Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng thống Obama nhún nhường với chủ nợ

Sau cuộc gặp các lãnh đạo ASEAN hôm qua (15.11), Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Trung Quốc. Khác với hai vị tổng thống tiền nhiệm, lần này ông Obama tỏ ra “nhún nhường” đối với ông chủ nợ Trung Quốc.

Nghệ nhân Kang Yongguo ở tỉnh Liêu Ninh, khắc hình Tổng thống Obama lên vỏ trứng để chào mừng ông Obama đến Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, cựu tổng thống Bush luôn “quát tháo” Trung Quốc chuyện giữ giá đồng nhân dân tệ, còn cựu tổng thống Bill Clinton “hô hào” Trung Quốc chạy theo các giá trị nhân quyền dân chủ phương Tây. Nhưng hiện tại, Tổng thống Obama chỉ nhỏ nhẹ: “Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc thể hiện vai trò lớn hơn trên trường thế giới, một sự tham gia trong đó nền kinh tế phát triển đi kèm trách nhiệm lớn dần theo”. Trong một phát biểu khác, ông nói: “Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Trái lại, một Trung Quốc giàu mạnh nổi lên có thể là nguồn sức mạnh cho cộng đồng các quốc gia”. Do đó, các chuyên gia chắc chắn trong chuyến đi này, ông Obama không thể “làm khó” ông chủ nợ, vì phải lo giữ mối quan hệ.

Washington cần bao nhiêu, Bắc Kinh cho vay bấy nhiêu

Trong một cuộc họp hồi tháng 7, quan chức Trung Quốc hỏi các đồng nhiệm của Mỹ về đạo luật y tế chính quyền Obama đang cố thuyết phục Quốc hội thông qua. Một quan chức giấu tên cho biết: “Thật ra, họ chẳng quan tâm kế hoạch đó ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ dân Mỹ, họ chỉ quan tâm kế hoạch đó sẽ làm ngân sách Mỹ thâm thủng bao nhiêu, để họ cho Chính phủ Mỹ vay”.

Nói như thế để thấy ông Obama phải dịu giọng, vì Washington đang cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Trong chuyến đi này, chắc chắn Tổng thống Obama sẽ nhắc chuyện Washington muốn Bắc Kinh để đồng nhân dân tệ tăng giá, và chắc chắn Bắc Kinh sẽ mở điệp khúc: “Món nợ quá lớn Trung Quốc đã cho Mỹ vay có thể nguy hại đến lượng ngoại tệ Bắc Kinh đang nắm giữ”.

Trước khi ông Obama lên đường công du châu Á, ngân hàng nhân dân Trung Quốc công bố một báo cáo nói rằng có thể nước này sẽ xem xét lại chính sách tiền tệ, ý nói có thể đẩy giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, trước khi ông Obama đặt chân đến Trung Quốc, Tân Hoa Xã dẫn nguồn các quan chức nước này nói sẽ tiếp tục giữ giá đồng nhân dân tệ. Morgan Stanley bình luận tin này cho thấy Chính phủ Trung Quốc bật đèn xanh rằng sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ, ít nhất là trong thời gian ngắn. Tín hiệu này đập tan mọi hy vọng cho rằng ông Obama có thể thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách tiền tệ. Hy vọng này càng tắt ngúm khi có tin tại kỳ họp APEC trước khi ông Obama đến Trung Quốc, tuyên bố chung đến giờ cuối phải cắt những phần nói về “tỷ giá theo thị trường”, bởi có bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Obama sẽ thất vọng

Ngoài chuyện nợ nần, một trong những chuyện đau đầu nhất ông Obama phải giải quyết với lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vì Mỹ và Trung Quốc là hai nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Chuyện hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Iran, chuyện cuộc chiến ở Afghanistan và Pakistan cũng chiếm nhiều thời gian trong nghị trình.

Giới bình luận cho rằng trong các vấn đề này, ông Obama cũng khó lay chuyển được gì. Ông Victor Cha, giám đốc vụ châu Á trong hội đồng An ninh quốc gia dưới triều đại Bush, dự đoán: “Obama kỳ vọng rất nhiều, tuy nhiên tôi nghĩ Trung Quốc không thể đáp ứng được các kỳ vọng của Obama”. Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt của Nhóm khủng hoảng quốc tế, cũng nhận định tương tự: “Trong khi Mỹ cố ép Trung Quốc nhận trách nhiệm tăng dần như một cường quốc, nhưng Trung Quốc chỉ nhắm vào quyền lợi riêng của mình”.

Chuyến đi hoà giải

Các quan chức Nhà Trắng mấy tháng nay đã chạy ngược chạy xuôi để chuyến đi của ông Obama đến Bắc Kinh và Thượng Hải trở thành hình ảnh chuyến đi hoà giải. Đó cũng là lý do ông Obama phải dịu giọng. Ví dụ, Nhà Trắng từ chối tiếp đức Đạt lai Lạt ma hồi tháng 10 vừa rồi, để khỏi phật lòng ông chủ nợ, trong khi hai đời tổng thống trước đều đón tiếp trọng thể vị Phật sống của Tây Tạng. Trước đây khi còn là ứng viên, ông Obama nhiều lần chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc, nhưng đến tháng 4 vừa rồi, khi đã có thông tin chính thức về chuyến công du Trung Quốc của ông Obama, bộ trưởng Tài chính Timothy F. Geithner phải đính chính bằng một báo cáo nói ngược lại.

Trước chuyến đi của ông Obama, Trung Quốc đã bắt giữ khoảng 30 nhà hoạt động đối kháng. Những người này xin phép được biểu tình khi ông Obama đến để bày tỏ phản đối với Chính phủ Trung Quốc. Ai Weiwei, một nhà bình luận ở Bắc Kinh nói: “Chúng tôi thất vọng vì ông ta không nói gì đến nhân quyền trong chuyến đi này, dù có nhiều người bị bắt vì chuyến đi của ông ta”. Sự im lặng của ông Obama trước hành động này của Trung Quốc và những nhượng bộ trước đó khiến nhiều nhà phân tích cho rằng chuyến đi của ông Obama chủ yếu để làm vui lòng Bắc Kinh hơn là tìm đòn bẩy đạt những mục tiêu cao hơn.

Sự nhún nhường của ông Obama còn làm giới bình luận đặt vấn đề về lịch sử. Trên tờ The Washington Post, hai nhà phân tích Robert Kagan và Dan Blumenthal cho rằng cách đây một thế kỷ, châu Âu suy yếu, thất thế, trung tâm quyền lực thế giới chuyển về Mỹ. Nay sự nhún nhường của Mỹ hình như là dấu hiệu cho thấy lịch sử tái diễn, sức mạnh thế giới đang chuyển về Trung Quốc.

( Theo SGTT Online)

  • Thủ phủ chia buồn!
  • Venezuela vướng nhiều “ải” vào Mercosur
  • Cái giá của “vinh dự lớn”
  • Đòn giáng vào uy tín của Tổng thống Obama
  • Nổi tiếng nhờ giống Hatoyama
  • Tỷ lệ nào thích hợp?
  • Malaysia: Phụ nữ nô nức tới... nhà tù để làm đẹp
  • Bi kịch của kẻ đào tẩu