trúng xe của Hây-đrích, nhưng mảnh lựu đạn đã xuyên thủng kính xe chở đối tượng. Một vài mảnh đã găm vào người Hây-đrích. Trùm an ninh Đức quốc xã nhanh chóng được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ lập tức phẫu thuật gắp mảnh lựu đạn ra. Vết thương của Hây-đrích tỏ ra không có gì nghiêm trọng.

 Theo những ghi chép của bác sĩ điều trị mà Tình báo Anh thu được sau chiến tranh, ngày đầu tiên vào viện của Hây-đrích trôi qua bình thường; nhưng hôm sau, tình hình xấu đi trông thấy. Hây-đrích cảm thấy toàn thân khó chịu, da và môi khô nẻ, lưỡi rát, cơ thể mệt mỏi vô cùng, mắt đờ ra, đồng tử giãn to và bắt đầu có biểu hiện hôn mê; đồng thời không có dấu hiệu phản ứng của cơ. Những giờ tiếp theo, một nửa mặt rồi cả tứ chi của Hây-đrích bị liệt. 7 ngày sau, trùm an ninh Đức quốc xã đã qua đời.

 Kế hoạch "Khỉ cụt đuôi" thành công, nhưng cũng phải trả một giá đắt. Bởi ngay sau đó, phát xít Đức đã tiến hành một loạt hành động báo thù. Tất cả những người thực thi kế hoạch "Khỉ cụt đuôi" bị bắt đều bị xử tử. Ngoài ra còn có 1 vạn người Tiệp Khắc bị bắt trong một chiến dịch lùng bắt sau vụ này, trong số đó toàn bộ nam giới bị xử bắn, còn nữ giới bị đưa đi làm lao dịch hoặc dùng để "thí nghiệm y học".

(Theo Phương Linh // Hanoimoi Online)

  • Bí mật chưa được giải mã
  • “Quái vật” dưới biển
  • Hai tỷ người có thể nhiễm cúm A/H1N1
  • Indonesia: Cựu Tổng thống Megawati phản đối kết quả bầu cử
  • Hỏa hoạn ở miền nam Châu Âu
  • Triều Tiên không từ chối đàm phán với Mỹ
  • CHDCND Triều Tiên khẳng định quyền tiếp cận hạt nhân
  • WHO: Không thể thống kê ca nhiễm cúm A (H1N1) hằng ngày