Ngày 3-3, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo công bố một số báo cáo kiểm toán đã thực hiện trong năm 2010 và kế hoạch kiểm toán năm 2011. Kết quả kiểm toán việc triển khai 2 gói kích thích kinh tế của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất (HTLS) và giãn, giảm, hoàn thuế đã thực hiện trong 2 năm 2008 và 2009 đã được KTNN công bố.
|
Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Hậu |
"Lợi ích kép" từ các gói kích thích kinh tế Trong bối cảnh
kinh tế thế giới suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã quyết định dành 1 tỷ USD, tương đương 18.000 tỷ đồng để triển khai các gói kích thích kinh tế trong 2 năm 2008 và 2009. Hiệu quả các gói kích thích kinh tế và số tiền hỗ trợ của Chính phủ được giải ngân ra sao đã được làm rõ. Theo báo cáo của KTNN, tính đến ngày 31-12-2009, số tiền Nhà nước HTLS cho các tổ chức, cá nhân là 11.178 tỷ đồng (tương đương 621 triệu USD). Ngân hàng Nhà nước mới tạm ứng từ Quỹ dự trữ ngoại hối cho các tổ chức tín dụng 362 triệu USD (tương đương 6.218 tỷ đồng).
Qua kiểm toán 136 đầu mối trong năm 2010, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 17.059 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu 4.927 tỷ đồng, giảm chi 2.517 tỷ đồng. Phát hiện các khoản nợ đọng tăng thêm 698 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 7.849 tỷ đồng, các khoản xử lý khác 1.068 tỷ đồng. KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hủy bỏ trên 40 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và ban hành một số chính sách phù hợp với quy định của pháp luật. |
Chính sách HTLS do Chính phủ triển khai đã thu được hiệu quả rõ nét. Trên thực tế, chi phí lãi vay năm 2009 của phần lớn doanh nghiệp (DN) chỉ bằng 40-50% so với thực tế. Qua đó, giúp DN giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, những khoản vay trung và dài hạn đã tạo thêm động lực kích thích đầu tư, tiêu dùng, góp phần quan trọng ngăn ngừa suy giảm kinh tế.
Kết quả kiểm toán công tác quản lý thu thuế tại Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cho thấy, trong năm 2008 đã thực hiện giảm 1.106,9 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2009 đã tạm hoàn 4.163 tỷ đồng tiền thuế; miễn giảm thuế và lệ phí trước bạ 13.708 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng: 53.362,9 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế 18.121,8 tỷ đồng…
Nhận xét về việc triển khai các gói kích thích kinh tế, Tổng KTNN Vương Đình Huệ cho biết, trên thực tế, gói HTLS chưa giải ngân hết theo kế hoạch dự kiến, gói hỗ trợ về thuế lại thực hiện vượt kế hoạch. Nguyên nhân là do số đối tượng đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ về thuế nhiều hơn so với dự kiến. Song chính việc hỗ trợ thuế cho DN kịp thời, vào đúng giai đoạn kinh tế khó khăn đã giúp bồi dưỡng nguồn thu, góp phần giúp tổng thu NSNN năm 2010 tăng trên 20% so với dự toán pháp lệnh, tạo nguồn lực quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, báo cáo của KTNN cũng chỉ rõ những sai phạm xảy ra trong quá trình triển khai các gói kích thích kinh tế. Qua kiểm toán việc thực hiện gói HTLS, KTNN đã phát hiện các tổ chức tín dụng HTLS sai quy định 51,456 tỷ đồng. Bản thân các tổ chức tín dụng tự kiểm tra, phát hiện được 207,286 tỷ đồng chi sai quy định. Tại gói hỗ trợ DN thông qua chính sách giãn, giảm, hoàn thuế, đã phát hiện số thuế GTGT giảm không đúng đối tượng là 104,9 triệu đồng, kiến nghị xử lý truy thu 682,9 triệu đồng. Về thuế TNDN, đã phát hiện nhiều DN kê khai thiếu thu nhập, xác định số thuế được giảm không đúng và kiến nghị xử lý truy thu 15,490 tỷ đồng…
Sẽ kiểm toán nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn
Theo KTNN, năm 2011 sẽ kiểm toán nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trong đó có Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu. Riêng hai tập đoàn Than - Khoáng sản và Điện lực được kiểm toán do yêu cầu bức thiết của thực tế nhằm thẩm định lại các chi phí và làm rõ câu hỏi vì sao than, điện phải tăng giá. Tại chuyên đề kiểm toán về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, sẽ kiểm toán tại các đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua đó trả lời những thắc mắc của dư luận và chính các DN xung quanh việc sử dụng quỹ này.
Theo kế hoạch, năm 2011, tổng số đầu mối kiểm toán do KTNN thực hiện là 151, trong đó có 34 tỉnh, TP trực thuộc TƯ, 20 bộ, ngành và kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2010 tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư. 39 dự án đầu tư sẽ được kiểm toán trong đó có dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, dự án Xây dựng cầu Cần Thơ. KTNN sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm tăng tính chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng kiểm toán.