Bộ Nội vụ đang tiến hành tổng kết chương trình cải cách hành chính 2000 – 2010. Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc Jairo Acuna Alfaro trao đổi với SGTT về chủ đề này.
Có ý kiến nhận định rằng, nền hành chính đã không theo kịp với cải cách kinh tế ở Việt Nam. Ông bình luận như thế nào?
Khu vực tư nhân thích nghi nhanh hơn, và có nhu cầu luôn thay đổi để có thể tồn tại và cạnh tranh được. Họ có những lợi ích để cải tiến, cải cách; vì thế tốc độ thay đổi của họ nhanh hơn. Rõ ràng, khu vực tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Còn khu vực công cũng đang thay đổi, nhưng những tiến bộ đó chậm hơn rất nhiều. Tôi đồng ý với một nhận xét là trong một cơ quan công vụ chỉ có 30% có năng lực và thực sự làm việc, 30% khác làm vừa phải; và 30% không làm gì cả. Vấn đề là làm thế nào để 30% làm việc tốt đấy có ảnh hưởng đến 60% còn lại. Họ cần được khuyến kích và là động lực cho số còn lại làm theo. Nhưng có 3 vấn đề chính phủ cần giải quyết: lương, lợi ích, và môi trường làm việc. Khi tuyển dụng và cất nhắc công chức thì phải dựa vào năng lực, thay vì thân quen như hiện nay.
Tóm lại, tình trạng trì trệ hiện nay ở các cơ quan nhà nước kế thừa từ thời kế hoạch hoá tập trung. Tình trạng này tồn tại khá lâu và chưa có điều kiện thoát ra vì thiếu cơ chế cạnh tranh trong khu vực nhà nước. Sự phát triển của khu vực công chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu của khu vực tư là như thế.
Ông có nhìn thấy những động thái gần đây của nhà nước trong việc cho phép khu vực tư nhân cung cấp những dịch vụ công, ví dụ như cho làm công chứng hay không?
Tôi không biết nhiều về việc này. Nhưng vai trò của khu vực nhà nước là tạo môi trường cho phát triển, nên bất kỳ sáng kiến, hay cải cách của khu vực nhà nước giúp cho khu vực tư nhân phát triển thì đều là sáng kiến tốt. Vấn đề là khu vực nhà nước tốt nhất nên để lại một số lĩnh vực cho khu vực tư nhân làm.
Cấp lãnh đạo cao nhất có quyết tâm cải cách hành chính rất lớn. Người dân thì có nhiều phàn nàn về tốc độ cải cách hành chính chậm. Tuy nhiên, ở giữa, tức là cấp thừa hành thì chuyển rất chậm. Vấn đề là lãnh đạo thế nào mà cấp dưới không thực hiện... |
Ông nhấn mạnh đến vấn đề cải cách hệ thống lương, nhưng dường như đây là điểm ngoài khả năng của nhà nước rồi?
Tôi cũng đồng ý đó là một thất bại, nhưng cơ cấu tiền lương hiện nay tạo ra tiêu cực đối với hiệu quả làm việc của công chức. Chỉ có 30% thu nhập của công chức là từ nguồn chính phủ, còn lại là từ các nguồn khác, có cái hợp pháp, có cái không hợp pháp. Ta phải tìm ra được điều gì đã khuyến khích hành vi tìm kiếm nguồn thu nhập từ các nguồn khác thông qua vị trí công việc của mình. Vì sao công chức vào được một vị trí và từ vị trí đó họ tìm cơ hội kiếm chác ngoài lương. Đây là vấn đề lớn của hệ thống công vụ hiện nay.
Theo quan sát của ông thì hiện tượng ông nêu có phổ biến hay không?
Đây là câu chuyện mà tất cả chúng ta có thể nhìn thấy được ở Việt Nam. Một người trẻ tuổi có năng lực, có động cơ gì để vào làm nhà nước? Có phải là lương cao không, hay là mưu cầu công việc nhàn hạ mà vẫn có thu nhập khác ngoài lương. Tôi nghĩ chính phủ cần chấm dứt hiện tượng này vì nó không đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng thời gian qua. Nhiều người ở khu vực công chỉ lo tìm những nguồn lợi khác mà bỏ bê công việc chính của mình đúng như trách nhiệm của họ.
Lãnh đạo cao cấp dường như rất quyết tâm thúc đẩy cải cách hành chính, nhưng cấp thừa hành lại chưa làm theo tinh thần đó. Ông có nghĩ đây là khó khăn lớn trong cải cách hành chính?
Đó thực sự là một vấn đề. Cấp lãnh đạo cao nhất có quyết tâm cải cách hành chính rất lớn, Và người dân thì có nhiều phàn nàn về tốc độ cải cách hành chính chậm. Tuy nhiên, ở giữa, tức là cấp thừa hành thì chuyển rất chậm. Cái này thì tôi khó hiểu. Nhưng đó chính là vấn đề của lãnh đạo. Lãnh đạo thế nào mà cấp dưới không thực hiện tốt thì trong dây chuyền chỉ đạo có vấn đề.
(Theo Tư Giang // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com