Việt Nam sẽ sớm thoát ra khỏi những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế và đang đóng một vai trò mới ở châu Á.
![]() Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, nhưng độ mở lại rất lớn |
Vượt qua khủng hoảng
Phát biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19, bà Vishakha N. Desai, Chủ tịch Asia Society cho rằng, Việt Nam gần như đã chiến thắng và đang thoát khỏi khủng hoảng. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang đóng một vai trò mới ở châu Á. Điều này được bà Vishakha N. Desai phân tích qua thực tế được kiểm chứng trong suốt gần 1 năm sóng gió vừa qua.
Còn nhớ, ở vào những thời điểm cam go nhất trong năm 2008, khi lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn, thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán giảm sút... nền kinh tế của Việt Nam đối đầu với muôn vàn khó khăn. Hàng loạt chính sách đồng bộ, kịp thời được Chính phủ Việt Nam thông qua và điều hành đã tạo nên những xoay chuyển tích cực.
Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng được duy trì hợp lý và an sinh xã hội được đảm bảo. Quý I/2009, kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 3,1% và dự báo cả năm tăng khoảng 5%, đó là một dấu hiệu khởi sắc.
Ông Scott Robertson, nhà kinh tế học, đến từ Tập đoàn Dragon Capital Group Ltd, cũng phải thừa nhận tình hình khủng hoảng nặng nề ở Việt Nam khoảng 1 năm trước đã không còn. Hơn thế, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao vào sự bình ổn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Rõ ràng, đó là thành công của Việt Nam và là sự ghi nhận về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác. “Tuy nhiên, Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, nhưng độ mở lại rất lớn, Chính phủ cần phải biết cách cân đối các cán cân thương mại”, ông Robertson khuyến nghị.
Hơn thế, các chuyên gia kinh tế cũng nhắc tới một trong những vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay là cần xây dựng chính sách thu hút nguồn vốn dự trữ trong dân (dưới hình thức trữ vàng, ngoại tệ) nhằm tạo động lực lớn cho dòng luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế. Với những giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng về khu vực nông thôn, vấn đề là Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ cán cân thanh toán.
“Nâng cao năng lực của bộ máy quản lý, để trong tương lai những chính sách ban hành sẽ chuyển từ cấp độ giải pháp tình thế lên đến cấp độ mang tính chiến lược cũng cần được Chính phủ Việt Nam cân nhắc”, ông Robertson nói.
Đây cũng chính là những vấn đề đang được Chính phủ Việt Nam tập trung cân nhắc. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, khó khăn và thách thức với kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn trên cả ba bình diện: thương mại, đầu tư và tài chính.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam bằng 160% GDP, phụ thuộc tới 60% vào các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản… Các nền kinh tế lớn này nếu chậm phục hồi sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, tác động không nhỏ vào các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2009 giải ngân sẽ khó, một số dự án có thể bị chậm lại do khó khăn về tài chính của các nhà đầu tư. “Riêng thâm hụt cán cân thương mại đang ở mức cao (năm 2008 là 17 tỷ USD), trong đó thâm hụt với Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc chiếm tới 90% sẽ tạo áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh phân tích.
Tận dụng hội nhập sâu
Trước những diễn biến không thuận lợi với phát triển kinh tế, tư tưởng “đóng cửa” hay “bảo hộ” đang phát triển mạnh. Thậm chí, nhiều quốc gia đã có biểu hiện quay lại chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, khẳng định tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cam kết, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa nền kinh tế, ủng hộ vòng đàm phán Doha và cam kết tăng cường hội nhập khu vực với khả năng và trình độ phát triển của mình. Cách đi của Việt Nam là tiếp cận hội nhập khu vực, mở rộng thương mại ngay trong giai đoạn khó khăn để nhờ đó xác lập vị thế của Việt Nam trong hệ thống cung ứng giá trị của khu vực và thế giới.
Cam kết này đã nhận được sự đồng thuận lớn của các chuyên gia kinh tế quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài. Ông John Bussey, Trưởng đại diện The Wall Street Journal Washington phân tích, đối với những nền kinh tế nhỏ, việc cam kết hội nhập sâu rộng là luôn hợp lý với tiến trình phát triển và thường không gây ra các tình trạng bất ổn.
Dĩ nhiên, ông này lưu ý, trong một thế giới toàn cầu hóa, các biện pháp phải tiến hành một cách hợp lý và tuân thủ theo những khung thời gian phù hợp, đặc biệt các chính sách phải được chuẩn hoá. “Nếu không có phương pháp quản lý nội địa một cách đầy đủ thì dù có toàn cầu hóa như thế nào, hệ quả xấu sẽ khó tránh”, ông Bussey nói.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra nhanh và phức tạp hơn những gì mà các quốc gia, nền kinh tế tiên liệu, nhất là với các quốc gia đang tăng trưởng phục thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng cũng đang làm thay đổi mô hình kinh doanh hiện hữu ở các nước trong khu vực châu Á và nhiều nước. “Điều này cũng đồng nghĩa đã đến lúc cần phải thay đổi hành vi của mỗi nền kinh tế, Việt Nam cũng vậy”, ông John Bussey nhận định
Theo Ngô Ngãi // Báo Đầu Tư
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com