Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp xúc Mỹ - CHDCND Triều Tiên: Dấu hiệu khởi đầu mới?

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của ông Ri Gun - Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ của CHDCND Triều Tiên tới Mỹ, là cơ hội “thăm dò” để đôi bên đánh giá quan hệ đã thực sự cải thiện tới mức nào.

Ngày 25/10, theo giờ Mỹ, ông Ri Gun, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ của CHDCND Triều Tiên, đồng thời là Phó trưởng đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đã có cuộc tiếp kiến với đặc phái viên của Mỹ về CHDCND Triều Tiên Sung Kim.

Cuộc gặp cấp cao không chính thức này được coi là tín hiệu hòa bình, dấu hiệu cho thấy cả Triều Tiên lẫn Mỹ đang tích cực chuẩn bị đối thoại trực tiếp chính thức. Tuy nhiên, chưa thể nói trước được điều gì trước khi một cuộc thương lượng đa phương chính thức được tái khởi động.

Hãng tin Reuters của Mỹ cho biết ông Ri Gun đã được cấp thị thực vào Mỹ để tham dự diễn đàn Đối thoại hợp tác Đông Bắc Á do Đại học California ở San Diego tài trợ với sự tham dự của các quan chức và học giả về quốc phòng, ngoại giao từ các nước có mặt trong cuộc đàm phán sáu bên với đề tài là an ninh khu vực.

Mặc dù chuyến thăm chỉ mang tính chất cá nhân song chuyến thăm này được đánh giá có thể là một bước tiến tới việc khởi động lại những cuộc thương lượng đa phương về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Minh chứng cho điều này chính là cuộc gặp giữa ông Ri Gun với đặc phái viên của Mỹ về CHDCND Kim Sung. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Noel Clay cho biết “đại diện CHDCND Triều Tiên Ri Gun đã đến Mỹ theo lời mời của các tổ chức tư nhân ở Mỹ. Trong cuộc gặp này, đại sứ Kim Sung sẽ chuyển cho ông ấy quan điểm của chúng tôi về vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân và các cuộc đàm phán sáu bên”.

Chuyến thăm của ông Ri Gun tới Mỹ thực chất đều thể hiện sự nhân nhượng của cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Hiếm khi một quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng đến Mỹ trong suốt thời gian dài vừa qua. Sau khi tái khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Jong Pien và tiến hành thử hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung, CHDCND Triều Tiên đã thực sự rơi vào vòng vây cấm vận của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của Mỹ và đồng minh. Không những thế, các vòng đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã bị đổ vỡ và dường như ít thấy cơ hội được nối lại hơn. Trong khi đó, Mỹ không hề thay đổi các chính sách cứng rắn với CHDCND Triều Tiên. Chính sự cứng rắn này cũng khiến Mỹ đang tự đánh mất các cơ hội đàm phán với CHDCND Triều Tiên và phá hỏng một số thành quả mà chính phủ tiền nhiệm đã đạt được trong vấn đề này. Chính trong lúc bế tắc như vậy, đã đến lúc cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên nhận ra rằng, “mềm dẻo hơn” trong quan hệ song phương sẽ là tiền đề để tiến tới các vòng đàm phán đa phương.  Điều này chứng tỏ, đàm phán là con đường mà các bên muốn hướng tới.

Tuy nhiên, chuyến thăm này cũng chưa đủ để Bình Nhưỡng và Washington xích lại gần nhau hơn.  Mặc dù gần đây Bình Nhưỡng tỏ dấu hiệu sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán sáu bên nhưng lại đưa ra điều kiện phải được đàm phán trực tiếp với Mỹ nhằm sửa chữa “mối quan hệ thù địch về mọi mặt”. Trong khi đó, Washington đã tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng chính quyền của Tổng thống B.Obama vẫn khăng khăng đòi Bình Nhưỡng phải đồng ý quay trở lại bàn đàm phán sáu bên.  

Trong một động thái mới nhất hôm cuối tuần vừa qua, Mỹ đã đóng băng các tài sản của một ngân hàng Triều Tiên và một trong số lãnh đạo của ngân hàng này bị cáo buộc có liên quan tới việc buôn bán tên lửa hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẽ không bao giờ bình thường hóa quan hệ cũng như dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên nếu nước này tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.

Rõ ràng con đường đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ còn gặp nhiều chông gai nữa nếu như cả hai bên không có thiện ý thực chất, đặc biệt Mỹ không ngừng các biện pháp chống lại CHDCND Triều Tiên./.

(Theo Thu Hiền // VoVnews)

  • IMF khuyên châu Á tiếp tục kích thích kinh tế
  • Iran có giúp Mỹ bớt lo?
  • Mexico lại bùng phát dịch cúm mới
  • Afghanistan: Biểu tình phản đối lính Mỹ đốt kinh Koran
  • Obama dỡ bỏ lệnh cấm người nhiễm HIV vào Mỹ
  • Hàn Quốc nối lại viện trợ cho CHDCND Triều Tiên
  • Trung Quốc - Ấn Độ: Nhất trí thu hẹp bất đồng trong vấn đề biên giới
  • “Sóng ngầm” trong quan hệ Nhật - Mỹ