Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ trong năm 2008 đạt 15,21%, có sự đóng góp rất lớn từ phía doanh nghiệp (DN) với khoảng 60% tổng thu ngân sách. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) chiếm hơn 27%. Theo số liệu thống kê năm 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế nhà nước đạt 7%/năm, khu vực KTTN 21,2%/năm. Mới đây, tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Vì sao kinh tế tư nhân ở ĐBSCL chưa phát triển” do thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo TP Cần Thơ đã có chung nhận định: để các DN thuộc khu vực KTTN phát triển bền vững, cần sự nỗ lực từ chính quyền và bản thân DN...
THÁCH THỨC...
Hiện nay, thành phố có khoảng 7.300 DN vừa và nhỏ (DNVVN). Hiện tại, DNVVN góp phần giải quyết việc làm cho trên 50% tổng số lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2008 DNVVN ở TP Cần Thơ và ĐBSCL đang gặp 5 trở ngại chính làm cản trở sự phát triển như: vốn, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, lao động, nhân lực và thuế. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế thế giới cũng tác động rất lớn đến đối tượng này; nguy cơ phá sản, sáp nhập DN có thể diễn ra nhanh chóng, nếu DN không khai thác tốt nguồn lực và thị trường.
Qua kết quả PCI 2008, ở chỉ số thành phần chính sách phát triển khu vực KTTN, TP Cần Thơ đạt 4,05 điểm (giảm 2,81 điểm so với năm 2007). Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, việc mở rộng cho thành phần KTTN tham gia cung cấp dịch vụ công trong thành phố đạt nhiều kết quả khả quan. Chất lượng dịch vụ xúc tiến xuất khẩu và hội chợ thương mại ở mức khá, các ấn phẩm giới thiệu thông tin về khách hàng trong và ngoài nước tương đối tốt. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ công liên quan trực tiếp đến DN chưa được đánh giá cao và còn nhiều hạn chế. Cụ thể: chỉ 23,78% DN đánh giá tốt chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin thị trường (xếp thứ 20 cả nước và thứ 7 trong khu vực ĐBSCL); 30% DN hài lòng chất lượng dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, đầu tư (xếp thứ 11 trong khu vực). Chỉ 18,42% DN đánh giá tốt chất lượng, chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp cho DNVVN (xếp 45 cả nước và thứ 8 khu vực). Trong đó, hai chỉ số dẫn đầu ở khu vực ĐBSCL là chất lượng dịch vụ công nghệ và các dịch vụ liên quan đến công nghệ; số lượng DN dân doanh tham gia cung cấp dịch vụ công trong địa phương.
![]() |
Công nhân Cơ sở Cơ khí Năm Sanh, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt đang sản xuất máy gặp đập liên hợp. |
Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, phản ánh: “Phải nhìn nhận TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến trong việc cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo quan tâm đến kiến nghị của DN, nhưng việc triển khai thực hiện còn rườm rà và một số cán bộ chưa sẵn sàng phục vụ DN. Nhiều DN, cá thể trong quá trình khởi sự kinh doanh, triển khai hoạt động sản xuất luôn chậm do vướng ở khâu mặt bằng sản xuất, giá thuê đất, các qui trình thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, chính sách về thuế, thông tin về thị trường... Hàng loạt vấn đề trên làm giảm khả năng phát triển của DN và khi chi phí đội trần, DN rất khó giảm giá thành sản phẩm; cá nhân khó mở rộng qui mô kinh doanh. Hệ quả là khả năng của cạnh tranh của khu vực KTTN kém”.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Các chủ trương và chính sách hỗ trợ cho các DN phát triển vẫn còn khó khăn trong quá trình triển khai và thực thi. Sự kết nối giữa các khu vực hành chính công với khu vực KTTN trên cơ sở chia sẻ, đồng thuận về trách nhiệm chưa thực sự bền vững và chặt chẽ. Do vậy, khó khăn của DN trong quá trình hoạt động kinh doanh chậm được phản ánh và hỗ trợ. Mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhưng trên thực tế, còn tồn tại một bộ phận cán bộ, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ cho DN”. Tuy nhiên, bản thân DN, cá nhân thuộc khu vực KTTN ít nhiều chưa hiểu biết một cách đầy đủ về chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý hành chính công, cũng như chủ trương, chính sách và các biện pháp hỗ trợ cho họ. Do đó, hiệu quả của các chủ trương và chính sách hỗ trợ khi triển khai bị hạn chế.
CHỦ ĐỘNG GỠ KHÓ
Ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho rằng: “Hoạt động cải cách thủ tục hành chính, các chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ DN.... ảnh hưởng nhất định đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, vấn đề này phải lâu dài, không thể một sớm một chiều mà có ngay kết quả và thường độ trễ của những hoạt động này phải sau vài năm. Còn việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được thực hiện từ nhiều phía, cả cơ quan quản lý nhà nước và DN. Thay vì phàn nàn, DN cần đóng góp ý kiến nhiều hơn và tham gia các chương trình, hoạt động của địa phương”. Theo ông Nguyễn Hữu Đệ, việc phát triển KTTN phải được tiến hành từ hai phía. Sự chủ động của người có ý định khởi sự DN và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển KTTN của địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ các hiệp hội phát triển để tăng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khu vực KTTN. VCCI Cần Thơ đang tìm hiểu những vấn đề DN gặp khó khăn nhất để đưa ra chương trình hành động phù hợp. Về lâu dài, VCCI Cần Thơ sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, kiến thức quản lý cho DN trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh, cho biết: “Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần đơn giản và thông thoáng. Tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách ưu đãi của Trung ương và thành phố, tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng... Mặt khác, hỗ trợ DN đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đối tác... nhằm khai thác các tiềm năng và tạo cơ hội kinh doanh tại địa phương. Để làm được điều này, cần sự hợp tác chặt chẽ từ DN và khu vực công cộng. Việc đánh giá hiệu quả của cải cách hành chính nhằm tìm kiếm các biện pháp cụ thể để nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên trong bộ máy quản lý, đặc biệt những bộ phận liên quan đến chính sách về đất đai, thuế, các qui trình thủ tục kinh doanh và đầu tư. Thành phố đang tập trung trong công tác quản lý về sử dụng đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; qui trình, thủ tục cấp phép đầu tư và kinh doanh, thủ tục giao đất cho nhà đầu tư, chính sách thuế, tiền sử dụng đất... nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu của DN cũng như các tầng lớp nhân dân trong xã hội”.
TP Cần Thơ với vai trò trung tâm của vùng đang nỗ lực để khẳng định vị trí đầu tàu trong phát triển kinh tế- xã hội, thương mại- dịch vụ, giáo dục- đào tạo... Hiện nay, sân bay Cần Thơ đang khai thác đường bay trực tiếp Cần Thơ- Hà Nội; trong tương lai sẽ có những chuyến bay nối TP Cần Thơ với các trung tâm kinh tế- thương mại, văn hóa lớn của cả nước và quốc tế tạo điều kiện để thành phố phát triển. Đồng thời, thúc đẩy việc đầu tư và hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng tại TP Cần Thơ và khu vực. Vì vậy, sự nỗ lực của chính quyền và DN sẽ là điều kiện cần và đủ để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN TP Cần Thơ phát triển bền vững.
( Theo báo Cần Thơ online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com