Nhiều nhà máy của Malaysia lại có nhu cầu lớn về lao động nhập cư. |
Năm 2010 được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhận định là năm của thị trường “vàng” một thời, Malaysia.
Giảm 90% trong năm 2009
Sau một số trục trặc cuối năm 2007 và khủng hoảng kinh tế 2008 đã khiến thị trường tiếp nhận lao động số một của Việt Nam một thời là Malaysia bị ảnh hưởng tiêu cực và gần như “đóng cửa”. Phía nước sở tại đã ban hành chính sách tạm ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài ở một số lĩnh vực. Trong nước, lao động cũng không mấy “mặn mà”.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2009, cả nước đưa được 75.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 83 % kế hoạch. Trong đó, Malaysia, thị trường “vàng” xuất khẩu lao động của Việt Nam một thời chỉ đưa được chưa đến 3.000 lao động.
Trao đổi với VnEconomy, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, một trong những nguyên nhân khiến chỉ tiêu của 2009 không thực hiện được chính là chúng ta đã để mất đến 90% lao động ở thị trường Malaysia so với năm 2007.
Thực tế từ trước đến nay, đây là thị trường mà các doanh nghiệp đưa đi được nhiều lao động nhất, cũng là thị trường có số lượng doanh nghiệp khai thác rất lớn (trên 100 doanh nghiệp). Tuy nhiên, trong năm 2009, phần lớn số doanh nghiệp này "đứng yên", số doanh nghiệp đưa lao động đi “nhỏ giọt” cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
"Nếu như năm 2007, cả nước đưa được gần 3 vạn lao động sang Malaysia, thì năm 2009, chúng ta gần như thất bại ở thị trường này khi chỉ dừng lại ở con số 3.000 lao động”, ông Hải nói.
Triển vọng 2010?
Ngoài khủng hoảng tài chính khiến các thị trường thu hẹp nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư thì nguyên nhân chính khiến số lao động đưa đi Malaysia sụt giảm nghiêm trọng vẫn là ở tâm lý của người lao động, chê thu nhập thấp.
Vì thế, theo ông Nguyễn Xuân An, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, cần đẩy mạnh tuyên truyền, coi Malaysia là thị trường trọng điểm của năm 2010.
Ông An giải thích, với những thị trường được coi là thu nhập cao thì lao động Việt Nam gần như không đủ điều kiện. Các thị trường “bình dân” (gồm Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Lybia) thì không có thị trường nào mà điều kiện tiếp nhận lao động dễ dàng, chi phí lao động phải bỏ ra ban đầu thấp, doanh nghiệp không mất nhiều thời gian tìm kiếm hợp đồng như Malaysia.
Đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cũng khẳng định, giai đoạn khó khăn của khủng hoảng đã đi qua, kinh tế Malaysia đang phục hồi và đi vào ổn định. Nhu cầu tiếp nhận lao động nhập cư lại tăng mạnh trong các doanh nghiệp, nhà máy nước này. Ngoài ra, kế hoạch đầu tư, phát triển hành lang kinh tế phía Bắc và vùng duyên hải của Chính phủ Malaysia đến năm 2015 cũng khiến nước này cần nhiều lao động nước ngoài sang làm việc. Đây chính là thời cơ cho lao động Việt Nam.
Trong nước, nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường Malaysia đều cho rằng, họ bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng, hợp đồng từ phía đối tác Malaysia.
Ông Nguyễn Quốc Hán, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Cát cho biết, từ giữa năm 2009 doanh nghiệp ông đã ký được nhiều hợp đồng với đối tác về nhiều lĩnh vực như điện tử, xây dựng, sản xuất…
Đặc biệt, với các hợp đồng nói trên, lao động không phải bỏ bất cứ khoản chi phí nào trước lúc đi. Lao động sẽ thanh toán phí dịch vụ sau khi làm việc và có thu nhập tại doanh nghiệp tiếp nhận.
Đánh giá về thị trường triển vọng 2010, ông Đào Công Hải khẳng định Malaysia là thị trường được đánh giá là tiềm năng đối với lao động Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là với người nghèo, vùng nông thôn không có tay nghề.
Ông Hải cũng cho biết, với mức thu nhập 3,4 triệu đồng/tháng, thị trường Malaysia đang được Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa vào chương trình hỗ trợ 62 huyện nghèo xuất khẩu lao động.
(Theo Vũ Quỳnh // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com