Ngày 13-5, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần chủ trì Hội thảo “Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đến dự có đại diện các viện, trường trong cả nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL...
Theo Bộ NN&PTNT, với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó 32% là đất nông nghiệp, hằng năm ĐBSCL có mức đóng góp khoảng 18% GDP, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Nét nổi bật sản xuất nông nghiệp của vùng trong các năm qua là đi đôi với mở rộng diện tích thông qua khai hoang, cải tạo đồng ruộng, tăng vụ là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, nơi đây vẫn là vùng có chỉ số năng lực cạnh tranh bình quân, nghèo khó và trình độ giáo dục và khoa học kỹ thuật thấp. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ với giá trị tri thức trong hàng hóa thấp làm cho giá thành trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL cao, chất lượng nông sản thấp và tính cạnh tranh thị trường kém, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn vùng ĐBSCL lại đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và dịch hại...
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tổng hợp ĐBSCL phải theo hướng đa dạng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp, gắn với các vấn đề như: quản lý nguồn nước, việc làm ngoài nông nghiệp, phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu... Theo đó, nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa cho ĐBSCL để hạn chế thất thoát sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp... Các địa phương vùng ĐBSCL cần phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh như: lúa gạo, cây ăn trái, cá da trơn... Muốn làm được các vấn đề này, các địa phương vùng ĐBSCL cần làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất dựa trên yêu cầu phát triển của ngành ở từng huyện, xã và có tính khả thi để thực hiện; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, y tế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, môi trường và các địa phương trong việc xây dựng, giám sát thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, cần có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) để người nông dân nâng cao năng lực sản xuất...
Hôm nay, ngày 14-5, Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận sâu hơn về quy hoạch định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn tổng hợp vùng ĐBSCL.
(Theo HÀ TRIỀU - THẢO TRANG // Báo Cần Thơ Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com