Theo WB, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và vẫn duy trì được vị trí đó cả sau khủng hoảng.
Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12/2010 của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và ổn định.
Theo Báo cáo, mặc dù tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu không đều khắp trên toàn thế giới, khu vực châu Á vẫn đạt được thành tích khá tốt. Đặc biệt, trong khu vực châu Á, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt thành tích tăng trưởng khá ấn tượng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương (EAP) trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và vẫn duy trì được vị trí đó cả sau khủng hoảng. Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP thực 5,3% trong năm 2009, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng trong khoảng 6,5-6,7% trong năm 2010.
Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam nổi bật không chỉ nhờ thành tích tăng trưởng cao mà còn do xu hướng tương đối ổn định.
Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo, điều này có nghĩa là tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau những trầm lắng của năm 2009 là chậm hơn so với các nước đã có tăng trưởng âm vào năm ngoái. Và thành tích tăng trưởng ấn tượng cũng song hành với một số vấn đề kinh tế vĩ mô.
Theo phân tích của bản Báo cáo, dấu hiệu rủi ro đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 khi nền kinh tế Việt Nam đón nhận một luồng vốn ngoại tăng vọt chưa từng thấy ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khởi đầu cho cuộc bùng nổ tín dụng và bong bóng giá tài sản.
Kể từ đó, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn với một loạt cú sốc từ bên ngoài - giá cả hàng hóa thế giới tăng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong năm 2009 và khủng hoảng nợ quốc gia năm 2010 ở Châu Âu.
Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng không mong muốn với tỉ lệ lạm phát cao nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á Thái Bình Dương (6,5%) trong năm 2009 và khoảng trên dưới 10% trong năm 2010.
Bên cạnh tỉ lệ lạm phát cao, Việt Nam còn phải đối mặt với sức ép về tiền tệ, mức dự trữ ngoại hối sụt giảm, thị trường chứng khoán ảm đạm và chênh lệch lãi suất quốc gia cao so với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác ở Châu Á.
Như vậy, mặc dù là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, Việt Nam cũng là một ngoại lệ so với xu hướng của các thị trường mới nổi nói chung là đồng tiền mạnh hơn, luồng vốn đổ vào mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối tăng./.
(vovnews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com