Các doanh nghiệp đang thực hiện tăng năng suất lao động bằng cách yêu cầu một lao động làm thêm nhiều việc hơn. |
Nhân công giá rẻ đang tác động ngày càng mạnh đến kết quả kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp. Nhưng theo chiều nào?
Tờ báo nước ngoài The Richest mới đây đã đưa thông tin: Việt Nam trong nhóm 5 nước có giá lao động rẻ nhất thế giới với 0,39 USD/giờ. Trong thực tế giá nhân công tại Việt Nam có rẻ như vậy?
Lương và thu nhập
Với mức lương như tờ The Richest công bố là 0,39 USD/giờ, mức lương lao động Việt Nam sẽ nhận được là 1,687 triệu đồng/tháng (1 ngày làm việc 8h và làm 26 ngày mỗi tháng). Mức lương này tương đương với lương tối thiểu đang áp dụng trong các doanh nghiệp tại vùng 4 (1,650 triệu đồng/tháng). Vùng 4 là những địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa, kém phát triển nhất, còn lại các vùng 1, 2, 3 mức lương tối thiểu từ 1,8 đến 2,350 triệu đồng/tháng.
Tại Việt Nam, hệ thống lương tương đối phức tạp. Thực tế cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa lương tối thiểu với lương cơ bản và thu nhập của người lao động. Lương tối thiểu chỉ là mức sàn để bảo vệ những lao động yếu thế trong điều kiện làm việc bình thường giản đơn nhất và chỉ là căn cứ để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Lương cơ bản là mức lương được tính bằng lương tối thiểu nhân với hệ số và cộng thêm các loại phụ cấp nếu có (phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại…). Thu nhập được tính bằng lương hàng tháng cộng thêm các khoản thu nhập khác từ làm thêm giờ hoặc ngoài giờ của người lao động. Như vậy, công bố của tờ The Richest dựa theo lương tối thiểu của người lao động tại vùng 4 là chưa phản ánh được tình hình thực tế của giá nhân công tại Việt Nam. Trong thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải chi trả chi phí nhân công cao hơn nhiều.
Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tiền lương của công nhân tại 10 tỉnh, thành phố vào tháng 6 và 7/2012 cho thấy, tổng thu nhập trung bình của người lao động là 3,623 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập thực tế của người lao động tại vùng 1 (các thành phố lớn) là 4,232 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,787 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,495 triệu đồng/tháng và vùng 4 kém phát triển nhất là 3,001 triệu đồng/tháng. Ví dụ như tại tỉnh Đồng Nai, theo ông Đoàn Văn Đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh này, mức lương trung bình của người lao động là 3,8 triệu đồng/tháng. "Doanh nghiệp trả mức lương thấp rất khó tuyển được lao động và phải chịu sự biến động nhân công thường xuyên", ông Đây nói. Người lao động khi tìm được những công việc có mức lương cao hơn tại doanh nghiệp khác đã sẵn sàng chuyển việc. Do vậy, để giữ chân người lao động, ngoài việc điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định, doanh nghiệp đã chi thêm các khoản khác như: phụ cấp xe đưa rước lao động, phụ cấp ăn trưa, chuyên cần (50.000 - 100.000 đồng/tháng/người), phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nhà trọ…
Thuận lợi và cản trở
Ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thừa nhận, việc duy trì chính sách lương thấp trong nhiều năm liền đã góp phần thu hút đầu tư, thể hiện ở việc gia tăng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào nước ta hàng năm và số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới hàng năm cũng tăng. Tuy nhiên, mặt bằng tiền lương ở Việt Nam đã liên tục tăng kể từ năm 1993 trở lại đây sau 11 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này cho thấy chính sách duy trì tiền lương thấp nhằm thu hút đầu tư vào nước ta đang có xu hướng bị phá sản. Đời sống của người lao động bị giảm sút trước áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng đã sinh ra những cuộc đình công xảy ra liên tục hàng năm.
Mặt bằng lương ở Việt Nam đã liên tục tăng kể từ năm 1993 trở lại đây sau 11 lần điều chỉnh lương tối thiểu. |
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, việc liên tục nâng mặt bằng tiền lương đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế liên tục phải tăng chi phí nhân công. Để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động, tỷ lệ tăng lương phải tương đương với tỷ lệ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, tỷ lệ tăng lương hàng năm luôn cao hơn 10%, thậm chí là 20%, trong khi năng suất lao động chỉ tăng khoảng 3,5- 5%. Rõ ràng phần thiệt đang thuộc về doanh nghiệp.
Trước tình thế đó, cắt giảm chi phí nhân công, giảm quy mô lao động là lựa chọn của doanh nghiệp. Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố cho thấy, quy mô lao động trong doanh nghiệp đã giảm từ 31 lao động/doanh nghiệp vào năm 2002 xuống còn 22 lao động/doanh nghiệp vào năm 2011. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, hiệu quả sử dụng lao động trong xu hướng giảm, trong giai đoạn 2002- 2007, cứ 1 đồng lương được trả, người lao động mang về 18 đồng doanh thu cho doanh nghiệp, nhưng đến giai đoạn 2008- 2009 giảm chỉ còn 16 đồng và đến năm 2011 tăng nhẹ lên 16,7 đồng.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, hàng tồn kho tăng cao như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang thực hiện cắt giảm nhân công và tăng năng suất lao động bằng cách không tăng lương mà yêu cầu một lao động làm thêm nhiều việc hơn so với trước đây. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực, công nghệ chậm được cải thiện do tận dụng nhân công giá rẻ đã khiến cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao hiệu quả trở nên chậm chạp và khó khăn hơn.
(Theo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com