Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ở Việt Nam tồn tại thị trường giáo dục

Một đề tài cấp Nhà nước vừa được nghiệm thu đã khẳng định sự tồn tại thị trường giáo dục ở Việt Nam với sản phẩm đặc thù là các hàng hóa dịch vụ đặc biệt với nhiều cấp độ khác nhau.

PGS.TS Trần Quốc Toản: "Giáo dục là loại dịch vụ hàng hóa đặc biệt -Ảnh: Chinhphủ.vn

Ngày 29/7, Đề tài độc lập cấp nhà nước “Phát triển giáo dục Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và trước nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản và các cộng sự thực hiện đã được nghiệm thu.

Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục là đơn vị chủ trì Đề tài với sự phối hợp của Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) và Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tại buổi nghiệm thu, Chủ nhiệm đề tài, PGS. TS Trần Quốc Toản cho biết, mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn phát triển giáo dục Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đề tài đánh giá lại thực trạng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam từ sau Đại hội Đảng IV tới nay để làm rõ bản chất giáo dục nước ta, từ đó đề xuất các quan điểm, cơ chế phát triển hệ thống các giải pháp phát triển giáo dục Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Với quan điểm giáo dục là phúc lợi xã hội nhưng giáo dục cũng đồng thời là hàng hóa dịch vụ và như vậy, đề tài đã khẳng định sự tồn tại thị trường giáo dục ở Việt Nam với sản phẩm đặc thù là các hàng hóa dịch vụ đặc biệt với nhiều cấp độ khác nhau.

Đề tài cho rằng, do là hàng hóa dịch vụ nên giáo dục sẽ chịu nhiều tác động và chi phối của cơ chế thị trường. Điều này sẽ có ảnh hưởng quyết định đến cơ chế đầu tư, quản lý, chi phí giáo dục, vai trò của nhà nước và tư nhân trong đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của chúng ta hiện nay và trong thời gian tới.

 Đây là vấn đề nóng bỏng và hết sức thời sự của ngành giáo dục nước ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.

Cơ chế thị trường sẽ tạo động lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng GD-ĐT, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển các mô hình nhà trường hiện đại-năng động-sáng tạo. Mục tiêu GD-ĐT được gắn với với nhu cầu xã hội, với quá trình phát triển kinh tế xã hội và với hiệu quả đầu tư cho giáo dục.

Mặt khác, cơ chế thị trường (thị trường không hoàn hảo do giáo dục vẫn mang tính phúc lợi xã hội ở bậc đào tạo thấp) sẽ đa dạng hóa các thành phần tham gia phát triển GD-ĐT, cung ứng hàng hóa dịch vụ GD với các phân khúc thị trường khác nhau, tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục.

Trong đề tài của mình, PGS.TS Trần Quốc Toản và các cộng sự đã đề xuất một số định hướng, giải pháp để phát triển GD-ĐT hiệu quả, chất lượng theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Theo đó, trước hết cần đẩy mạnh đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới mạnh mẽ và tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục-đào tạo, đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình phương pháp giáo dục, đảm bảo tốt hơn công bằng, bình đẳng và các chính sách trong giáo dục-đào tạo.

Đồng thời vận dụng cơ chế và các giải pháp phù hợp với từng cấp, từng bậc học và điều kiện phát triển của từng vùng từng địa phương. Tăng cường hơn nữa vai trò, sự tham gia của cá nhân vào đầu tư cho giáo dục đào tạo để huy động được nguồn lực xã hội tăng cường cho giáo dục-đào tạo.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là công phu, đồ sộ, có cách tiếp cận độc đáo, hợp lý, phương pháp nghiên cứu khoa học.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Du Phong cho rằng, đây cũng là chương trình nghiên cứu khoa học toàn diện, công phu đầu tiên về  mối quan hệ giữa giáo dục và thị trường cả về lý luận và thực tiễn.

Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu cũng cho rằng nếu Đề tài làm rõ hơn về hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam, sự khác biệt của giáo dục giữa thời bao cấp và thời Đổi mới sẽ thấy rõ hơn nữa bản chất của giáo dục Việt Nam hiện tại.

Bên cạnh đó, Đề tài chưa nói rõ là cần thay đổi tư duy giáo dục ở cấp nào, đối tượng nào, đặc biệt là vấn đề liên quan đến cấp vĩ mô.

PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, Đề tài không có tham vọng giải quyết tất cả mọi vấn đề của nền giáo dục Việt Nam mà chỉ đưa ra và giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, đồng thời những giải pháp mà nhóm thực hiện đề xuất chỉ mang tính định hướng và vĩ mô. “Để triển khai vào thực tế, cần nhiều đề tài nhánh cụ thể, vi mô và sâu sát hơn với thực tiễn”, PGS.TS Trần Quốc Toản nói.

(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)

  • Bao giờ giảm giá xăng dầu?
  • VN mất cân đối cung cầu thịt gia súc
  • Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế phòng vệ thương mại
  • Ðẩy nhanh tiến độ sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN
  • Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu: Không thể lơ là
  • Thị trường Logistics Việt Nam: “Ông lớn” nước ngoài thao túng
  • 3 lý do bãi bỏ thủ tục cấp phép quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô
  • Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: Cơ hội có bị bỏ lỡ lần nữa?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi