Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 18 đã nhấn mạnh việc hợp tác giữa các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh lương thực và đối phó với với tình trạng giá lương thực tăng hiện nay. Nói đến lương thực là nói đến một phần quan trọng của nông nghiệp. Trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, sự tăng dân số... nông nghiệp ngày càng xác lập vị trí quan trọng đối với các nước, đặc biệt đối với nước thu nhập trung bình thấp và đông nông dân như nước ta.
Nhưng như một “quán tính” trong việc phát triển GDP, từ trước đến nay, khi xây dựng kế hoạch, các địa phương đều hoạch định tăng tỷ lệ đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ và giảm tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này phù hợp với một số ít tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế, sản xuất nhiều hàng hóa, có đầu mối giao thông quan trọng, thu hút được nguồn vốn FDI cao... nhưng không phù hợp với các địa phương miền núi và đồng bằng. Đây là hệ quả của việc các địa phương cứ hoạch định sự phát triển theo một công thức như một cái “khuôn” có sẵn mà không xuất phát từ đặc điểm kinh tế của vùng miền và từng địa phương cụ thể.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng bình quân của sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 chỉ khoảng trên 3%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là đất nông nghiệp mất đi rất nhiều do chủ trương công nghiệp hóa dàn trải khắp các tỉnh, thành, trong đó đất dành cho cụm công nghiệp, khu công nghiệp rất lớn.
Nhiều khu công nghiệp bị bỏ hoang do không có hoặc có quá ít nhà đầu tư, bị quy hoạch “treo”, bị nông dân khiếu kiện liên miên vì di dời nhà cửa, mất đất sản xuất mà không được đền bù thỏa đáng. Trong vài năm gần đây, mỗi năm có trên 70.000 héc ta đất nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đã có nhiều thất bại đắng cay trong việc “công nghiệp hóa” trong đó điển hình là Hà Giang, một tỉnh miền núi nghèo nhất nước, muốn “ công nghiệp hóa toàn tỉnh”, xây dựng hàng loạt cơ sở sản xuất rồi bỏ phế.
Hiện nay, 70% dân số nước ta ở nông thôn và ba phần tư của con số đó là lao động nông nghiệp, chiếm 53% lao động cả nước. Tại nhiều tỉnh đang có tình trạng nông dân bỏ ruộng, không còn thiết tha với đất đai, vì lợi nhuận sản xuất sụt giảm. Nông dân vẫn sống bấp bênh và dễ tổn thương mặc dù nông nghiệp và nông thôn ngốn không ít ngân sách đầu tư của Nhà nước.
Phải chăng đã đến lúc phải có cái nhìn mới về nông nghiệp và vị trí nông nghiệp của nước ta trong công cuộc phát triển kinh tế và trong bối cảnh thiếu lương thực đang đặt ra trên thế giới. Có nhất thiết các tỉnh nghèo, có đông nông dân, sống bằng ngân sách phải giảm tỷ lệ GDP đóng góp từ nông nghiệp và tăng GDP phát triển công nghiệp không? Nếu tư duy theo cách này thì tỉnh nào cũng muốn có khu công nghiệp, có sân golf, có trung tâm thương mại... mà không quan tâm đến lợi thế và nguồn lực của địa phương, không quan tâm phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất giống, phân bón, công cụ sản xuất...) góp phần thiết thực cho phát triển nông nghiệp.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com