Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siêu điệp viên Herman Simm: Rận ở trong chăn

Trong lịch sử NATO, Herman Simm được coi là điệp viên nguy hiểm nhất, gây thiệt hại cho tổ chức quân sự này nhiều nhất

Trong nhiều năm liền, đóng một vai trò quan trọng trong bộ quốc phòng Estonia, Herman Simm chuyển giao những thông tin tình báo rất nhạy cảm của NATO (Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương) và tên tuổi của nhiều điệp viên phương Tây hoạt động ở Nga cho Cơ quan Tình báo Hải ngoại Nga (SVR).

Trong một tài liệu mật phân tích những thiệt hạidày 141 trang, NATO kết luận rằng Herman Simm, năm nay 63 tuổi, nguyên cục trưởng Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Estonia, là một trong những điệp viên gây tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử của tổ chức quân sự phương Tây này.

Một cuộc họp của NATO tại Tallinn, thủ đô Estonia

Một quan chức Đức gọi cuộc đột nhập của Nga vào NATO, thông qua một điệp viên nằm vùng ở Estonia, là một “thảm họa”. Một số chi tiết của tài liệu mật này đã được đăng tải trên tuần báo Đức Der Spiegel ngày 30-4-2010.

Cuộc tính sổ thiệt hại của NATO bắt đầu từ21-9-2008, ngày Herman Simm và vợ bị bắt tại Tallinn, thủ đô Estonia, về tội làm gián điệp cho Nga. Nhiều nhóm quan chức tình báo của Liên hiệp châu Âu (EU) và NATO từđại bản doanh ở Brussels vội vã bay đến Tallinn để đánh giá thiệt hại mà Simm gây ra. Kết quả điều tra được giữ bí mật đến ngày hôm nay.

Dễ bị tấn công bằng máy tính

Hiện nay, Simm bị giam trong một nhà tù toàn bê tông cốt thép xây dựng từ thời Liên Xô ở thành phố Tartu. Những tấm ảnh mới chụp gần đây cho thấy ông già Simm tóc bạc, lưng còm với đôi mắt buồn thăm thẳm. Niềm an ủi duy nhất của ông ta là cuốn thánh kinh.

Ở cuối cuộc đời của một điệp viên, cảnh tượng này cũng là chuyện thường tình. Bởi đâu phải ai cũng có thể vỗ ngực xưng tên là James Bond bất khả chiến bại như trong tiểu thuyết trinh thám hay phim ảnh Hollywood.

Cuộc điều tra của phía NATO đi tới một kết luận hết sức đau buồn cho tổ chức này. Trong những năm ở Bộ Quốc phòng Estonia, Simm đã tiếp cận được hầu hết những tài liệu mật của NATO mà Estonia, với tư cách là thành viên từ mùa xuân năm 2004, nhận được.

Tính đến ngày bị bắt, Simm đã bí mật trao hàng ngàn tài liệu mật của NATO cho Nga. Trong số những tài liệu này có những “thông tin tuyệt mật về chính sách quốc phòng của NATO bao gồm cả việc bố trí, bảo trì, cung cấp khí tài và các hệ thống mật mã”.

Công nghệ mật mã của NATO là cái mà người Ngaquan tâm rất nhiều. Theo tài liệu của NATO, Simm đã cung cấp cho Nga một số lượng thông tinvề các hệ thống mật mãNATO nhiều đến mức các nhà điều tra tin rằng “NATO dễ bị đe dọa và tấn công bằng máy tính”. Năm 2007, các hệ thống máy tính Estonia bị tấn công liên tục trong 3 tuần lễ khiến hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Đây là một bằng chứng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, trong đó có sự “đóng góp” của Herman Simm.

Hệ thống Elcrodate,niềm tự hào của Đức, xử lý điện thoại, fax và các đầu mối giao thông liên lạc giữa tổng hành dinh NATO ở Brussels và các nước thành viên của NATO dường như cũng lọt vào tay Nga theo tuần báo Der Spiegel ngày 17-11-2008.

Tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay Simm cũng đã cung cấp cho Nga những thông tin quý giá về sự hợp tác quân sự giữa Estonia và các nước, trong đó có các số liệu mật về mua bán vũ khí.

Theo đánh giá của một số nhà điều tra, “hầu như tất cả mọi thứ” luân chuyển giữa các nước thành viên NATO đều lọt vào tay SVR. Trong số này có cả những bản phân tích mật của NATO về cuộc khủng hoảng ở Kosovo, về cuộc chiến ở Georgia và về hệ thống phòng thủ của NATO.

Những thành viên mới không đáng tin

Từ chuyện siêu điệp viên Herman Simm bị bắt,giới quan sát quốc tế có hai nhận định như sau:

Thứ nhất, cho thấy, sau chiến tranh lạnh, NATO càng nở nồi nhanh về hướng đông gây sức ép lên Liên bang Nga thì càng dễ bị tổn thương. Nó không giống nhưniềm lạc quan của Peter Struck, lúc đó là bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức. Nhân dịp Estonia – một nước nhỏ chỉ có 1,3 triệu dân và 6 nước khác gia nhập NATO và EU năm 2004 -ôngStruck hân hoan phát biểu “NATO đã bước một bước vĩ đại trên con đường tiến tới một châu Âu không thể chia cắt, tự do và an ninh hơn, tiến tới một NATO hùng mạnh hơn”.

Các quan chức NATO so sánh Herman Simm với Aldrich Ames, nguyên cục trưởng Cục Phản gián của CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) nhưng trong thực tế là điệp viên của Nga.

Thật ra, Simm khôngphải là điệp viên duy nhất nằm trong lòng NATO. Trước đây, Rainer Rupp, một người Tây Đức với bí danh “Topaz”, từng cung cấp thông tin mật của NATO cho Stasi, cơ quan mật vụ của Đông Đức.


Herman Simm

Hoặc Pierre-Henri Bunel, một quan chức Pháp, cung cấp cho Nam Tư những kế hoạch ném bom của NATO trong cuộc khủng hoảng Kosovo. Ngoài ra, còn có Daniel James, thông dịch viên riêng của một vị tướng Anh có máu mặt trong NATO, chia sẻthông tin nhạy cảm của các chiến dịch quân sự của NATO ở chiến trường Afghanistan cho Iran.

Tuy nhiên, Herman Simm vẫn được đánh giá là điệp viên nguy hiểm nhất gây tổn thất nặng nề nhất cho NATO.

Thứ hai, vụ án Simm củng cố những mối nghi ngờ từ bấy lâu nay của một vài thành viên chủ chốt của NATO: các nước thành viên mới không hoàn toàn đáng tin cậy. Nạn tham nhũng và hệ thống luật pháp yếu kém của những nước này được coi là những nguy cơ tiềm ẩn cho NATO.

Vì vậy, có thể nói mức thiệt hại do Simm gây ra thật rađã được giới hạn phần nào. Bởi ngay từ đầu, các nước trụ cột của NATO như Mỹ, Anh, Pháp và Đứcđã cẩn thận thanh lọc các dữ liệu trước khi chia sẻ thông tin với 28 nước thành viên của NATO.

Kỳ tới: Những năm tháng huy hoàng

(Theo VĂN ANH // Nguoilaodong Online)

  • Siêu điệp viên Herman Simm: Những năm tháng huy hoàng
  • Trung Quốc 5 lần suýt bị tấn công hạt nhân
  • Sinh ra từ du lịch tình dục
  • Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Paris: 5 bức tranh cực quý đã bị đánh cắp
  • 93 tuổi vẫn sinh con
  • Chung quanh việc di chuyển căn cứ Phư-ten-ma của Mỹ ở Nhật Bản
  • Âm mưu đánh bom ở New York: Ai tài trợ cho Faisal Shahzad?
  • Âm mưu đánh bom ở New York: Tên khủng bố có đôi mắt bồ câu