Đến nay, khi hơn 400 ngàn tỉ đồng tín dụng cho vay ưu đãi trong gói kích thích tăng trưởng kinh tế đã được giải ngân, những nhà làm chính sách đang tính toán đến “gói kích thích” lần thứ hai. Nhưng trước khi quyết định một gói kích thích tiếp theo cho năm tới, phải nghiêm túc xem xét hiệu quả gói kích cầu hiện tại.
Tiền chưa vào đúng chỗ?
Tại một cuộc thảo luận đánh giá tác động của gói kích thích tăng trưởng, (vẫn được gọi nôm na là “kích cầu”) với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp TP.HCM hồi cuối tháng 7, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến biểu dương tác dụng tích cực của chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 4% thuộc về một số doanh nghiệp lớn, tiêu biểu là công ty Đồng Tâm và công ty Tôn Hoa Sen. Một luồng ý kiến trái ngược, đông đảo hơn nhiều, đến từ đại diện những công ty tên tuổi không lớn. Những doanh nghiệp này cho rằng họ không tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, và đồng tình với ý kiến của những nhà kinh tế cho rằng gói kích cầu hầu như không đem lại tác động lớn nào cho nền kinh tế.
Giờ đây, khi Chính phủ bắt đầu thảo luận về gói kích thích lần 2, nhiều ý kiến từ giới nghiên cứu kinh tế cũng như doanh nghiệp cho rằng để quyết định làm gì tiếp theo, phải đánh giá lại một cách trung thực tác động của gói kích cầu lần 1. Nhận định của Chính phủ, cho rằng gói kích cầu này ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và tạo công ăn việc làm, thiếu những minh chứng cụ thể. Sáu tháng đầu năm nay, với mức tăng trưởng GDP là 3,9%, nền kinh tế Việt Nam trên thực chất giảm sút mạnh so với mức 6,2% của cả năm 2008, và thấp hơn 6% so với tiềm năng tăng trưởng lẽ ra phải đạt được. Trong tương quan với các nền kinh tế khác ở khu vực châu Á, Việt Nam vẫn thuộc số những nước có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2009.
Các con số thống kê gần đây khá rối rắm nhưng đều cho thấy tình hình chung là tiêu dùng giảm (giữa 3,4% tới 10%, tuỳ vào những nguồn khác nhau). Theo tính toán của ông Vũ Thành Tự Anh, nếu tiêu dùng giảm 10%, thì đầu tư giảm 2%.
Trong khi đó xuất khẩu tính đến thời điểm này vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng tồn kho lại tăng 34%. Đây là những số liệu do ông Lê Đức Thuý, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn với VnExpress hôm 30.8. Ông Thuý đưa ra những số liệu trên để bày tỏ lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế đứng ở mức thấp trong năm nay. Ông thuộc nhóm chủ trương ủng hộ một gói kích thích tăng trưởng lần 2.
Vậy trên 400 ngàn tỉ đồng chảy về đâu? Theo số liệu mới nhất mà ngân hàng Nhà nước công bố hôm 30.8, trong số đó khoảng 62 ngàn tỉ đồng cho vay với nhóm doanh nghiệp nhà nước, 264 ngàn tỉ dành cho doanh nghiệp ngoài nhà nước và 70 ngàn tỉ cho hộ sản xuất kinh doanh. Nếu nhìn vào cơ cấu cho vay này, thì có vẻ như luồng tiền đang đi đúng hướng: chủ yếu được đưa vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Nhưng lùi lại một chút để nhìn bức tranh tổng thể, dường như câu chuyện không hẳn như vậy. Tính trong sáu tháng đầu năm, lượng vốn ưu đãi 4% đổ vào khu vực dân doanh là 242 ngàn tỉ đồng. Nhưng cũng trong thời điểm này, theo tổng cục Thống kê, thì lượng vốn đầu tư mới của khu vực dân doanh chỉ đạt 100 ngàn tỉ đồng. Số vốn còn lại đi đâu? Đó là chưa kể đến luồng vốn đầu tư tự có hoặc ngoài luồng vốn hỗ trợ ưu đãi.
