Nếu vẫn phát triển theo mô hình cũ, kinh tế Việt Nam khó có được lợi thế cạnh tranh và khởi sắc thật sự. Vậy đâu là lợi thế mà Việt Nam nên tận dụng?
T/S Alan Phan là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Email: aphan@asiamail.com và Web: www.gocnhinalan.com |
Trong các phân tích về cơ hội đầu tư hay tài trợ vốn của Quỹ Viasa, ban tín dụng luôn lưu ý đến hai yếu tố then chốt: lợi thế cạnh tranh của dự án và kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ quản lý. Ở một bình diện lớn, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đang phải đối diện với cả hai vấn đề này.
Cạnh tranh trên bình diện vĩ mô
Trong chính sách phát triển kinh tế nhiều năm qua, chúng ta đã cố gắng theo đuổi mô hình Trung Quốc: lấy công nghiệp hóa, đô thị hóa và xuất khẩu hàng rẻ làm ba mũi nhọn. Theo báo cáo mới nhất, ba ngành công nghiệp ngốn nhiều ngoại hối và tạo nhập siêu khủng là ôtô, điện tử và thép. Điều tôi chắc chắn là việc đầu tư tiền bạc, công sức và ưu đãi hỗ trợ vào ba ngành này hoàn toàn không hiệu quả và không mang lại cho Việt Nam một lợi thế cạnh tranh nào trên thương trường quốc tế.
Đây là hậu quả của việc thiếu tính toán và hành động theo lý thuyết đã cũ. Trung Quốc có 1,3 tỷ dân, chuỗi công nghệ cung ứng linh kiện hiện đại, hệ thống hạ tầng phát triển và "đổi mới" của họ đi trước chúng ta 10 năm. Đó là lý do họ thành công trong công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của họ rất cổ hủ và gây nạn đói kém thường trực cho dân quê. Đô thị hóa để kéo dân nghèo lên thành phố, tạo ra nguồn nhân công rẻ cho các xưởng máy xuất khẩu hàng rẻ là giải pháp hợp lý.
Bài toán của Việt Nam
Các yếu tố này khác hẳn ở Việt Nam. Công nghiệp của chúng ta không có lợi thế cạnh tranh, nhưng nông nghiệp chúng ta không yếu kém đến độ phải kéo dân về thành phố làm nhân công như ở Trung Quốc. Trên hết, bài toán gia công sản xuất hàng rẻ để xuất khẩu cần suy tính lại vì hiệu quả đầu tư, vấn đề nhập siêu nguyên liệu và ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, điều hành một nền kinh tế thị trường của chúng ta còn nhiều yếu kém, đặc biệt là tại các doanh nghiệp Nhà nước, do nền giáo dục từ chương tụt hậu; cũng như không đủ kinh nghiệm để sáng tạo hay đột phá. Hai yếu tố căn bản cho sự thành công trong kinh doanh đều hụt hẫng trong bối cảnh này.
Mô hình Do Thái
Tôi thường lấy thí dụ về xứ Israel năm 1948 khi vừa lập quốc. Một triệu người dân cô đơn trên vùng sa mạc khô cằn, đối diện với một thế lực thù địch là hơn 100 triệu người Ả Rập. Chính quyền ưu tiên cho chương trình hiện đại hóa nông nghiệp để bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong chiến tranh. Các nhà khoa học, chuyên gia đổ công sức vào việc nghiên cứu công nghệ và quy trình phát triển để hữu hiệu hóa mọi giai đoạn sản xuất. Kết quả là sau 10 năm, Israel đã trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản cho thị trường Âu châu và cả cho vùng đất mầu mỡ Phi châu.
Khuyến khích và tạo môi trường tốt để hiện đại hóa nền nông nghiệp bắt đầu từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu kỹ nghệ, từ các định chế giáo dục và sử dụng rộng rãi mạng lưới truyền thông để tạo phong trào. |
Không lý do gì bài học Israel lại không thể ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam, nơi 67% dân số vẫn mưu sinh bằng nông nghiệp, môi trường thiên nhiên khá phù hợp và người dân đã có kinh nghiệm hàng ngàn năm về canh tác. Những tiến bộ trong 15 năm qua đã đem về cho Việt Nam các thành quả lớn về nông nghiệp như số lượng gạo, cà phê, cao su, hải sản xuất khẩu luôn là "top ten" của thế giới.
Người nông dân đạt được các đỉnh cao này với sự trợ giúp phải nói là chưa thực sự hữu hiệu của Chính phủ. Vẫn còn đó những luật lệ "hành là chính", vô số loại phí chính thức kèm theo phong bì đen đỏ, những sân golf và khu công nghiệp mọc lên trên đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật. Nếu Chính phủ có một chính sách thực tiễn để tạo mũi nhọn cho nông nghiệp như Israel đã làm, thì kinh tế chúng ta đã phát triển sạch và bền vững như thế nào trong 20 năm qua?
Cơ hội đột phá
Nông nghiệp Việt Nam có thể vực dậy một nền kinh tế đang nhiều trắc trở |
Với những bế tắc của lối kinh doanh thời thượng, nhưng "giật gấu vá vai" của nền kinh tế, đây là lúc chúng ta phải quay về với căn bản để tạo lợi thế cạnh tranh. Tôi phải thú nhận là cá nhân mình không phải là một nông dân, cũng không là một chuyên gia về kinh tế nông nghiệp. Đây hoàn toàn là một chia sẻ phiến diện của kẻ đứng ngoài dựa trên những cảm nhận chủ quan. Nhưng theo tôi, Chính phủ có thể làm những việc đơn giản và không tốn kém gì cho ngân sách như sau: Xây dựng một bộ máy chính quyền cấp xã thực sự có năng lực; Khuyến khích và tạo môi trường tốt để hiện đại hóa nền nông nghiệp bắt đầu từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu kỹ nghệ, từ các định chế giáo dục và sử dụng rộng rãi mạng lưới truyền thông để tạo phong trào; Gia tăng giá trị các nông phẩm bằng quy trình sản xuất cũng như tạo ra các sản phẩm đặc thù qua những nghiên cứu mới về nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Dĩ nhiên, ai cũng đoán biết là nhiều thử thách và khó khăn sẽ phải giải quyết vì nông dân có lẽ là những người bảo thủ nhất của xã hội. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng là một tác nhân bất ổn khác... Nhưng với luật cung cầu của thị trường, những sai lầm và tiến bộ sẽ được điều chỉnh theo thời gian. Nông nghiệp và nông dân Việt Nam có thể vực dậy một nền kinh tế đang nhiều trắc trở.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com