Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tháng 7

Mọi con mắt đổ dồn về châu Á Thái Bình Dương trong tháng qua, quan sát hàng loạt cuộc tập trận lớn và một hội nghị an ninh lớn nhất khu vực với sự hiện diện của các cường quốc chủ chốt.

Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF) là hội nghị quy tụ đại diện của Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, hai nước Triều Tiên, ASEAN, và nhiều nước khác. Nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng an ninh ở Đông Á lên cao vì vụ chìm tàu hải quân Hàn Quốc, vì những lời đe dọa lẫn nhau được tung ra liên tục từ các bên liên quan, vì những tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một hội nghị ở Hà Nội. Ảnh: AFP.

Tại Hà Nội, hai nội dung gây chú ý nhất trong hội nghị là vụ chìm tàu Cheonan và tình hình trên biển Đông. ARF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông, khẳng định ủng hộ việc triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC). Tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gây chú ý khi khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí lớn, các tuyến đường biển quan trọng và là nơi Washington có những đồng minh thân thiết.

Trước tình hình căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, đại diện các phái đoàn của Bình Nhưỡng và Washington đều đưa ra các tuyên bố gay gắt nhằm vào nhau. Các bộ trưởng ở ARF bày tỏ sự lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng một phần do kế hoạch tập trận chung giữa hải quân Mỹ và Hàn Quốc, diễn ra từ ngày 25-28/7, sau một thời gian dài trì hoãn. Triều Tiên tuyên bố cuộc diễn tập này là hành động khiêu khích, là màn dạo đầu chiến tranh và đe dọa sẽ trả đũa bằng "vũ lực dựa trên lực lượng phòng vệ hạt nhân". Các bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc khẳng định việc diễn tập là "đưa một thông điệp rõ ràng đến Triều Tiên, rằng những hành động gây hấn của họ phải chấm dứt".

Tàu chiến Hàn Quốc mang tên Choi Young nã đạn trong ngày thứ ba của cuộc diễn tập với hải quân Mỹ ở vùng biển Nhật Bản. Ảnh: AFP/ROKNAVY.

Mỹ và Hàn Quốc huy động lực lượng hùng hậu cho trò chơi chiến tranh trên phần biển phía đông bán đảo Triều Tiên: 200 máy bay chiến đấu, 20 tàu, trong đó có tàu sân bay hạt nhân, 8.000 binh sĩ. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc thậm chí cũng có mặt trên tàu sân bay để úy lạo binh sĩ. Giới quan sát đang hồi hộp chờ đợi phản ứng tiếp theo của Triều Tiên với cuộc tập trận này, bởi họ đã tuyên bố sẽ "tăng năng lực hạt nhân", điều này có thể ám chỉ việc thử hạt nhân lần ba.

Bắc Kinh hồi đầu tháng ra tuyên bố lo ngại rằng cuộc tập trận của Mỹ - lúc đầu dự kiến ở Hoàng Hải (nằm giữa bờ đông Trung Quốc với bờ tây bán đảo Triều Tiên) - gây bất ổn. Và bản thân Trung Quốc tiến hành ngay một cuộc diễn tập đạn thật trên biển vùng biển Hoa Đông, cấm mọi tàu bè trong khu vực. Đây chỉ là một tronghàng loạt cuộc diễn tập quân sự rầm rộ ở Đông Á Thái Bình dương trong tháng qua.

Cũng tại Đông Bắc Á, Nga đã tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong năm, với sự tham gia của 20.000 binh sĩ. Tàu chiến nước này làm sôi sục vùng biển Nhật Bản, trong khi các chiến đấu cơ quần thảo trên bầu trời Siberia. Xa xuống phía nam, tại Hawaii, Mỹ chỉ huy cuộc diễn tập quân sự lớn nhất thế giới, có sự tham gia của chiến thuyền đến từ 14 quốc gia khắp toàn cầu. Mục đích của sự kiện hoành tráng này là nhằm phối hợp tác chiến, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một thảm họa thực sự.

Một binh sĩ lực lượng tuần duyên Mỹ đu dây thừng từ trực thăng MH-60S Seahawk phía trên bong tàu USS Freedom. Con tàu chuyên hoạt động ở vùng duyên hải này đang tham gia tập trận RIMPAC 22. Ảnh: US Navy.

