Đà Nẵng lần đầu tiên vượt Bình Dương để dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thủ tục đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường giảm, tiếp cận thông tin đã được cải thiện… Đó là những điểm cải thiện đáng chú ý trong buổi công bố PCI năm 2008 hôm qua (11-12). Tuy nhiên, kết quả từ cuộc điều tra cũng cho thấy, vẫn còn 3 nút thắt trong PCI năm nay, đó là thủ tục hành chính, lao động và nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Đà Nẵng lên ngôi đầu
Trong lần công bố thứ tư này, PCI năm 2008 đã chứng kiến sự vượt mặt của Đà Nẵng sau 3 năm “núp sau” Bình Dương. Ngoài Đà Nẵng, PCI năm nay còn chứng kiến sự tiến bộ của nhiều địa phương, dẫn đầu là Hà Nam với việc nhảy 20 bậc lên hạng 26, Bình Phước 17 bậc lên hạng 32, Long An và Đắc Lắc cùng “thăng” 15 hạng lên 6 và 33… Song nếu xét về mức độ cải cách trong hai năm 2006 và 2008 thì Cà Mau dẫn đầu về cải thiện thứ hạng: lên 38 hạng và xếp 18; Long An lên 36 bậc xếp hạng 6, Thừa Thiên – Huế cải thiện 30 bậc lên thứ 10…
Nhưng trên hết, kết quả PCI năm nay cũng cho thấy nhiều điểm tích cực khác. Việc công nhận quyền sở hữu đất đai tiếp tục được cải thiện với 81% doanh nghiệp tham gia điều tra có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2007 là 75% và năm 2006 là 55%).
Quan trọng hơn, nhờ sự phát triển của công báo tỉnh, khả năng tiếp cận các văn bản pháp lý tiếp tục được cải thiện: 65% so với con số 61% năm 2007. Bên cạnh đó, tỷ lệ phần trăm số doanh nghiệp thỏa thuận với cán bộ thuế về các khoản phải nộp – một chỉ tiêu quan trọng của tính công khai, minh bạch – trong năm 2008 cũng cao so với các năm trước: 36% (năm 2006 là 61%, năm 2007 là 41%).
Một sự chuyển biến quan trọng trong PCI năm nay là việc sử dụng tòa án kinh tế địa phương. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, tổng số các vụ kiện được thụ lý tăng gấp đôi giữa năm 2006 và năm 2007. Việc các doanh nghiệp dân doanh tăng cường sử dụng tòa án là chuyển biến tích cực, cho thấy lòng tin của doanh nghiệp với hệ thống pháp luật tăng lên.
Ba nút thắt
Tuy nhiên, thủ tục hành chính trở thành điểm đáng lo ngại đầu tiên đối với doanh nghiệp. Theo điều tra, có 23% số doanh nghiệp phải bỏ ra 10% quỹ thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính và doanh nghiệp nhận định sự cải thiện trong các rào cản về thủ tục hành chính là không nhiều.
Sự phàn nàn của doanh nghiệp chủ yếu là về giấy tờ và các loại thủ tục phiền hà trong tiếp xúc và làm việc hàng ngày với cán bộ địa phương. Tình trạng khá phổ biến ở Việt Nam là mỗi tỉnh có cách hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính khác nhau.
Cùng với đó, lao động và nguồn nhân lực đang là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Năm 2008, chỉ có gần 20% doanh nghiệp đánh giá tốt và rất tốt về chất lượng đào tạo nghề của tỉnh so với gần 60% của năm 2007; chỉ có hơn 18% số doanh nghiệp cho rằng chất lượng lao động tại tỉnh đáp ứng được tất cả nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, 23% doanh nghiệp đánh giá chỉ đáp ứng được một số loại công việc cần thiết.
Nút thắt thứ ba mà các doanh nghiệp đều “kêu” đó là gánh nặng cơ sở hạ tầng với 71% doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm bị ảnh hưởng do chất lượng hệ thống giao thông kém, tổng giá trị thiệt hại trung bình 43 triệu đồng/năm; trong tháng gần nhất, trung bình một doanh nghiệp bị cắt điện hơn 48 giờ.
Bà Phạm Chi Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, cho rằng: “Việc chỉ số về thủ tục hành chính sụt giảm trong khi chúng ta vẫn đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) cũng là điểm lo ngại. Điều này cho thấy, CCHC chưa đưa tới hiệu quả tích cực. Tôi nghĩ điều này liên quan đến tham nhũng, bởi thực tế là, việc CCHC đã thực hiện cả 10 năm nay và năm 2007 là năm đẩy mạnh CCHC. Phải chăng chỉ số này sụt giảm là do bộ máy trì trệ, liên quan đến những nhóm lợi ích riêng”.
- PCI năm 2008 sử dụng một loạt các chỉ tiêu và nhóm lại thành 10 chỉ số thành phần gồm: chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước và môi trường cạnh tranh; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; chính sách phát triển kinh tế tư nhân; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.
- 10 doanh nghiệp dẫn đầu trong PCI năm 2008 gồm: Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Lào Cai, An Giang, Thừa Thiên – Huế.
- TPHCM xếp hạng thứ 13, tuy vẫn nằm trong nhóm “tốt” nhưng so với năm 2007, TPHCM bị tụt 3 bậc (PCI năm 2007 xếp thứ 10).
- Báo cáo PCI năm 2008 đưa thêm hai chỉ số mới vào phân tích năng lực cạnh tranh là chỉ số cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin, truyền thông. Đối với chỉ số cơ sở hạ tầng, kết quả điều tra cho thấy, Đà Nẵng, Bình Định, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước. Đối với chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông, đạt điểm cao nhất là TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
(Theo SGGP)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com