Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sân chơi của gián điệp

Bộ Nội vụ Áo khẳng định rằng nước này hiện vẫn là “vùng đất diễn” quan trọng của các cơ quan tình báo nước ngoài

Cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh đã diễn ra ở sân bay quốc tế Schwechat tại thành phố Vienna, thủ đô nước Áo, ngày 9-7 vừa qua. Theo BBC, với hơn một thế kỷ là vùng đất cho các cơ quan mật vụ khắp thế giới hoạt động, Vienna có đủ điều kiện để cuộc trao đổi gián điệp diễn ra suôn sẻ. Hơn nữa, 20 năm sau chiến tranh lạnh, thành phố thơ mộng này vẫn là nơi các điệp viên và thông tín viên cảm thấy dễ chịu.

Điệp viên nhiều hơn binh sĩ

Áo là một trung tâm gián điệp kể từ cuối thế kỷ 19 khi người người từ khắp nơi trên đế quốc Áo-Hung rộng lớn kéo đến thành phố này. Sau đó, sự tan rã của đế quốc này và sự rối loạn về chính trị ở Trung Âu sau thế chiến thứ nhất đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều cơ quan mật vụ đến đóng tại Vienna.

Báo The New York Times (Mỹ) cho biết Vienna là một trong những trung tâm của các hoạt động tình báo trong thời chiến tranh lạnh. Nhà văn Paul Lendvai, với thâm niên nhiều thập kỷ làm báo, mô tả Vienna thời chiến tranh lạnh như sau: “Nơi đây không có cơ quan chống tình báo. Ở Vienna, anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn. Điều buồn cười trong thời gian đó là ở Vienna có nhiều điệp viên hơn binh sĩ”.

Ngoài ra, một bản báo cáo của Bộ Nội vụ Áo trong năm nay khẳng định rằng nước này hiện vẫn là “vùng đất diễn” quan trọng của các cơ quan tình báo nước ngoài. Nhà sử học Siegfried Beer, Giám đốc Trung tâm Tình báo, Tuyên truyền và An ninh của Áo, quả quyết: “Tất cả mọi cơ quan mật vụ hoạt động ở Vienna trong thời chiến tranh lạnh đều có mặt ở đây vào thời điểm hiện nay”.

Báo giới chụp ảnh máy bay Mỹ và máy bay Nga được cho là chở 14 người trong cuộc trao đổi gián điệp tại sân bay Schwechat ở Vienna ngày 9-7. Ảnh: AP

Ông Beer khẳng định: “Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Vienna đã trở thành trung tâm của hoạt động gián điệp quốc tế. Sau đó, dưới thời đế chế thứ ba, người Đức coi đây như một nơi để thu thập tin tình báo về Nam và Đông Âu”.

Sau thế chiến thứ hai, Vienna lại trở thành trụ sở cho các gián điệp, thông tín viên và điệp viên hai mang. Lúc đó, theo ông Beer, Áo đầy rẫy những người tị nạn và những kẻ hết hy vọng kiếm sống. Ông kể: “Trong đám đông quốc tế đó, nhiều người có được loại thông tin mà các cơ quan mật vụ theo đuổi. Vì thế, họ đã đem bán thông tin tình báo để đổi lấy thực phẩm hoặc rượu”.

Thành phố quốc tế

Ông Alexander Rahr, một chuyên gia về Nga tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Đức, nhấn mạnh: “Áo có truyền thống là cây cầu nối giữa Đông và Tây. Ngoài Áo ra, chỉ còn Phần Lan và Thụy Sĩ”.

Cùng với New York và Geneva, Vienna là một trong những thành phố trụ sở của Liên Hiệp Quốc, với mấy ngàn nhân viên nước ngoài. Ngoài ra, thành phố này còn có tổng hành dinh của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế.

Từ lâu nay, Áo vẫn là một quốc gia trung lập. Nằm ở vị trí trung tâm châu Âu, đây là nơi có sức hút mạnh đối với các điệp viên, bởi làm gián điệp chống lại các nước khác sẽ không bao giờ bị nhà chức trách sở tại sờ gáy.

Ông Beer ước tính lúc này có khoảng 2.000-3.000 điệp viên và thông tín viên đang hoạt động tại thành phố này. Nhiều người trong số họ liên quan đến hoạt động gián điệp về kinh tế và công nghệ. Theo ông, làm gián điệp về chính trị đã trở nên không thích hợp lắm.

(Theo NGÔ SINH // Nguoilaodong Online)

  • Cần chú trọng tác động của lạm phát với dân nghèo
  • Taxi đường thủy ở Beirut
  • Thiếu Lâm Tự ngày nay
  • Giải mã bí ẩn của nàng Mona Lisa
  • Chuyến thám hiểm lịch sử ở Bắc cực
  • Bài báo làm tướng McChrystal bay chức: Bất phục tổng tư lệnh
  • Bài báo làm tướng McChrystal bay chức: Chọc tức Nhà Trắng
  • Bài báo làm tướng McChrystal bay chức: Vì đâu nên nỗi?