Trong tháng qua thế giới được chứng kiến một biểu hiện ấm lên trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, qua một sự kiện mang đậm dấu ấn thời Chiến tranh Lạnh. Ngày 9/7, tại địa điểm trung gian, cơ quan tình báo của hai cựu thù đã chóng vánh trao đổi 14 điệp viên, kết thúc êm thấm vụ án gián điệp lớn nhất trong hàng chục năm qua.

Kết cục này là có thể dự đoán được, bởi dấu hiệu của nó đã quá rõ ràng từ tháng trước, khi Tổng thống Mỹ Obama nồng nhiệt đón tiếp người đồng nhiệm Medvedev sang thăm. Sau nhiều năm băng giá, mối quan hệ giữa Matxcơva và Washington dường như đang bắt đầu đâm những chồi nụ của mùa xuân mới đến.

Điệp viên nằm vùng tại Mỹ của Nga Anna Chapman (trái); điệp viên người Nga làm việc cho Mỹ Igor Sutyagin. Hai người này ở trong số 10 gián điệp Nga và 4 gián điệp Mỹ được trao đổi. Ảnh:AP.

Sự ấm lên này khiến một số quốc gia Đông Âu, từng ở trong quỹ đạo của Liên Xô và nay là đồng minh với Mỹ, buồn lòng. Không ít quan chức ở Ba Lan và Gruzia lo ngại rằng họ sẽ bị bỏ rơi một khi Washington quay sang tay bắt mặt mừng với Matxcơva. Chính vì thế chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton tới 5 nước ở khu vực này được cho là nhằm trấn an những người bạn châu Âu mới, rằng Mỹ "có thể có được sự hợp tác nào đó mà không cần đóng băng những quan hệ khác".

Cũng tại châu Âu, nước Đức được nhắc đến nhiều trên báo chí thế giới với một chuyện vui và một chuyện buồn. Liên hoan âm nhạc techno lớn nhất châu Âu - Love Parade - trở thành một sự kiện bi thảm khi hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau trong một đường hầm dẫn vào địa điểm chính ở thành phố Duisburg. 19 người chết vì bị giẫm đạp.

Một số người tìm cách leo ra khỏi khu vực lễ hội âm nhạc techno Love Parade, khi sự hoảng loạn lây lan. Ảnh: AFP.

Điều khiến người ta kinh hãi là sự hỗn loạn chết người này lại xảy ra ở một đất nước văn minh nổi tiếng về sự tổ chức và kỷ luật cao. Sau những giây phút kinh hoàng và đau khổ, nỗi phẫn nộ bùng lên với hàng loạt câu hỏi chưa có lời đáp. Báo chí tràn ngập những hồi ức kinh hãi của các nhân chứng. Kết cục là sự kiện âm nhạc thường niên có tuổi đời hơn 20 năm này sẽ không bao giờ diễn ra nữa.

Đầu tháng này, khi vòng chung kết bóng đá thế giới đi đến đoạn cuối cũng là lúccon bạch tuộc Paul ở công viên hải dương Oberhausen thành công rực rỡ trong sự nghiệp bói toán. Trước sự hồi hộp của hàng tỷ người, nó chậm rãi leo vào hộp thức ăn, ngoạm lấy một con mồi và khẳng định đội Tây Ban Nha vô địch. Chuẩn 100%!

Paul vô địch trong lĩnh vực của nó, bỏ xa các đối thủ ăn theo từ vẹt đến cá heo, từ tinh tinh đến lợn rừng. Cơn sốt Paul lan khắp thế giới, nhưng chủ của nhà tiên tri 8 chân cự tuyệt mọi lời mời mọc mua bán, buộc anh chàng bạch tuộc ở lại Đức sống cuộc sống bình yên. Nếu không, chàng đã trở thành ngôi sao sáng trên thị trường chuyển nhượng thế giới.

Thanh Mai//Vnexpress

 

  • Tục nút mũi kỳ quặc của người Apatani
  • Biệt tài 'hóa vàng' của nhà Obama
  • Con tin nổi tiếng nhất thế giới
  • Vén màn sự thật về các đệ nhất phu nhân Mỹ
  • Cựu con tin đòi bồi thường 6,8 triệu USD
  • Cú lừa mang tên Goldman Sachs
  • Kẻ làm “lộ mật” về cuộc chiến Afghanistan của Mỹ
  • Thế giới võ hiệp - Hư và Thực: Kỳ thư trong đao Đồ Long