Giới quan sát cho rằng luồng vốn ưu đãi thực chất được dùng để đảo nợ, chảy ngược vào ngân hàng để ăn chênh lệch giữa vốn vay và vốn gửi, và đổ vào thị trường chứng khoán và địa ốc. Mức tăng 71% từ đầu năm của VN-Index, và thị trường địa ốc “ấm lên”, có liên kết chặt chẽ với nguồn tín dụng này. Từ tháng 2.2009 đến nay, chỉ số VN-Index lên xuống theo sát với tốc độ tăng trưởng tín dụng: tăng mạnh trong tháng 3, và khi tín dụng bắt đầu được siết lại vào tháng 6 thì cũng đi xuống. Hai nhà phân tích Joseph Lau và Dan Fieman của Credit Suisse Group AP trong báo cáo mới nhất về Việt Nam được công bố ngày 2.9, đã cho rằng: “Tín dụng ngân hàng tăng mạnh đã tạo nên sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 4, và chúng tôi dự đoán tín dụng chậm lại sẽ chấm dứt sự tăng trưởng của thị trường này”.
Kích tiếp, nhưng phải làm khác
Biện pháp kích thích chủ lực trong gói kích thích của Chính phủ, cho vay hỗ trợ lãi suất, được nhiều nhà quan sát cho là một biện pháp đúng hướng, nhưng phải xem lại mức hỗ trợ. “Nếu đặt mức hỗ trợ lãi suất là 2% thay vì là 4%, thì chính sách mới có hiệu quả và tránh được tình trạng thất thoát,” ông Nguyễn Trung Hà, chủ tịch hội đồng quản trị công ty chứng khoán Thiên Việt nhận xét.
Mức hỗ trợ lãi suất 4% khiến cho lãi suất thực mà doanh nghiệp được vay ưu đãi thấp hơn mức lãi suất huy động của ngân hàng. Chênh lệch này có thể dẫn đến tình cảnh người được thụ hưởng chính sách chỉ cần lấy số vốn được vay gửi lại vào hệ thống ngân hàng thì đã kiếm được lời. Đó là chưa kể đến khả năng nguồn vốn được sử dụng để đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thiếu một cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo các khoản tín dụng được sử dụng đúng mục đích đặt ra.
Chính vì vậy, khi bàn đến gói kích cầu thứ 2, có hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng không nhất thiết phải tiếp tục “kích cầu” vì tác động chưa tới của gói kích cầu lần thứ nhất, và một phần vì nền kinh tế thế giới có khả năng hồi phục mạnh mẽ vào đầu năm 2010. Luồng ý kiến thứ hai, được nhiều người ủng hộ hơn, cho rằng cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng phải làm khác so với lần thứ nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng quy mô của gói kích cầu thứ 2 phải nhỏ hơn vì phải hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách, đồng thời giảm bớt tác động kích hoạt lạm phát. Thời hạn thực hiện cũng không nên quá dài mà làm ngắn để tạo sự linh hoạt trong điều hành chính sách. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ phải là đối tượng chính của những chính sách ưu đãi, nhưng chính sách kích cầu phải được kết hợp linh hoạt với chính sách tỷ giá nhằm khuyến khích xuất khẩu thay vì tạo điều kiện cho nhập khẩu với mức tỷ giá vẫn giữ đồng Việt Nam ở mức cao hiện nay.
Tình trạng nhập siêu tăng tốc khiến cho thâm hụt mậu dịch tăng lên trên 1,5 tỉ trong tháng 8. Ngân hàng ANZ cảnh báo sức ép lên tỷ giá cũng tăng. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn FDI và thu nhập từ xuất khẩu. Với mức giải ngân FDI giảm 22% và cam kết mới đều giảm 80% trong năm nay, sức ép lên cán cân thương mại có thể sẽ tăng trong năm nay. Bài toán chính sách sẽ phải được Chính phủ tính toán rất kỹ trong những tháng tới. Theo nhận định của ngân hàng ANZ, thì mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể khá hơn với một số nước ở châu Á nhưng sẽ không thể theo kịp mức quay đầu của Trung Quốc hiện nay.
( Theo Lan Anh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com