Với đa số phiếu áp đảo (187/3), ngày 28-10 (giờ Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu lên án cuộc bao vây cấm vận kéo dài 47 năm qua của Mỹ chống Cuba. Đây là năm thứ 19 liên tiếp, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu lên án cuộc cấm vận này. So với năm 2008 (185/3), số phiếu lên án Mỹ đã tăng thêm 2 phiếu. Chỉ có Israel và quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương ủng hộ Mỹ.
Sự kiện số nước ủng hộ Cuba tại LHQ tăng lên hàng năm cho thấy sự phản đối toàn cầu đối với việc Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận chống Cuba và một xu thế đoàn kết với đảo quốc này. Hồi trung tuần tháng 10, chính phủ El Salvador đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, sau gần nửa thế kỷ gián đoạn dưới áp lực của Mỹ. Trước đó hồi tháng 3, Costa Rica cũng có hành động tương tự. Đây là hai quốc gia cuối cùng ở Mỹ Latin nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba.
Ngay cả trong lòng nước Mỹ, ngày càng nhiều chính khách muốn thay đổi chính sách đối với Cuba. Trong một bản báo cáo được đưa ra hồi tháng 2, Thượng nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa – ông Richard Lugar, một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Mỹ, đã nhận định: “Sau 47 năm, lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Cuba đã không đạt được cái mục tiêu gọi là “đem nền dân chủ đến cho nhân dân Cuba”. Thực chất, lệnh trừng phạt đó chỉ khiến người dân Cuba hy sinh nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước”.
Bản báo cáo trên đã cho thấy sự đồng thuận ngày càng lớn giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đòi hỏi cần phải có sự thay đổi trong chính sách đối với Cuba. Đầu tháng này, một dự luật về việc khôi phục quyền của các công dân Mỹ được đi du lịch đến Cuba đã được hai đảng trình lên Hạ viện Mỹ…
Tuy nhiên, trả lời báo giới về sự kiện trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng chưa tới thời điểm để dỡ bỏ cấm vận Cuba”. Washington ra điều kiện, chỉ tới khi nào La Habana bắt đầu có “một số cải cách chính trị, kinh tế và tài chính”, thì họ mới xem xét hủy bỏ cấm vận. Đây rõ ràng là một đòi hỏi, mà theo Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez (trả lời hãng tin AP trước cuộc bỏ phiếu), là hành động ngạo mạn, một tội ác diệt chủng không thể chấp nhận được về đạo đức.
Còn nhớ, ngày 22-8-2007, trong một bữa tiệc tranh cử tại khách sạn Miami Herald, ở thành phố Miami, ông Obama, lúc ấy là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, cho rằng nước Mỹ nên dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Đây là ứng cử viên tổng thống Mỹ đầu tiên đề cập tới việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba vì cho rằng chính quyền của Tổng thống Bush đã mắc sai lầm cả về chiến lược lẫn nhân đạo khi tiếp tục lệnh cấm vận chống Cuba. Với tư tưởng này, ông Obama đã giành thêm được lá phiếu của các cử tri là người gốc Cuba đang sống chủ yếu tại Little Havana, Miami.
Mặc dù từng cam kết sẽ công khai đối thoại với các nhà lãnh đạo Cuba và thay đổi chính sách với Cuba, nhưng đến nay, 10 tháng sau khi trở thành tổng thống, ông Obama vẫn theo đuổi chính sách “đối đầu hơn đối thoại”, “bao vây, ngăn cản hơn là hợp tác, trao đổi” - một xu thế ngược dòng thời đại. Người Mỹ và dư luận thế giới vẫn chưa thấy được một sự thay đổi tích cực và nhân đạo của vị tổng thống nổi tiếng với khẩu hiệu tranh cử đầy thuyết phục “Change - Hãy thay đổi”.
(Theo Xuân Hạnh // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com