Lãng phí ưu đãi
Tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA), Việt Nam có một lợi thế đáng kể: 6 thành viên cũ cam kết hạ giá thuế suất xuống 0-5% trước Việt Nam 3 năm. Đây là cơ hội rất thuận lợi nhằm đẩy mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước này. Đồng thời, để thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các quốc gia thành viên ASEAN, 6 thành viên cũ sẽ dành hệ thống ưu đãi hội nhập ASEAN (AISP) cho các nước mới gia nhập, trong đó có Việt Nam. Các mặt hàng này sẽ được hưởng ngay mức thuế ưu đãi, không phải chờ đến khi chuyển vào danh mục cắt giảm thuế. Tuy nhiên, những ưu đãi này hiện các doanh nghiệp Việt Nam hầu như vẫn chưa tận dụng được.
Một ví dụ rõ nhất là, những mặt hàng được nhận ưu đãi trên khi làm thủ tục xuất nhập khẩu phải sử dụng Form D. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tỷ lệ sử dụng mẫu này của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đến 10%. Từ khi mức giảm thuế được áp dụng (ngày 1-1-2006) thì kim ngạch hàng xuất khẩu của ASEAN vào nước ta luôn tăng rất cao, từ 9,3 tỷ đô-la Mỹ năm 2005 lên 12,5 tỷ năm 2006 và 15,9 tỷ năm 2007, nghĩa là mỗi năm nhập khẩu từ nhóm thị trường này tăng 3 tỷ. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này lại tăng thấp, trung bình chỉ 1 tỷ đô-la mỗi năm (năm 2005 là 5,7 tỷ, năm 2006 là 6,4 tỷ và năm 2007 là 7,8 tỷ). Điều này khiến nhập siêu của Việt Nam với ASEAN luôn tăng cao: từ 3,6 tỷ đô-la năm 2005 lên 6,2 tỷ năm 2006 và 8 tỷ năm 2007. Như vậy, tuy cùng hoạt động thương mại trong một khu vực tự do, doanh nghiệp của Việt Nam đã không theo kịp các nước thành viên khác.
Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm, tình hình tại các khu vực mậu dịch tự do ASEAN với các nước Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tương tự.
Yếu trong cạnh tranh
Để được hưởng ưu đãi trong AFTA, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam phải nội địa hóa từ 40% trở lên, song hiện nay nhiều mặt hàng của Việt Nam chưa đạt được tỷ lệ này. Sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ khiến Việt Nam đang phải nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu đầu vào.
Hơn nữa, Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN khác đang có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khá tương đồng (chủ yếu là nông sản, hải sản, khoáng sản thô, sơ chế giá trị thấp với hàm lượng giá trị gia tăng không cao) nên việc thâm nhập của doanh nghiệp Việt Nam vào khu vực này gặp nhiều khó khăn. Những mặt hàng này tuy hầu hết được hưởng thuế nhập khẩu từ CEPT, nhưng giá trị thấp và giá cả không ổn định.
Bên cạnh những yếu kém nội tại, cũng có những hạn chế từ công tác thương mại khiến các doanh nghiệp còn chưa tận dụng được tối đa những ưu đãi trên. Theo ông Hoàng, cơ quan chức năng chưa thực sự nắm bắt được các cơ hội trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vào nhóm thị trường này. Một số Thương vụ Việt Nam chưa hiểu kỹ những thành quả trong đàm phán về mở cửa thị trường để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp một cách kịp thời. Công tác thông tin, nghiên cứu, tư vấn, tham mưu, nhất là đối với những vấn đề mang tính chính sách và chiến lược chưa được các thương vụ đặt đúng tầm mức...
Tận dụng rào cản hợp lệ
Sử dụng các rào cản thương mại được phép để hạn chế nhập khẩu hàng hóa là một biện pháp đang được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, giải pháp này lại chưa được thực hiện có hiệu quả ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kiềm chế nhập siêu đang khó khăn. Việt Nam hiện đang nhập siêu lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giảm thuế theo cam kết WTO, khiến hàng hóa của các nước vào nhiều. Đặc biệt, nhập siêu tăng mạnh sau khi Việt Nam đã là thành viên WTO. Nếu như từ 2006 trở về trước nhập siêu thường dưới 5 tỷ đô-la, năm 2007 là 12,3 tỷ, thì chỉ riêng 11 tháng năm 2008, nhập siêu cả nước đã là 18 tỷ đô-la). Hơn nữa, Việt Nam đang nhập siêu chủ yếu từ châu Á, nhất là các nước trong khu vực. Trong khi hơn 80% kim ngạch nhập khẩu là nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị thì việc nhập siêu từ nhóm các nước phát triển trung bình thuộc châu Á đang là mối lo ngại thực sự của công nghệ nước nhà. Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, ông Lương Văn Tự cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tối đa những gì mà WTO không cấm để phát triển thị trường trong nước cũng như thâm nhập thị trường nước ngoài. TS Vũ Thị Bạch Tuyết - Học viện Tài chính cũng nhìn nhận, thời gian qua, việc kiểm soát hàng nhập khẩu ở Việt Nam còn quá sơ sài, quá dễ dãi với nhiều loại hàng hóa. Trong tương lai, hàng rào kỹ thuật sẽ là biện pháp duy nhất được sử dụng nhằm bảo vệ nền kinh tế. Vì vậy, không chỉ sử dụng hàng rào này trong việc kiểm soát hàng nhập khẩu mà còn nên sử dụng chúng để kiểm soát tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.
(Theo dddn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com