![]() |
Lao động làm việc tại Malaysia. |
Một năm mang về cho đất nước trên dưới 2 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu lao động được xem là một trong những ngành mang lại giá trị thặng dư cao. Tuy vậy, ngành này hiện đang còn có quá nhiều việc phải hoàn thiện.
Việc Hàn Quốc sẽ tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam vì có quá nhiều lao động bỏ trốn làm nhiều người xót ruột. Đó là thị trường lớn, đem về mỗi năm khoảng 600 triệu đô la Mỹ, bằng gần 1/3 số tiền mà ngành xuất khẩu lao động có được.
Lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp đã có từ năm 2004. Và cho đến hiện tại, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam đến làm việc tại Hàn Quốc, đã có 8.780 lao động không về, ở lại bất hợp pháp. Gần đây nhất, 22 lao động Việt Nam đã bỏ trốn ngay khi đặt chân đến sân bay Hàn Quốc gây bức xúc cho các doanh nghiệp tuyển dụng và cả các cơ quan chức năng của Hàn Quốc.
Vì vậy trong tháng 8 vừa qua, lẽ ra Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tổ chức kỳ thi tiếng Hàn để tiếp tục tuyển lao động sang thị trường này. Nhưng phía Hàn Quốc không đồng ý, và tuyên bố sẽ tạm ngưng vô thời hạn việc tiếp nhận lao động Việt Nam cho đến khi các lao động trên đã được đưa về nước.
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện của Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) cho biết việc lao động Việt Nam bỏ trốn không mới, nhưng từ đầu năm đến nay, 50% số lao động hết hạn về nước đã không về, ở lại bất hợp pháp. Điều này đã khiến cho Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc quyết định tạm dừng kỳ thi hàng năm để phía Việt Nam giải quyết tình trạng này.
Giải thích vấn đề trên, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết các năm trước vẫn chủ yếu là làm việc với gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động để khuyên họ về nước, và hiện chưa có chế tài nào được quy định để phạt những lao động bỏ trốn. Còn việc thu tiền đặt cọc như những thị trường khác để người lao động tuân thủ các quy định thì rất khó, vì lao động sang Hàn Quốc thường là lao động nghèo, kinh tế khó khăn.
Phía Hàn Quốc cũng hứa sẽ tiếp nhận lại lao động Việt Nam chừng nào giải quyết được số lao động bất hợp pháp đã nói trên. Tuy vậy, ông Hải cũng khẳng định việc này không đơn giản vì số lượng lao động ở lại quá lớn, sẽ phải mất nhiều thời gian để đưa về; thêm vào đó, tâm lý của Hàn Quốc cũng cẩn trọng hơn khi muốn nhận lao động Việt Nam.
Như vậy, cửa vào thị trường Hàn Quốc của lao động Việt Nam sẽ bị thu hẹp chưa biết đến bao giờ.
Trao đổi với TBKTSG về tìm kiếm thị trường thay thế Hàn Quốc, ông Hải cho rằng nên tuyên truyền để người lao động đi Malaysia vì điều kiện tuyển chọn dễ dàng, còn việc tìm thị trường mới thì hiện nay rất khó. Bên cạnh đó nhiều nước cũng đang thiếu việc làm cho lao động nước họ cùng với việc lao động Việt Nam không đủ điều kiện tay nghề, ngoại ngữ nên việc tìm kiếm thị trường mới thay thế cho Hàn Quốc là chưa thực hiện được.
Trong 3 năm qua, không một thị trường mới nào được giới thiệu, ngoài những cái tên đã cũ như Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Hiện tại đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động lao đao vì chi phí tìm kiếm lao động ngày càng cao, trong khi cửa vào các thị trường lớn ngày càng thu hẹp.
Cục Quản lý lao động ngoài nước trước đây từng cho biết sẽ cố gắng hơn trong việc đào tạo nghề để có thể giúp lao động đến các thị trường có thu nhập cao.
Nhưng rồi thực trạng hiện nay đối với thị trường Nhật Bản vốn mỗi tháng mang về cho một thực tập sinh khoảng 1.200 đô la Mỹ (trong khi với thị trường Malaysia, mỗi lao động nhận được khoảng 300 đô la) lại không có lao động để cung ứng.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Thạnh, Phó giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Suleco, TPHCM, Nhật Bản tuyển những lao động có tay nghề như cơ khí, may mặc, điện tử, tức cũng không khác với Malaysia, nhưng đòi hỏi tay nghề phải giỏi, ngoại ngữ phải giao tiếp được. Như vậy, không phải chỉ có kỹ sư, hay những người đã tốt nghiệp đại học thì mới có thể đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, nhưng kể cả với việc đào tạo các nghề thông dụng như trên thì Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được.
Thời gian đào tạo nghề trước khi đi làm việc nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là từ 3 đến 6 tháng, trong khi đó, để có tay nghề đạt yêu cầu của phía tiếp nhận thì lao động phải được đào tạo bài bản hơn, và như vậy chi phí học tập cũng tăng cao, công tác dạy nghề, máy móc thiết bị cũng phải cải tiến.
Tuy vậy, nói như giám đốc của một doanh nghiệp xuất khẩu thì việc dạy nghề cho lao động trong nước còn chưa đến đâu thì nói chi đến việc dạy nghề cho lao động xuất khẩu. Và lời hứa của Cục quản lý lao động ngoài nước về chuyện này không biết có trở thành hiện thực không và nếu có thì đến bao giờ?
Nói chuyện qua điện thoại với TBKTSG Online, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng trong khi lao động xuất khẩu từ Philippines mỗi năm mang về cho nước họ hơn 10 tỉ đô la Mỹ, thì việc Việt Nam chỉ thu được 2 tỉ đô la từ ngành này là thấp.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com