Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng đang diễn ra âm thầm, nhưng cả người mua trong nước và nước ngoài đều không muốn mua những ngân hàng xấu vì sợ rủi ro. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam về cơ chế tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ các ngân hàng có vấn đề, nếu Luật BHTG dự kiến được thông qua vào năm 2012 giao chức năng này cho BHTG.
Thưa ông, qua giám sát các ngân hàng, BHTG Việt Nam có thể cho biết bao nhiêu ngân hàng thuộc diện cần xử lý để tránh đổ vỡ?
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 và thực hiện những chỉ tiêu an toàn tài chính mới, nhưng đến nay có 9 ngân hàng trong nước không thực hiện được tăng vốn. Theo tôi thì những ngân hàng yếu cần được xử lý.
Thực tế là hoạt động M&A các ngân hàng đang diễn ra khá mạnh, nhưng không công khai và bên mua thường chỉ thích mua những ngân hàng tốt. Vậy làm thế nào để xử lý các ngân hàng xấu?
Theo tôi, điều đó phụ thuộc lớn vào ý chí của cơ quan quản lý. Sau thời gian sàng lọc, ngân hàng nào yếu thì cương quyết phải xử lý.
Cùng với ý chí thì cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ các ngân hàng có vấn đề, hỗ trợ bên mua mua lại các ngân hàng xấu. BHTG Việt Nam đã có những nghiên cứu mang tính ứng dụng và tìm hiểu kinh nghiệm các nước về vấn đề này. Chúng tôi đã chuẩn bị năng lực thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong M&A ngân hàng.
Đặc biệt, chúng tôi sử dụng kinh nghiệm của Mỹ và Hàn Quốc là cơ quan BHTG có thể hỗ trợ thương vụ mua lại ngân hàng xấu. Nếu thương vụ thành công thì bên mua hưởng lợi, nếu thua lỗ thì BHTG sẽ chịu 80%. BHTG sẽ không dùng tiền ngân sách để hỗ trợ các ngân hàng yếu.
BHTG Việt Nam hiện quản lý quỹ do các ngân hàng đóng khoảng 7.000 tỷ đồng và chúng tôi đang làm cho khoản tiền này sinh sôi nảy nở. Có thể dùng quỹ này để hỗ trợ lại các ngân hàng.
Nếu ngại là số vốn này có thể còn nhỏ so với quy mô các ngân hàng thì BHTG Việt Nam có thể xin cơ chế vay các tổ chức nước ngoài để hỗ trợ M&A, sau đó dùng chính nguồn thu của ngân hàng đó để trả nợ.
Vì sao BHTG Việt Nam muốn tham gia tiếp nhận, hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu này?
BHTG bảo vệ quyền lợi cho 40 triệu người gửi tiền, có chức năng giám sát và cảnh báo các ngân hàng về rủi ro. Khi các ngân hàng gặp khó khăn thì giúp họ khắc phục, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ, chứ không phải là đợi cho đổ vỡ rồi đi đền bù, bảo hiểm. Hỗ trợ cho hoạt động M&A ngân hàng là hoạt động hỗ trợ tránh để đổ vỡ các ngân hàng.
Để các hoạt động M&A diễn ra công khai, theo ông cần phải làm gì?
Hoạt động M&A các ngân hàng hiện nay không công khai, vì nếu làm công khai thì sẽ vướng các quy định của pháp luật. Cơ quan hoạch định và các ngân hàng cần ngồi lại tháo gỡ các vướng mắc trong quy định, điều gì không cho làm thì cấm hẳn. Cần khuyến khích hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng để tăng khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nước hiện nay.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com