- Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông, Dự thảo Luật NHNN và Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) còn những điểm gì cần phải cân nhắc ?
Dù Luật NHNN VN những năm qua đã góp phần từng bước hoàn thiện khuôn khổ, thể chế tổ chức và hoạt động của NHNN theo cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của NHNN và hệ thống ngân hàng tại VN, nhưng đến nay luật này chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN và nhất là chức năng, nghiệp vụ của NHNN với tư cách là NHTƯ trong tình hình mới. Ngay cả dự thảo Luật sửa đổi Luật NHNN cũng chưa đáp ứng được định hướng của Bộ Chính Trị trong Thông báo số 191 – TB/TW ngày 1/9/2005; Cụ thể là trong vị thế độc lập của NHNN, của Thống đốc NHNN trong xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ; giám sát hoạt động ngân hàng và xử lý các tổ chức tín dụng gặp khó khăn; Trong công bố thông tin về chủ trương, chính sách tiền tệ, ngân hàng... vẫn chưa được luật hóa. Vì vậy, việc xây dựng mới và ban hành Luật NHNN VN (sửa đổi) là cần thiết để khắc phục những tồn tại, bất cập của luật hiện hành trong các nội dung về: Nâng cao tính độc lập, quyền hạn, vị thế của NHNN VN trong thực thi quyền Công pháp về chính sách nhà nước về ngân hàng thông qua việc quản lý nhà nước về ngân hàng, tiến hành tổ chức hoạt động thanh tra, giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện các cam kết đối ngoại của Nhà nước về ngân hàng... và trong chức năng NHTƯ - Hoạch định, điều hành và chủ động sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) để tác động lan tỏa qua hệ thống các TCTD tới nền kinh tế về tổng phương tiện thanh toán và đường cong lãi suất thông qua việc tổ chức thực thi chính sách tiền tệ, cung ứng tiền, tổ chức và tham gia hệ thống thanh toán quốc gia, tham gia và tổ chức hoạt động thị trường mở, thị trường liên ngân hàng, thị trường ngoại hối, tham gia và tổ chức thực hiện các cơ chế tài chính trong các quan hệ quốc tế...
Về Luật Các TCTD (sửa đổi), việc quy định các giới hạn an toàn hay các biện pháp thận trọng và linh hoạt phù hợp với thông lệ quốc tế là rất quan trọng. Luật TCTD mới cũng cần định nghĩa rõ ràng các điều kiện hoạt động khác nhau giữa các loại dịch vụ ngân hàng khác nhau như: ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển, ngân hàng thương mại, ngân hàng bán buôn, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, TCTD phi ngân hàng... Cũng trong luật mới này, các thuật ngữ mới như tập đoàn tài chính, cơ cấu Hội đồng quản trị ngân hàng, quan hệ tỷ lệ sở hữu định chế tài chính (ĐCTC) nói chung và ĐCTC là ngân hàng nói riêng của các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) đối với các loại ĐCTC cụ thể là cần phải hướng vào thị trường, hướng vào các thông lệ quốc tế và bình đẳng với các đối tượng hội đủ điều kiện về an toàn và năng lực quản trị kinh doanh các dịch vụ ngân hàng... rất cần được Luật hóa cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của VN và trong hội nhập quốc tế...
- Ông từng cho rằng, việc cho phép áp dụng lãi suất thoả thuận sẽ là bước đệm để dỡ bỏ lãi suất cơ bản đang áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm của Thường vụ Quốc hội là không bỏ lãi suất cơ bản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?
Không nên hiểu và sử dụng LSCB là lãi suất do NHNN công bố bằng quyền lực hành chính để các ngân hàng thương mại làm cơ sở xác định lãi suất của mình. |
Đây là vấn đề đã gây khá nhiều tranh luận. Trên thực tế lãi suất cơ bản (LSCB) là không có thực, nhưng lại vẫn do NHNN “công bố” và dùng làm “trần” với sợi dây dài 150% cho lãi suất thị trường tín dụng là rất cần phải thay đổi nội hàm và cơ chế sử dụng LSCB như là một công cụ hành chính như hiện nay. Về vấn đề này, tôi cho rằng, không phải là xóa LSCB, mà là xóa loại lãi suất không có thực như cách mà chúng ta đang hiểu, cũng như đang vận hành loại lãi suất này. Theo đó, cần phải định nghĩa lại LSCB theo hướng là lãi suất có thực, do NHTƯ công bố và dùng làm công cụ để cung ứng và/hoặc để điều tiết thị trường tiền tệ có hiệu lực bằng cả tài lực lẫn quyền lực thực của NHTƯ, là lãi suất của NHTƯ giao dịch với các ngân hàng thương mại trong hoạt động tái cấp vốn như: tái chiết khấu và hoặc lãi suất mua, bán giấy có giá của NHTƯ với các TCTD trên thị trường mở... Nghĩa là không nên hiểu và sử dụng LSCB là lãi suất do NHNN công bố bằng quyền lực hành chính để các ngân hàng thương mại làm cơ sở xác định lãi suất của mình và nhất là lại dùng để làm “trần” cho lãi suất tín dụng chính thức trên thị trường tín dụng như lâu nay vẫn làm.
- Liên quan đến quy định về sở hữu cổ phần trong TCTD trong Dự thảo có quy định cá nhân VN được sở hữu tối đa 5%, pháp nhân VN 15% và thể nhân pháp nhân nước ngoài 30% gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là “phân biệt” giữa DN cá nhân tổ chức VN và thể nhân pháp nhân nước ngoài. Ông có đồng tình với quan điểm này không ?
Về nguyên tắc, theo tôi không nên phân biệt theo quốc tịch, mà nên phân biệt theo năng lực quản trị vốn cũng như năng lực quản trị kinh doanh các dịch vụ ngân hàng. Mục tiêu cuối cùng của việc “đa sở hữu” hóa là để làm mạnh ngân hàng, chứ không phải để “phân phối” lợi nhuận của ngân hàng. Mọi loại thể nhân hay pháp nhân đều phải hoạt động theo pháp luật VN, nếu muốn tham gia góp vốn và quản trị, kinh doanh dịch vụ ngân hàng trên lãnh thổ VN.
- Khoản 6 Điều 103 Dự thảo Luật Các TCTD quy định việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác theo ông có hợp lý không ?
Tôi cho rằng quy định như vậy là trái với nguyên tắc thị trường và với các quyền được mua, bán, sáp nhập hay đầu tư vốn vào những lĩnh vực mà các TCTD có tiềm năng, và/hoặc do nhu cầu bức xúc của chính TCTD muốn bán bớt cổ phần của mình cho TCTD có uy tín khác... Nếu cấm, chỉ nên cấm các Tập đoàn kinh tế công nghiệp phi ngân hàng được góp vốn quá một tỷ lệ đủ để thao túng hay tự thành lập ngân hàng riêng. Không quốc gia nào cho phép trong Tập đoàn công nghiệp có ngân hàng thương mại riêng hay Tập đoàn thao túng ngân hàng bằng tỷ lệ cổ phần hoặc bằng quyền tham gia quản trị ngân hàng. Nhân đây cũng nên có những quy định cụ thể trong Luật TCTD về điều kiện được thành lập ngân hàng thương mại và điều kiện được nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác đối với một TCTD. Phân biệt các loại ngân hàng khác nhau, cũng như phân biệt ĐCTC là ngân hàng với ĐCTC phi ngân hàng...
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com